Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/11: Moody's cảnh báo các công ty Hàn Quốc đang đầu tư và M&A quá mức

Cập nhật: 08:55 | 21/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/11/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất khu vực Đông Á, Một tổ chức trong nước mua trọn lô trái phiếu 1.000 tỉ đồng của VIB, đến cuối tháng 9 Việt Nam có 55,1 tỉ USD trái phiếu lưu hành,...

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2111 moodys canh bao cac cong ty han quoc dang dau tu va ma qua muc

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/11: BIDV nối gót xu hướng giảm lãi suất cho vay và huy động

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2111 moodys canh bao cac cong ty han quoc dang dau tu va ma qua muc

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/11: Bất động sản gặp khó, vốn chảy vào đâu?

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2111 moodys canh bao cac cong ty han quoc dang dau tu va ma qua muc

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 16/11: Dịch vụ tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển

Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất khu vực Đông Á

Theo một báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất tại khu vực Đông Á mới nổi, với trị giá 11.500 tỷ USD, chiếm khoảng 75,4% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi.

Báo cáo của ADB cho hay tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành trên thị trường trái phiếu đồng nội tệ tại khu vực Đông Á mới nổi tính đến hết tháng 9/2019 đạt 15.200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, và cao hơn 3,1% so với cuối tháng 6/2019.

Báo cáo trên cũng cho thấy thị trường trái phiếu của Hàn Quốc chiếm khoảng 13,1% tổng giá trị trái phiếu của khu vực Đông Á mới nổi.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chiếm khoảng 9,9% tổng giá trái phiếu của Đông Á mới nổi.

ADB, gồm 68 nền kinh tế thành viên, cho biết thêm Indonesia là thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong quý III/2019 thông qua việc phát hành lượng lớn tín phiếu và trái phiếu kho bạc.

Theo ADB, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi có tỷ lệ tăng trưởng ổn định trong quý III/2019, trong bối cảnh bất ổn thương mại kéo dài và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Khu vực Đông Á mới nổi gồm có Trung Quốc, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2111 moodys canh bao cac cong ty han quoc dang dau tu va ma qua muc
Ảnh minh họa

Một tổ chức trong nước mua trọn lô trái phiếu 1.000 tỉ đồng của VIB

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – Mã: VIB) thông báo phát hành riêng lẻ thành công 1.000 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 11/11/2019. Đây là đợt phát hành thứ 7 nằm trong kế hoạch phát hành 16.000 tỉ đồng trái phiếu trong 2019.

Lô trái phiếu 1.000 tỉ đồng có kì hạn 2 năm với lãi suất thực tế 6,75%/năm và được phát hành dưới hình thức ghi sổ, có ghi tên người sở hữu và thanh toán bằng Đồng Việt Nam.

Trái chủ là một tổ chức trong nước còn đại lí đăng kí và quản lí chuyển nhượng là CTCP chứng khoán VNDirect. VNDirect và CTCP Chứng khoán SSI nhận làm đại lí phát hành.

Trước đó vào cuối tháng 6, VIB đã phát hành riêng lẻ thành công 5.000 tỉ đồng trái phiếu trong đó có 2.400 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm và 1.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm và 1.600 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm có kèm điều khoản mua/bán trước hạn.

Loại trái phiếu 2 năm có lãi suất cố định 6,65%/năm, 3 năm là 6,8%/năm và kì hạn 3 năm có kèm điều khoản mua/bán trước hạn là 6,3%/năm; lãi trả định kì 1 năm/lần.

Theo danh sách trái chủ được VIB công bố, 3 công ty chứng khoán đã mua trọn lô trái phiếu trên gồm CTCP Chứng khoán SSI, CTCP chứng khoán VNDS, CTCP Chứng khoán VPS.

Trong đó, SSI nắm giữ 2.500 tỉ đồng trái phiếu (chiếm 50%); VNDS nắm giữ 1.100 tỉ đồng (chiếm 22%); VPS nắm giữ 1.400 tỉ đồng (chiếm 28%).

Top 10 quốc gia có tiền trong lưu thông nhiều nhất

Có bao nhiêu tiền đang lưu thông trên khắp thế giới tại một thời điểm bất kì? Và lượng cung tiền của quốc gia này thấp hơn hay cao hơn với quốc gia kia? Bản đồ của VisualCapitalist sẽ cho thấy câu trả lời rõ ràng.

Cung tiền muốn nói đến lượng tiền trong lưu thông tại một quốc gia. Nó bao gồm tiền giấy, tiền trong tài khoản ngân hàng và tất cả công cụ tài chính mà bạn có thể sử dụng để thanh toán.

VisualCapitalist phác họa những ước tính gần nhất từ báo cáo World Factbookcủa CIA lên một bản đồ, trong đó mỗi chấm tương đương với 10 tỉ USD cung tiền. Để đơn giản hóa, họ nhóm mỗi quốc gia với dưới 100 tỉ USD trong phân loại "khác" (màu xám).

Bản đồ này sẽ cho bạn nhìn nhanh và dễ dàng thấy đâu là nơi có lượng tiền trong lưu thông nhiều nhất.

Top 10 quốc gia có lượng tiền trong lưu thông nhiều nhất

1. Trung Quốc: 25 nghìn tỉ USD

2. Mỹ: 14 nghìn tỉ USD

3. Nhật Bản: 8,9 nghìn tỉ USD

4. Đức: 3,3 nghìn tỉ USD

5. Anh: 3,1 nghìn tỉ USD

6. Pháp: 2,3 nghìn tỉ USD

7. Hàn Quốc: 2,2 nghìn tỉ USD

8. Ấn Độ: 2,1 nghìn tỉ USD

9. Hồng Kồng: 1,8 nghìn tỉ USD

10. Brazil: 1,8 nghìn tỉ USD

Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản để thúc đẩy nền kinh tế

LPR là một trong những lãi suất ưu đãi mà các ngân hàng thương mại dành cho những khách hàng lớn và được dùng làm tham chiếu cho các lãi suất cho vay khác.

Việc Trung Quốc giảm LPR đúng với dự kiến của giới phân tích sau những số liệu kinh tế ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào tháng 10 vừa qua.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã giảm LPR kỳ hạn 1 năm từ 4,2% xuống còn 4,15% trong tháng 10 vừa qua . Trong khi đó, lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm giảm từ 4,85% xuống còn 4,8%.

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng quý III vừa qua chỉ đạt 6%, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Kinh tế nước này đang bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm và nỗ lực giảm nợ công của chính phủ. Tháng 8 vừa qua, PBoC đã thông báo kế hoạch điều chỉnh lãi suất cho vay căn cứ sự thay đổi của thị trường.

Việc cắt giảm LPR là một phần trong hàng loạt biện pháp nhằm giảm bớt chi phí cho vay, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tạo thêm nguồn tín dụng cho nhiều khu vực đang "khát vốn" của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định việc cắt giảm LPR có tác động rất nhỏ đối với nền kinh tế vì không giúp hạ lãi suất đối với lượng lớn các khoản vay cũ vốn có mối liên hệ với lãi suất cho vay truyền thống của PBoC.

Tuy nhiên, việc giảm LPR kỳ hạn 5 năm cho thấy triển vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế mua bất động sản, vốn được áp đặt nhằm giảm bớt tình trạng thổi phồng giá.

Đây là lần đầu tiên PBoC có động thái cắt giảm như vậy trong hơn 4 năm qua, và cũng là dấu hiệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã sẵn sàng hành động để thúc đẩy đà tăng trưởng đang giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

IFC ước lãi hơn 3.600 tỉ đồng sau hơn 8 năm đầu tư vào VietinBank?

Mới đây, Tổ chức tài chính Quốc tế của World Bank (IFC) đã công bố chính thức về thông tin thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG). Theo thông tin cho biết, tổ chức này đã bán ra hơn 57,3 triệu cổ phiếu CTG vào ngày 13/11.

Đây cũng là phiên giao dịch có khối lượng tăng bất thường trong tuần trước của mã cổ phiếu CTG. Trong đó, khối ngoại đã bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu CTG, giá trị 1.234 tỉ đồng, đồng thời một nhóm nhà đầu tư ngoại cũng mua vào gần 29 triệu cổ phiếu (giá trị hơn 622 tỉ đồng).

Sau khi IFC thoái vốn lần này, tỉ lệ sở hữu của tổ chức này tại VietinBank giảm từ 8,027% xuống còn 6,486%, vẫn là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là cổ đông lớn nhất tại VietinBank với tỉ lệ sở hữu 64,46%; MUFG Bank, Ltd là cổ đông lớn thứ hai với sở hữu 19,73% vốn cổ phần.

Năm 2011, IFC chính thức trở thành cổ đông của ngân hàng với việc mua vào 168,58 triệu cổ phiếu CTG với giá 21.000 đồng/cp, tương đương tỉ lệ sở hữu 10% vốn cổ phần. Trong số đó, IFC nắm hơn 55,28 triệu cổ phần, tương ứng với tỉ lệ sở hữu gần 3,28%; Quĩ đầu tư cấp vốn IFC nắm hơn 113,29 triệu cổ phần, tỉ lệ sở hữu 6,72%.

Sau một số lần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, thưởng và nhận cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng cổ phiếu CTG mà IFC sở hữu tăng lên gần 300 triệu cổ phiếu nhưng tỉ lệ sở hữu giảm xuống chỉ còn 8,02%. Tỉ lệ sở hữu này đã duy trì từ năm 2013 tới nay.

Tổng số tiền mà IFC đã đầu tư vào VietinBank từ trước tới nay (không tính mức trượt giá) ước khoảng 4.244 tỉ đồng.

ADB: Đến cuối tháng 9 Việt Nam có 55,1 tỉ USD trái phiếu lưu hành

Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây, tại Việt Nam thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đã gia tăng trong quí III/2019.

Tính tới cuối tháng 9, Việt Nam có 55,1 tỉ USD trái phiếu đang lưu hành, cao hơn 3,4% so với quí trước và tăng 1,9% so với cùng kì năm ngoái xét theo giá trị đồng nội tệ.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: "Tranh chấp thương mại đang tiếp diễn giữa CHND Trung Hoa (Trung Quốc) và Hoa Kì, cùng sự suy giảm kinh tế lớn hơn mức dự báo tại các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc tiếp tục là những nguy cơ tiêu cực lớn nhất đối với sự ổn định tài chính của khu vực.

Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại một số nền kinh tế phát triển đang giúp duy trì những điều kiện tài chính ổn định."

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15,2 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 9, cao hơn 3,1% so với thời điểm cuối tháng 6.

Tổng số trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đang lưu hành trị giá 9,4 nghìn tỉ USD, chiếm 61,8% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành, trong khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp là 5,8 nghìn tỉ USD.

Agribank đấu giá một khu đất ở 'Phố Wall' Sài Gòn, khởi điểm tương đương hơn 720 triệu đồng/m2

Theo thông báo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agibank) chi nhánh Trung tâm Sài Gòn ngày 18/11, tài sản bán đấu giá được ngân hàng đưa ra nằm ngay trung tâm tài chính, khu "phố Wall" ở quận 1, TP HCM.

Cụ thể, tài sản thứ nhất tại số 62 (tầng 1) đường Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Tổng diện tích sử dụng 56,22 m2. Diện tích xây dựng 109,45 m2. gồm tầng số 1+ lửng gỗ. Giấy tờ về tài sản gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, hồ sơ gốc số 19809/2001 do UBND TP HCM cấp ngày 20/9/2001.

Tài sản thứ hai cũng tại địa chỉ trên với diện tích sàn 77,86 m2; gồm tầng số 2, 3 và sân thượng. Giấy tờ về tài sản gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, hồ sơ gốc số 342/2009/GCN QSHNO & QSDĐO do UBND TP HCM cấp ngày 13/5/2009.

Hai tài sản có giá khởi điểm trên 40,7 tỉ đồng.

Khu đất Agibank đấu giá nằm tại trung tâm tài chính quận 1, nơi tập trung rất trụ sở, chi nhánh ngân hàng, công ty chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Agribank cho hay thời gian, địa điểm tổ chức cuộc bán đấu giá vào lúc 14h30 ngày 29/11.

Theo đó, các tài sản liên quan đến khoản nợ gồm 1 tài sản tại phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; 1 tài sản và tài sản gắn liền với đất ở xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP HCM (nay là phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM); 1 tài sản tại phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; 4 tài sản tại phường 10, TP Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng; 4 tài sản tại phường 16, quận 8, TP HCM.

Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ của công ty là 134,3 tỉ đồng (chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật). Thời gian tổ chức đấu giá: vào lúc 9h ngày 21/11/2019.

VietinBank muốn mở rộng qui mô chi nhánh tại Đức

Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ đã có chuyến thăm chi nhánh VietinBank tại Đức (VietinBank CN Đức) và làm việc với Cơ quan Thanh tra Giám sát Tài chính CHLB Đức (BaFin).

Tại buổi tới thăm chi nhánh, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết VietinBank định hướng tiếp tục đầu tư các nguồn lực để phát triển chi nhánh tại Đức. Để thực hiện mục tiêu này, VietinBank sẽ sớm hoàn thiện chiến lược phát triển chi nhánh trên cơ sở gắn bó chặt chẽ với quá trình triển khai EVFTA và IPA. Đồng thời gia tăng sự gắn kết với trụ sở chính và các đơn vị của VietinBank trong nước cũng như nước ngoài.

Ông Lê Đức Thọ khẳng định VietinBank sẽ đầu tư phát triển lâu dài tại Đức và thị trường châu Âu thông qua hoạt động của VietinBank CN Đức. Trên nền tảng này, VietinBank định hướng trong tương lai có thể nâng cấp CN Đức lên thành hiện diện thương mại với qui mô lớn hơn nhằm khẳng định uy tín và vị thế của ngân hàng cũng như của Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu.

Ngoài ra, VietinBank hiện đang có 2 chi nhánh tại Frankfurt và Berlin - CHLB Đức và đang tích cực mở các văn phòng đại diện, chi nhánh tại nhiều quốc gia khác như Myanmar, Anh, Ba Lan, Séc…

Moody's cảnh báo các công ty Hàn Quốc đang đầu tư và M&A quá mức

Các nhà phân tích của hãng xếp hạng Moody's cho biết mức độ đầu tư và mua lại quá mức của các công ty phi tài chính Hàn Quốc đã làm tăng thêm triển vọng tiêu cực cho năm 2020. Cùng với đó là ảnh hưởng từ nền kinh tế chậm phát triển trong và ngoài nước, nguy cơ suy thoái do căng thẳng thương mại toàn cầu, theo The Investor.

Trong số 24 công ty tư nhân được xếp hạng bởi Moody's có tới 14 công ty được đánh giá có triển vọng tiêu cực trong năm tới vào tháng 11. Các công ty này có hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ hóa chất đến viễn thông, ô tô và chất bán dẫn.

Theo dữ liệu của KIS, một đối tác của Moody's, tỉ lệ lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trên doanh số của khoảng 24.400 công ty Hàn Quốc đã giảm xuống còn 11,6% trong nửa đầu năm 2019. Mặt khác, lượng đòn bẩy ròng của các công ty trong nửa đầu năm 2019 đã tăng 23,7% so với cùng kì lên tới 324 nghìn tỉ won.

KIS nhận định rằng những lĩnh vực như phân phối, ô tô, vận chuyển, thép và màn hình panel dự kiến sẽ có triển vọng tiêu cực trong năm 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính là ngoại lệ.

"Các khoản đầu tư M&A ở nước ngoài của những ngân hàng Hàn Quốc, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á, dường như không có tác động tiêu cực đến sự ổn định tài chính của họ, với điều kiện các giao dịch có qui mô tương đối nhỏ", Giám đốc tín dụng cao cấp của Moody's, Sophia Lee cho biết.

Bà cho rằng các ngân hàng đang cho thấy có nhiều lợi nhuận hơn với mức lãi ròng lớn hơn.

"Sau khi tăng dần trong việc mở rộng tại thị trường Đông Nam Á, chúng tôi không coi đây là một rủi ro lớn. Chúng tôi tin rằng M&A với qui mô nhỏ ở nước ngoài sẽ khá tích cực về tín dụng đối với xếp hạng của các công ty tài chính", bà nói.

Bà Lee cho biết hệ thống ngân hàng Hàn Quốc vẫn ổn định mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Do đó, Moody's có thể sẽ vẫn giữ mức đánh giá "ổn định" cho các tổ chức này trong điều kiện môi trường hoạt động, các rủi ro, tài trợ và thanh khoản, lợi nhuận và hiệu quả cũng như những hỗ trợ từ phía Chính phủ được duy trì.

Hoài Dương