Chuyển động

Bộ Công Thương bác đề xuất CISA, đại gia Ninh Bình bước vào cuộc chơi lúc vàng son

Thu Hà 07/07/2025 15:45

Tổ hợp sản xuất thép gần 100.000 tỷ đồng của đại gia đất Ninh Bình vừa khởi công, hứa hẹn trở thành nhân tố định hình lại thị trường trong thời gian tới.

Ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1958/QĐ-BCT, chính thức bác bỏ đề xuất cam kết của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là động thái nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép nội địa trong bối cảnh lượng hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam thời gian qua, gây sức ép lên các doanh nghiệp trong nước.

Thép HRC
Hiện tại, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là hai nhà sản xuất HRC duy nhất trong nước

Trước đó, ngày 6/6, CISA – đại diện cho 16 nhà sản xuất và xuất khẩu lớn của Trung Quốc đã gửi văn bản đề xuất ba cam kết nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá. Các nội dung cam kết gồm:

  • Áp dụng mức giá bán tối thiểu dựa trên giá tham chiếu bình quân hàng quý tại sàn Thượng Hải, cộng thêm 25 USD/tấn chi phí CIF.
  • Giới hạn sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam ở mức tối đa 5,5 triệu tấn năm 2025, sau đó giảm dần 500.000 tấn mỗi năm.
  • Tự thực hiện cơ chế cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp tuân thủ cam kết trước khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định đề xuất này không đáp ứng các điều kiện cần thiết để được chấp thuận. Theo cơ quan quản lý, chỉ các bên hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra mới có thể được xem xét phương án cam kết, trong khi các thông số giá và sản lượng CISA đưa ra đều không đủ khả năng khắc phục thiệt hại nghiêm trọng mà ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt. Đặc biệt, việc sử dụng giá tham chiếu không công khai gây khó khăn trong khâu giám sát, trong khi cơ chế hiện hành của hải quan chưa thể đảm bảo kiểm soát hiệu quả.

Ngay trong ngày, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BCT, áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng Trung Quốc với mức thuế suất từ 23,1% đến 27,83%. Biện pháp này chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2025 và sẽ kéo dài 5 năm, trừ khi được sửa đổi hoặc chấm dứt sớm theo quy định. Kết quả điều tra cho thấy, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng áp đảo, là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, trong khi lượng hàng từ Ấn Độ dưới 3%, không đủ tác động đáng kể.

Danh mục sản phẩm chịu thuế gồm thép hoặc thép hợp kim dạng cán phẳng, cán nóng, có độ dày từ 1,2 mm đến 25,4 mm, chiều rộng không quá 1.880 mm và hàm lượng carbon tối đa 0,3%. Một số mặt hàng, như thép không gỉ và thép cán nóng dạng tấm, được loại trừ khỏi danh sách áp thuế.

Giảm áp lực lên doanh nghiệp thép Việt

Trong bối cảnh thị trường thép nội địa vốn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt, quyết định này được đánh giá là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam. Hiện tại, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là hai nhà sản xuất HRC duy nhất trong nước. Sau khi đưa vào vận hành dây chuyền thép cán nóng từ năm 2020, Hòa Phát đã nâng công suất lên khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, tổng năng lực sản xuất HRC của Tập đoàn này dự kiến đạt xấp xỉ 9 triệu tấn/năm.

Không chỉ có Hòa Phát và Formosa, một tên tuổi mới đến từ Ninh Bình cũng đang âm thầm gia nhập cuộc chơi. Ngày 23/6/2025, Tập đoàn Xuân Thiện đã chính thức khởi công tổ hợp Thép Xanh quy mô gần 100.000 tỷ đồng tại tỉnh Nam Định (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Dự án đặt mục tiêu sản xuất khoảng 9,5 triệu tấn thép mỗi năm, trong đó riêng thép cuộn cán nóng lên tới 7,5 triệu tấn, hứa hẹn trở thành đối trọng mới trên thị trường.

Thời điểm đại gia Ninh Bình bước vào ngành thép được nhiều chuyên gia đánh giá là “lúc vàng son”. Bởi lẽ, biện pháp phòng vệ thương mại vừa ban hành sẽ giúp thu hẹp sức ép từ nguồn cung giá rẻ, tạo dư địa để doanh nghiệp nội địa củng cố thị phần và cải thiện biên lợi nhuận. Cùng với đó, nhu cầu thép được dự báo tiếp tục tăng mạnh nhờ hàng loạt dự án đầu tư công quy mô lớn như cao tốc Bắc – Nam, hạ tầng logistics, đường sắt cao tốc và hàng loạt khu công nghiệp mới.

Ở một góc nhìn dài hạn, việc thiết lập rào chắn thuế chống bán phá giá là bước đi cần thiết để cân bằng lợi ích thị trường và duy trì năng lực sản xuất nội địa. Trong cuộc chơi mới, không chỉ các tập đoàn đã khẳng định tên tuổi, mà cả những “tay chơi” mới như Xuân Thiện đang nắm bắt cơ hội hiếm có để tăng tốc đầu tư, nâng công suất và củng cố chuỗi giá trị.

Quyết định dứt khoát của Bộ Công Thương không chỉ khép lại “cửa thoát” cuối cùng cho thép giá rẻ Trung Quốc, mà còn mở ra ván bài mới cho các doanh nghiệp nội địa, những người đang đứng trước cơ hội vàng để tái định hình cán cân thị trường.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bộ Công Thương bác đề xuất CISA, đại gia Ninh Bình bước vào cuộc chơi lúc vàng son
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO