Bất động sản ‘không có Tết’

Cập nhật: 08:05 | 26/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Từ quý III/2022 đến nay, thị trường bất động sản lâm vào tình cảnh khó khăn, thanh khoản sụt giảm, dòng tiền căng thẳng. Hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã phải thực hiện các đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn; song song với giảm lương, thưởng, chi phí hỗ trợ. Thưởng Tết đã trở thành một “khái niệm” có phần xa xỉ với nhân sự bất động sản hiện nay.

‘Khó trong nhà’, doanh nghiệp Việt ngóng dòng vốn ngoại

Sa thải ồ ạt

Đầu năm nay, chị H - Trưởng ban Truyền thông của một tập đoàn bất động sản nghìn tỷ tại Hà Nội, vẫn còn khá bận rộn với những kế hoạch kinh doanh và đối ngoại của tập đoàn. Nhưng từ quý IV tới giờ, chị ít lên công ty. "Có việc gì làm đâu mà lên", chị H than vãn.

Toàn tập đoàn nơi chị H làm việc đã cắt giảm 50% nhân sự; lương cấp cao cắt 50%, cấp trung cắt 40%, nhân viên cắt 30%. Nguyên nhân bởi các dự án đình đốn, vốn bị chôn chặt, khan tiền nghiêm trọng. Lãnh đạo tập đoàn sốt sắng đi gõ cửa khắp nơi. Nhưng vô vọng.

“Mấy nữa không còn tiền trả lương, sếp bảo chắc công ty còn gì anh chị em chia nhau nốt”, chị H đùa, rồi giọng chùng xuống: "Phải tự mình chuẩn bị cho năm sau thôi, nhanh cũng phải hết 2023, tệ hơn thì hết 2024", chị H khuyến nghị.

Câu chuyện của chị H không phải cá biệt trên thị trường hiện nay. Ghi nhận thực tế của PV cho thấy làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra ồ ạt trên toàn thị trường bất động sản, đặc biệt tại các doanh nghiệp địa ốc phía Nam. Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng này càng có xu hướng trầm trọng thêm.

doanh nghiệp địa ốc cắt giảm nhân sự
Nhân sự ngành bất động sản: Kẻ giảm lương, người mất việc. Ảnh minh hoạ

Bộ phận bị cắt đầu tiên chính là phòng truyền thông - marketing, do các dự án gần như không bán được hàng và quỹ tiền mặt của các doanh nghiệp đang dần cạn kiệt. Chẳng hạn như tập đoàn H, số lượng nhân viên truyền thông - marketing chỉ còn 6 người, tập đoàn M còn 7 người. Thậm chí, tập đoàn N và T.Đ còn “giải tán” luôn phòng marketing.

Đặc biệt, một tập đoàn địa ốc hàng đầu phía Nam chỉ cách đây 4 tháng còn có môt đợt tuyển quân ồ ạt cho các đại dự án; thế mà 3 tháng sau, cả phòng truyền thông dự án chỉ trơ lại… 2-3 nhân sự, do tất cả các dự án đều dừng triển khai.

Song song với việc cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp địa ốc cũng tiến hành cắt giảm lương. T - Trưởng bộ phận quan hệ báo chí tập đoàn HT, cho biết tiền lương của anh đã bị giảm tới 50%, chỉ ngang một công nhân lành nghề. “Ai trụ được thì trụ, còn nhiều người nặng gánh gia đình, không gồng được cùng công ty đành ngậm ngùi rời đi để tìm hướng đi mới”, T thở dài.

Nhiều đơn vị cũng tiến hành cắt chi phí hỗ trợ marketing đối với nhân sự của mảng này. Đáng chú ý, có trường hợp doanh nghiệp phân phối bất động sản lớn cho nhân viên “ăn Tết sớm” từ đầu tháng 12/2022 do không có việc làm.

Ở Hà Nội, tình hình của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng không khá hơn là bao. Tại sàn phân phối bất động sản Đ, khối văn phòng (back office) bị cắt giảm nhân sự tới 80% – 90%; khối marketing bị cắt toàn bộ chi phí hỗ trợ. Tình trạng chậm trả lương, cắt thưởng cũng xảy ra với một sàn phân phối lớn khác từ đầu quý IV/2022.

Nhìn chung, với tình hình bi đát về công việc và thu nhập như hiện nay, việc thưởng Tết đã trở thành một ước vọng xa xỉ, nếu không muốn nói là bất khả với nhân sự ngành bất động sản. Thậm chí, nhiều người còn động viên nhau, bây giờ được nhận đủ lương đã là may mắn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhìn nhận thị trường bất động sản đang rất khó khăn, không ít tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành đang gặp rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản và phải thực hiện các biện pháp "đau đớn" để tồn tại.

"Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…). Một số khác đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động). Đặc biệt, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng)", ông Châu cho biết.

Bất động sản ‘không có Tết’
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn khó khăn trong năm 2023, đồng nghĩa với việc nhân sự ngành này phải tiếp tục đối diện tình cảnh khó khăn trong tìm kiếm việc làm chuyên môn. Ảnh minh hoạ

"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"

Dù bức tranh thị trường đang rất ảm đạm, song không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn như trên. Thị trường vẫn có những đơn vị “ăn nên làm ra” và có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, chị Đ - giám đốc bộ phận marketing tại tập đoàn N, cho biết chị không tuyển được ai cho bộ phận của mình, dù rằng số lượng nhân sự dôi dư trên thị trường hiện rất lớn.

“Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp đòi hỏi một nhân sự phải kiêm 3–4 công việc, trong khi hầu hết nhân sự bị cắt giảm lại chỉ có chuyên môn độc nhất, chưa kể là mức đãi ngộ không được hấp dẫn”, chị Đ nói.

Chia sẻ cụ thể hơn, chị Đ cho biết cả phòng marketing của tập đoàn này trước nay chỉ có 6 người, nhưng phải đảm bảo một khối lượng công việc rất lớn với thu nhập chỉ ở mức khá.

Ngoài ra, tình cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn cũng khiến các đơn vị làm ăn được không dám khoe thành tựu. "Buôn có bạn, bán có phường", không ai cao lên vì đạp người xuống thấp, suy nghĩ đó khiến nhiều doanh nghiệp đã phải thu nhỏ lễ kỷ niệm 20–30 năm thành lập, thậm chí hủy bỏ.

Đại diện truyền thông công ty bất động sản PL tại TP. HCM chia sẻ thêm rằng kể cả làm ăn được trong năm 2022, các doanh nghiệp cũng không dám mở rộng quy mô nhân sự lúc này, bởi không ai lường trước được diễn biến của thị trường trong thời gian tới, nếu không muốn nói là đang được dự báo ở mức rất xấu. “Không lẽ tuyển người về làm được 1 – 2 tháng lại cho nghỉ”, vị đại diện này nêu vấn đề.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản sẽ khó có khả năng phục hồi trong thời gian ngắn. Kỳ vọng hơn cả là từ quý III năm sau, thị trường sẽ bắt đầu có những tín hiệu tốt. Điều này đồng nghĩa hàng nghìn nhân sự trong lĩnh vực này sẽ còn phải tiếp tục đối diện tình cảnh khó khăn trong tìm kiếm việc làm chuyên môn.

Chia sẻ với PV, một số người cho biết sẽ “ăn Tết” xong rồi tiếp tục ứng tuyển vào các công ty bất động sản, nhưng nhiều người khác đã quyết định “nhảy” sang công việc mới, bởi thị trường khó khăn, chẳng thể ngồi một chỗ mà đợi…

Hải Thu

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm