Bà Lê Thị Mai Loan nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Eximbank

Cập nhật: 11:03 | 01/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 31/1, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đã có thông báo nhận đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) của bà Lê Thị Mai Loan vì lý do cá nhân.

Theo thông tin từ Eximbank, bà Lê Thị Mai Loan, sinh năm 1982, Cử nhân Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Quản trị Paris. Bà hiện là thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gia Khang - công ty có nhiều quan hệ với Bamboo Capital, một tập đoàn giàu tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.

Bà Lê Thị Mai Loan nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT Eximbank
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB)

Trước đó, ngày 14/02/2023, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank diễn ra đã thông qua bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT gồm: bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng vào HĐQT nhiệm VII (20220-2025). Trong đó, ông Thắng là thành viên HĐQT độc lập.

Đến ngày 27/2/2023, bà Lê Thị Mai Loan được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Eximbank. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng bà Loan nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 17/04/2023, sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Nhưng chỉ sau đó 1 tháng, HĐQT Eximbank bầu lại bà Lê Thị Mai Loan - thành viên HĐQT vào vị trí Phó Tổng giám đốc Eximbank kể từ ngày 25/5/2023. Như vậy bà Loan đã quay trở lại vị trí này chỉ sau hơn 1 tháng từ nhiệm.

Việc từ nhiệm của bà Lê Thị Mai Loan sẽ được ĐHĐCĐ của Eximbank thông qua theo quy định của pháp luật.

Tại diễn biến liên quan, ngày 25/1/2023, HĐQT Eximbank đã có quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc - thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII.

Trước khi đảm nhận vị trí mới do HĐQT giao, ông Trần Tấn Lộc từng giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng này. Tuy nhiên, vào tháng 10/2023, ông Lộc đã có đơn xin từ nhiệm vị trí để tập trung vào nhiệm vụ tại HĐQT. Thay vào đó, ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc thay thế.

Về tình hình kinh doanh, theo văn bản công bố thông qua đề xuất về kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2024 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, ngân hàng cũng tiết lộ một số chỉ tiêu về kết quả kinh doanh năm 2023.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Eximbank đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2022. Đồng thời, ngân hàng cũng không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 ở mức 5.000 tỷ đồng khi chỉ mới thực hiện 54,4% kế hoạch đã đề ra.

Trong 9 tháng đầu năm, Eximbank báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 1.712,1 tỷ đồng. Theo đó, từ con số này có thể ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của ngân hàng này sẽ đạt khoảng 1.008 tỷ đồng.

Theo đó, mặc dù kết quả kinh doanh cả năm 2023 chỉ hoàn thành được hơn một nửa kế hoạch đề ra, tuy nhiên lợi nhuận quý IV vừa qua của Eximbank là kết quả cao nhất theo quý kể từ năm 2011 tới nay.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng này ở mức 201.399 tỷ đồng, mở rộng 8,8% so với thời điểm cuối năm 2022, theo đó không đạt được như kế hoạch đã thông qua là 210.000 tỷ đồng khi kết thúc năm 2023. Chỉ tiêu huy động vốn ở mức 158.329 tỷ đồng vào cuối năm 2023 và dư nợ cấp tín dụng ở mức 140.524 tỷ đồng, tăng 7,6%, theo đó Eximbank chỉ thuộc top dưới trong ngành ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng cũng chưa hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2023 vừa qua.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vọt lên mức 2,7% từ mức 1,8% ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2022. Đáng chú ý, nợ xấu của Eximbank vẫn đang tiếp tục tăng lên vào quý 4/2023 so với quý liền trước, mặc dù đã từng có dấu hiệu cải thiện vào cuối quý 3/2023.

Đối với kế hoạch kinh doanh trong năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện được của năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng sẽ mở rộng thêm 11% khi kết thúc năm 2024, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về mức 1,8% ngang với thời điểm năm 2022.

Eximbank sắp bán 6,1 triệu cổ phiếu quỹ với giá cao hơn thị giá 7%

Eximbank dự kiến sẽ bán gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá mục tiêu bình quân không thấp hơn 20.199 đồng/cp. Mặc dù ...

Kinh doanh kém sắc trong năm 2023, Eximbank vẫn lên kế hoạch 2024 đầy tham vọng

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại Eximbank đạt 2.720 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 54,4% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên ngân hàng này ...

Cao Hậu (T/H)