BIDV rao bán khoản nợ có giá trị hơn 4.800 tỷ đồng

Cập nhật: 19:05 | 27/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của khách hàng tại BIDV tổng dư nợ tạm tính đến ngày 30/4 gần 4.838 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Trong nỗ lực xử lý nợ xấu, BIDV vừa phát đi thông báo tìm tổ chức bán đấu giá khoản nợ lên tới hơn 4.800 tỷ đồng. Đây cũng là khoản nợ lớn nhất từ đầu năm đến nay được nhà băng này rao bán.

Theo thông báo, tài sản đảm bảo của khoản nợ nói trên bao gồm: Các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM và quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Các tài sản này trùng với tài sản đảm bảo cho khoản nợ 4.063 tỷ đồng (gồm gốc và lãi tạm tính đến ngày 29/3/2020) của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên từng được BIDV rao bán vào đầu tháng 4/2020. Tổng tài sản bảo đảm cho khoản nợ ở các nhà băng được định giá trên 8.722 tỷ đồng.

Cụ thể, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM được đồng thế chấp tại ba ngân hàng gồm BIDV, MSB, PVCombank; trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản (tương đương 4.545,5 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Tài Nguyên còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, được định giá lần đầu 885,5 tỷ đồng. Như vậy sau hơn hai năm, tổng nợ của Tài Nguyên tại BIDV tăng thêm khoảng 775 tỷ đồng.

Liên quan một phần tài sản đảm bảo nói trên, Kenton Node từng có tên gọi là Kenton Residence, được manh nha ý tưởng từ năm 2002 nhưng 7 năm sau (tức vào năm 2009) Kenton Residences mới chính thức được chủ đầu tư là Công ty Tài Nguyên mở bán.

Kenton Residences được giới thiệu có quy mô 9,1 ha, gồm ba phân khu Plaza, Sky Villa và Residences, tổng số lượng 9 block cao 15-45 tầng với khoảng 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư của dự án là 300 triệu USD và dự kiến được hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, dự án rơi vào cảnh ngưng trệ ở những năm sau đó.

Dự án được ra mắt đúng vào giai đoạn đóng băng của thị trường bất động sản. Theo nhận định của giới chuyên gia cũng như giới kinh doanh bất động sản, sai lầm trong chiến lược kinh doanh đã phá sản kế hoạch đầy tham vọng của ông chủ dự án này.

Khi thị trường bất động sản hồi phục trở lại sau 2014, những dự án tại khu vực Nam Sài Gòn đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động, trong khi Kenton vẫn nằm im.

Đến năm 2017, dự án được khởi động lại với tên gọi mới là Kenton Node và được bổ sung vốn hơn 1.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, trong đó có BIDV.

Đồng thời, dự án cũng được điều chỉnh quy hoạch, tăng diện tích lên 10,8 ha, có 9 tòa nhà với 16 tháp, gồm 1.700 căn hộ, 586 căn condotel và 288 phòng khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, dự án này một lần nữa dừng lại dù đã hoàn thiện phần thô gần hết các tòa nhà.

Đầu tháng 3 năm nay, dự án được tái khởi động với sự tham gia của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) trong vai trò nhà phát triển và có tên gọi mới là Grand Sentosa.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Lãnh đạo VietinBank và BIDV khẳng định không có chủ trương “siết” cho vay đối với bất động sản

Sáng ngày 7/6/2022 đã diễn ra tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên tổ chức, lãnh ...

Nhóm “Big4” ngân hàng đẩy mạnh siết nợ bất động sản

Từ đầu tháng 6 tới nay, nhóm Big4 ngân hàng gồm VietinBank, Agribank, BIDV và Vietcombank liên tục rao bán đấu giá nhiều bất động ...

BIDV rao bán hàng loạt khoản nợ của các “đại gia” ngành thép

Nhiều doanh nghiệp ngành thép lớn như: Hoàng Long Steel, Luyện cán thép Sóc Sơn, Thép Việt Nhật, Thép Việt Nga bị ngân hàng BIDV ...

Lâm Tuyền