"Big 4" “ông lớn” ngân hàng hiện nay ra sao?

Cập nhật: 09:47 | 06/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí III/2019, tính đến ngày 30/9, tổng giá trị tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ba ngân hàng VietinBank, Vietcombank và BIDV đạt gần 229.500 tỉ đồng, giảm hơn 11.400 tỉ đồng, tương đương 4,7% so với cuối năm 2018.

big 4 ong lon ngan hang hien nay ra sao

TOP 10 ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất 9 tháng đầu năm 2019

big 4 ong lon ngan hang hien nay ra sao

Lãi suất 4 “ông lớn” ngân hàng TMCP nhà nước nào cao nhất tháng 11/2019?

big 4 ong lon ngan hang hien nay ra sao

Lãi suất 4 “ông lớn” ngân hàng TMCP nhà nước nào cao nhất tháng 10/2019?

Theo thông tư số 58 của Bộ Tài chính, 4 loại tài khoản tiền gửi không kì hạn của KBNN mở tại NHNN Việt Nam và các NHTM, gồm tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu. Trong đó, tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương mở tại Sở Giao dịch NHNN Việt Nam được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán chung của các đơn vị KBNN qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Đáng lưu ý là trong qui định về sử dụng tài khoản của KBNN có nêu rõ nguyên tắc: đối với các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Sở Giao dịch KBNN, KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện tại các hệ thống NHTM, cuối ngày giao dịch, sau khi đối chiếu thành công với NHTM, toàn bộ số dư trên các tài khoản này tại thời điểm COT (thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày giữa KBNN và ngân hàng) được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN Trung ương tại cùng hệ thống NHTM, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0.

Đối với các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN Trung ương tại các hệ thống NHTM, cuối ngày giao dịch, sau khi đã nhận số quyết toán từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu, toàn bộ số dư trên các tài khoản này được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương tại Sở Giao dịch NHNN Việt Nam, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0 (trừ các tài khoản thanh toán tổng hợp bằng những loại ngoại tệ mà NHNN Việt Nam chưa mở tài khoản). Đối với các trường hợp có phát sinh sự kiện bất khả kháng không thể khắc phục được trong ngày, việc kết chuyển được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

big 4 ong lon ngan hang hien nay ra sao
Ảnh minh họa

Vốn giá rẻ của nhóm 'big 4' đang sụt giảm

Trong ba ngân hàng chỉ có duy nhất VietinBank là có tăng trưởng tiền gửi của KBNN còn tại hai ngân hàng còn lại cùng ghi nhận sụt giảm. Mức sụt sụt giảm tại BIDV và Vietcombank không phải là quá lớn, tuy nhiên đã có sự chuyển dịch rõ ràng giữa tiền gửi có kì hạn và không kì hạn tại các nhà băng.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, qui mô tiền gửi thanh toán của KBNN tại Vietcombank giảm từ mức gần 87.096 tỉ đồng vào cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tiền gửi không kì hạn của KBNN sụt giảm rất mạnh, từ 31.096 tỉ đồng (gồm cả ngoại tệ qui đổi) vào cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.333 tỉ đồng tại 30/9/2019. Trong khi đó, tiền gửi có kì hạn lại tăng mạnh từ 56.000 tỉ đồng lên 69.250 tỉ đồng. Qua đó, kéo tỉ trọng tiền gửi KBNN không kì hạn tại Vietcombank giảm từ 36% xuống 7%.

Tương tự tại BIDV, tiền gửi không kì hạn của KBNN giảm mạnh từ 19.432 tỉ đồng xuống còn 5.298 tỉ đồng trong khi tiền gửi có kì hạn lại tăng từ 51.000 tỉ đồng lên 63.250 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm. Tổng tiền gửi của KBNN giảm từ 70.432 tỉ đồng xuống còn 68.548 tỉ đồng. Kết quả, tỉ trọng của tiền gửi KBNN không kì hạn giảm từ gần 21% xuống còn 6%.

Bên cạnh đó, khoản tiền gửi (không rõ kì hạn) của Bộ Tài chính tại BIDV cũng giảm mạnh hơn 35%, từ hơn 24.163 tỉ đồng xuống còn hơn 15.662 tỉ đồng.

Vào cuối tháng 9, "ông lớn" VietinBank ghi nhận tăng trưởng 19% tiền gửi KBNN, tăng khoảng 11.500 tỉ đồng. Ngân hàng không công bố thông tin chi tiết số dư tiền gửi theo kì hạn nên không rõ việc chuyển dịch giữa tiền gửi không kì hạn và có kì hạn tại đây.

Riêng Agribank, hiện ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quí III nhưng theo số liệu bán niên, lượng tiền gửi của KBNN tại đây cũng đã giảm từ 48.739 tỉ đồng tại cuối năm 2018 xuống còn 45.182 tỉ đồng vào ngày 30/6.

Dù sụt giảm mạnh nguồn tiền gửi không kì hạn nhưng các ngân hàng lại được bù đắp một phần bởi nguồn tiền gửi có kì hạn của KBNN, qua đó không làm ảnh hưởng quá nhiều đến qui mô nguồn vốn. Tuy nhiên, sự thay đổi về cấu trúc kì hạn tiền gửi sẽ làm gia tăng đáng kể chí phí huy động, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lời của các nhà băng này.

Phần lớn tiền gửi thanh toán của KBNN chủ yếu tập trung tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank. Qua đó, giúp các ngân hàng này có được một lượng vốn lớn với chi phí khá rẻ phục vụ cho cho các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58 qui định về quản lí và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các NHTM, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11.

Theo qui định mới, toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN phải đổ về tài khoản tổng hợp của KBNN tại Trung ương tại Sở Giao dịch – NHNN vào cuối ngày giao dịch thay vì nằm tại các NHTM như hiện tại.

Do vậy, sự sụt giảm tiền gửi không kì hạn của KBNN tại Vietcombank và BIDV trong thời gian qua rất có thể là sự điều phối có chủ đích của Bộ Tài chính nhằm tránh giảm đột ngột, tạo ra cú sốc cho ngân hàng khi thời hạn thi hành Thông tư 58 sắp đến gần. Trong khi, việc gia tăng tiền gửi có kì hạn từ KBNN cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lí nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động cho nhóm Big 4.

Mặc dù vậy, trong tương lai xu hướng giảm của tiền gửi KBNN tại nhóm các NHTM gốc quốc doanh vẫn là điều khó tránh khỏi khi chính phủ tích cực giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Tổng tài sản: Đều đã vượt 1 triệu tỷ đồng, Agribank dẫn đầu về quy mô cho vay và tiền gửi

Mặc dù một số ngân hàng tư nhân đang lớn lên rất nhanh nhưng nói đến quy mô và sức ảnh hưởng tới thị trường, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn nghiễm nhiên gắn liền với danh "ông lớn", "Big 4 ngân hàng". Trong mắt nhà đầu tư hay lực lượng lao động ngành ngân hàng, hoạt động kinh doanh của nhóm "Big 4" này vẫn luôn tạo được sự chú ý rất lớn.

Đề án chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.

Agribank vẫn thường được xem là "anh cả" trong hệ thống những năm về trước. Tuy nhiên, với việc sớm cổ phần hóa, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank, Vietcombank đã bứt tốc rất nhanh. Xét trên khía cạnh quy mô, Agribank vẫn đang là người dẫn đầu nhưng về kết quả kinh doanh thì đang phải cạnh tranh gay gắt, thậm chí có phần thua thiệt so với 3 ngân hàng kia.

Tổng tài sản hiện nay của cả 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đều đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của 4 nhà băng này chiếm tới 43% hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy sức ảnh hưởng rất lớn của nhóm ngân hàng này.

Trong 4 ngân hàng, Agribank đang có dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng lớn nhất, đều đã vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Theo sau lần lượt là BIDV, VietinBank, Vietcombank.

So với 3 ngân hàng còn lại, dư nợ cho vay của Vietcombank thấp hơn khá nhiều, chỉ đạt 616.949 tỷ đồng cuối năm 2018, tức chỉ bằng khoảng 60% so với Agribank.

Về tiền gửi, Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất, cho thấy được lợi thế về nguồn vốn giá rẻ của nhà băng này – một trong những yếu tố giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Nợ xấu: BIDV nhiều nợ xấu nhất, Agribank cải thiện mạnh trong năm 2018

Về nợ xấu nội bảng, trong khi Vietcombank tăng nhẹ vài chục tỷ, Agribank giảm hơn 2.400 tỷ thì tại VietinBank và BIDV lại tăng khá mạnh. Nợ xấu nội bảng của VietinBank và BIDV cuối năm 2018 tăng lần lượt 52% và 41% so với đầu năm lên mức 13.635 tỷ và 17.201 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp nhất, dưới 1%. Trong khi đó, BIDV cao nhất với 1,8%, Agribank và VietinBank cùng ở mức 1,6%.

Chất lượng tài sản ở Vietcombank được đánh giá nhỉnh hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại khi cũng đã xóa sạch nợ tại VAMC. Trong khi đó, BIDV còn hơn 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, VietinBank là 13.427 tỷ đồng, Agribank là 7.750 tỷ. Đáng chú ý nhất là Agribank khi lượng trái phiếu đặc biệt mà nhà băng này nắm giữ giảm tới 81% chỉ trong 1 năm. Ngân hàng này cùng BIDV đều đặt mục tiêu xóa sạch nợ tại VAMC trong năm nay.

Quy mô lời lãi: Vì sao không có doanh thu cao nhất, Vietcombank vẫn bỏ xa 3 ngân hàng còn lại về lợi nhuận?

Với dư nợ cho vay lớn nhất, cùng mạng lưới và hoạt động trải rộng khắp cả nước, tổng thu nhập của Agribank cao hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại, đạt 52.827 tỷ đồng năm 2018; trong khi BIDV đứng thứ 2 cũng mới chỉ ở mức 41.931 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hệ thống đồ sộ cũng dẫn đến chi phí hoạt động lớn theo. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Agribank, BIDV, Vietcombank không cách biệt nhau quá nhiều (hơn kém nhau từ vài nghìn tỷ).

Đáng chú ý, không có doanh thu cao nhất nhưng Vietcombank lại có lợi nhuận trước thuế dẫn đầu, hơn nữa còn bỏ xa 3 ngân hàng còn lại. LNTT của Vietcombank năm 2018 là hơn 18.000 tỷ đồng, cao hơn 2 lần so với BIDV, Agribank hay VietinBank.

Lý do chủ yếu nằm ở chi phí dự phòng rủi ro. Trong khi Vietcombank chỉ phải trích 7.400 tỷ đồng thì BIDV lên tới 18.259 tỷ đồng, Agribank là 21.707 tỷ đồng, VietinBank là 7.692 tỷ đồng. Với việc nợ xấu còn cao và áp lực sớm tất toán nợ tại VAMC, chi phí dự phòng sẽ còn là gánh nặng với BIDV trong năm 2019.

Trong 4 ngân hàng, chỉ riêng VietinBank bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong năm qua, chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm mạnh khi ngân hàng thoái lãi dự thu. Tổng thu nhập hoạt động của nhà băng chỉ đạt 27.3773 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 12,6% so với năm 2017. LNTT chỉ đạt 6.365 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4". Tăng vốn được hay không vẫn sẽ là yếu tố quyết định tới tốc độ tăng trưởng của nhà băng này trong năm 2019.

Thu nhập nhân viên "Big 4" ngân hàng dẫn đầu hệ thống

Thu nhập bình quân nhân viên của nhóm "Big 4" ngân hàng xưa nay vẫn luôn dẫn đầu hệ thống. Tuy nhiên, sự phân hóa ngay trong chính nhóm này cũng rất lớn, chênh lệch hàng chục triệu đồng.

BCTC riêng lẻ của Vietcombank cho biết, thu nhập bình quân của nhân viên nhà băng này trong năm 2018 đạt 33,47 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở VietinBank, con số này chỉ ở mức 22,26 triệu đồng/tháng, kém hơn cả 11 triệu đồng.

Ngân hàng tăng thu nhập cho nhân viên mạnh nhất trong năm qua là Agribank. Thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng này tăng gần 7 triệu trong năm 2018 lên mức 28,91 triệu đồng/tháng.

BIDV vẫn duy trì mức thu nhập cho nhân viên tương tự như năm trước, năm 2018 đạt 25,28 triệu đồng/tháng.

Hoài Sơn