Chuyển động

Tham gia lĩnh vực Trung Quốc chiếm 90% thị phần, Chủ tịch Hòa Phát và nước cờ ít ai ngờ

Thu Hà 05/07/2025 18:28

Tham gia vào lĩnh vực mà Trung Quốc gần như đang làm chủ thế trận, tuy nhiên những bước đi gần đây của Hòa Phát cho thấy một toan tính dài hơi đã được vạch sẵn.

Sản xuất container là một lĩnh vực đặc thù mà hiện nay các doanh nghiệp Trung Quốc gần như duy trì vị thế thống lĩnh tuyệt đối. Nhờ hệ thống nhà máy quy mô lớn đặt tại các khu công nghiệp ven biển, nguồn thép giá rẻ, mạng lưới logistics phát triển và lực lượng lao động dồi dào. Hầu hết các hãng vận tải lớn trên thế giới đều phụ thuộc vào nguồn cung container từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa tăng trưởng liên tục.

hoà phát
Chủ tịch Trần Đình Long từng lý giải chiến lược đầu tư vào mảng container là để nắm bắt nhu cầu container toàn cầu – lĩnh vực mà Trung Quốc đang chiếm tới 90% thị phần

Trong bối cảnh nhu cầu container vẫn tiếp tục tăng do thương mại quốc tế và logistics thương mại điện tử, việc mở rộng sản xuất container trở thành một cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp mới tham gia.

Tập đoàn Hòa Phát xác định container là một trong những mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa và giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Chủ tịch Trần Đình Long từng lý giải chiến lược này là để nắm bắt nhu cầu container toàn cầu – lĩnh vực mà Trung Quốc đang chiếm tới 90% thị phần, đồng thời tận dụng lợi thế sẵn có về nguyên liệu thép và năng lực sản xuất quy mô lớn.

Dự án nhà máy container của Hòa Phát đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu được triển khai với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Công suất giai đoạn đầu dự kiến đạt 200.000 TEU mỗi năm và có thể mở rộng lên mức tối đa 500.000 TEU. Đây là một trong những dự án công nghiệp được tập đoàn ưu tiên nguồn lực, thể hiện qua con số chi phí xây dựng dở dang tính đến cuối quý I/2025 đã lên tới gần 2.300 tỷ đồng. Các sản phẩm container từ nhà máy đã được cung cấp cho nhiều khách hàng lớn trong lĩnh vực vận tải biển và logistics, gồm Hapag-Lloyd, SeaCube, VIMC, Hải An, VINAFCO. Việc hợp tác với các tên tuổi quốc tế cho thấy bước đầu Hòa Phát đã khẳng định được năng lực đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm toàn cầu.

Song song với dự án container, Hòa Phát tập trung phát triển năng lực vận tải biển nhằm tạo thế chủ động trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là quặng sắt và than, đây là những yếu tố quyết định giá thành sản xuất thép.

Cách đây ít ngày, Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát, đơn vị thành viên do tập đoàn sở hữu 99,5% vốn đã tiếp nhận tàu hàng rời The Momentum với trọng tải 110.000 DWT. Đây là con tàu lớn nhất trong đội tàu hiện tại, lớn hơn tới 40% so với các tàu Kamsarmax 80.000 DWT mà Hòa Phát đã đưa vào vận hành trước đó.

Với kích thước này, The Momentum được thiết kế tối ưu cho việc vận chuyển các lô hàng nguyên liệu khối lượng lớn từ những thị trường cung cấp chính như Úc và Brazil về cảng nước sâu Dung Quất – nơi đặt “đại bản doanh” sản xuất thép của tập đoàn. Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, chiến lược vận tải biển được chia thành hai mảng chính: các tàu lớn đảm nhiệm vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu, trong khi các tàu nhỏ hơn phục vụ vận chuyển nội địa và phân phối sản phẩm đến đối tác.

Hòa Phát đặt mục tiêu phát triển đội tàu từ 15 đến 20 chiếc trong những năm tới. Ban đầu, đội tàu tập trung phục vụ nội bộ nhu cầu vận tải nguyên liệu và thành phẩm, sau đó từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh logistics ra thị trường bên ngoài. Đây là bước đi được tập đoàn coi như yếu tố bổ trợ cho năng lực sản xuất, đồng thời tăng khả năng chủ động khi thị trường logistics biến động.

Những động thái đầu tư mạnh mẽ vào vận tải biển và container phản ánh định hướng xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Theo chiến lược này, Hòa Phát kiểm soát toàn bộ quy trình từ đầu vào (nguồn quặng và than), vận tải (đội tàu hàng rời), sản xuất thép, chế tạo container, cho tới phân phối và xuất khẩu sản phẩm. Cách tiếp cận này giúp tập đoàn giảm thiểu rủi ro về chi phí logistics, vốn liên tục leo thang và nhiều biến động trong giai đoạn gần đây.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất container và vận tải biển cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn và năng lực quản trị phức tạp. Trung Quốc duy trì lợi thế cạnh tranh đáng kể về chi phí nhờ quy mô sản xuất khổng lồ, tự động hóa cao và hệ thống cung ứng đồng bộ. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chất lượng container quốc tế như CSC, ISO đòi hỏi doanh nghiệp mới gia nhập phải đáp ứng ngay từ giai đoạn đầu. Chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài cũng tạo áp lực không nhỏ, nhất là khi thị trường container chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chu kỳ thương mại toàn cầu.

Với tầm nhìn dài hạn, Hòa Phát đang cho thấy chiến lược đầu tư mạnh vào chiến lược tự chủ chuỗi cung ứng và tận dụng lợi thế sản xuất thép để mở rộng sang các lĩnh vực liên quan. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ sinh thái sản xuất – logistics – tiêu thụ có sự liên kết chặt chẽ, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp truyền thống.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tham gia lĩnh vực Trung Quốc chiếm 90% thị phần, Chủ tịch Hòa Phát và nước cờ ít ai ngờ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO