Bà Lê Diệp Kiều Trang: Startup thất bại không hẳn do người khởi nghiệp

Cập nhật: 14:07 | 22/05/2020 Theo dõi KTCK trên

Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư và startup có tầm nhìn khác nhau, thậm chí đôi khi nhà đầu tư có tiếng nói lớn hơn startup, điều đó có thể dẫn đến việc thay đổi “vận mệnh” của một công ty.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam" do VnExpress tổ chức tối ngày 16/5, bà Lê Diệp Kiều Trang – Nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam – cho rằng với việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt hơn nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam sẽ là điểm đến sáng giá của các nhà đầu tư.

Cũng theo bà Trang, trong một thế giới nhiều biến động và sự tiếp xúc offline bị hạn chế, đây lại là cơ hội cho các mô hình online.

“Nó khiến một số doanh nghiệp nhất định đóng cửa nhưng lại mở cửa cho một số doanh nghiệp khác. Vấn đề là doanh nghiệp công nghệ có nắm bắt được hay không, thực sự giải quyết được vấn đề hay không”, nhà sáng lập quỹ Alabaster nói.

ba le diep kieu trang startup that bai khong hang do nguoi khoi nghiep

Bà Lê Diệp Kiều Trang – Nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam

Đồng quan điểm với bà Trang, ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam (JCI Vietnam), cựu CEO Mai Linh Taxi – nhận định “về bản chất, khởi nghiệp công nghệ là có một phương thức tự động hóa, không cần gặp nhau, thông qua Internet, mobile để có thể làm gì đó và chuyển giao giá trị đến khách hàng”.

“Về mặt nguyên tắc các công ty công nghệ sẽ sử dụng ít tài nguyên, chi phí cố định, nhân công và mặt bằng hơn. Do đó nếu có chuyện gì xảy ra thường những doanh nghiệp bình thường sẽ chịu ảnh hưởng trước các doanh nghiệp công nghệ”, ông Việt nói.

Về trường hợp của WeFit, cựu CEO Mai Linh Taxi cho rằng việc startup này phá sản trong đại dịch Covid-19 có yếu tố tình cờ bởi trước đó doanh nghiệp có thể đã gặp trục trặc về mô hình kinh doanh và công thức thành công của riêng mình.

“Covid-19 chỉ là giọt nước làm tràn ly, nếu không có đại dịch này thì sự kéo dài của doanh nghiệp và những dòng tiền của nhà đầu tư vào thêm, nhiều nhà cung ứng hơn thì “cái chết” có thể còn đau đớn hơn”, ông Việt chia sẻ quan điểm.

Startup “đốt” tiền rồi thất bại, lỗi tại ai?

Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, sau khi rót vốn, nhà đầu tư sẽ đưa ra KPI cho startup. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư và startup có tầm nhìn khác nhau, thậm chí đôi khi nhà đầu tư có tiếng nói lớn hơn startup, điều đó có thể dẫn đến việc thay đổi “vận mệnh” của một công ty.

“Vì vậy thất bại của một startup đôi khi không phải chỉ là lỗi của người khởi nghiệp mà có thể là thất bại về tầm nhìn của cả nhà đầu tư”, nhà sáng lập quỹ Alabaster nói.

Bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc quỹ đầu tư TAEL Partners cho rằng startup thường là những mô hình kinh doanh mới, cần thời gian để “educate” khách hàng, thuyết phục họ sử dụng sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp tập trung vào số lượng người dùng, coi đó như KPI chính của công ty. Các nhà đầu tư cũng coi đây là một yếu tố quan trọng khi định giá startup.

“Trong thời kỳ khủng hoảng, những doanh nghiệp không còn nhiều tiền dự trữ sẽ phải hy sinh đầu tiên. Đây không hẳn là lỗi của các bạn vì trước đây mọi người vẫn cổ súy cho việc phát triển người dùng nhanh chóng hơn là con đường đến lợi nhuận. Tôi thấy các bạn đáng thương hơn đáng trách”, bà Minh nói.

ba le diep kieu trang startup that bai khong hang do nguoi khoi nghiep

Bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc TAEL Partners. Ảnh: VnExpress

Theo Giám đốc TAEL Partners, sử dụng tiền như thế nào cần “cân, đo, đong, đếm”. “Một số doanh nghiệp cần dùng tiền để đạt được một “milestone” (cột mốc) nào đó để được định giá cao hơn hoặc để các nhà đầu tư vòng tiếp theo vào thì họ vẫn chạy theo những chỉ số đó. Một số nhà đầu tư thấy “mùa đông” còn rất dài thì phải khéo co khéo kéo để sống qua được giai đoạn khó khăn đó”, bà Minh nói.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, bà Minh nhận thấy thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp có những thay đổi tích cực khi chủ động xem xét lại hệ thống chi phí của mình, những chi phí cố định nào có thể biến thành chi phí biến đổi, những chi phí không cần thiết nào có thể cắt giảm.

"Gót chân Achilles" của startup Việt

Trả lời câu hỏi về điểm yếu của startup Việt, bà Trang cho rằng hầu hết các startup công nghệ của Việt Nam hiện nay là các công ty Internet, trong khi với các nước phát triển, còn có các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác như Biotech...

“Vậy "Gót chân Achilles" của công ty Internet là gì? Nếu các bạn nhìn lại những công ty như Facebook sẽ thấy trong thời gian đầu số lượng người dùng phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, nếu khi đó bạn nhìn các chỉ số về lợi nhuận để đánh giá Facebook thì nó sẽ không có ý nghĩa gì cả”, bà Trang nói.

Trong khi đó, ông Trần Bằng Việt cho rằng điểm yếu của startup công nghệ Việt là chưa thật sự tạo ra giá trị cho môi trường xung quanh và vẫn đang tập trung vào một điều gì đó rất xa vời. Bên cạnh đó, một số startup quá chú trọng vào việc tăng số lượng người dùng dẫn đến những người dùng “không chất lượng”, khiến cho số tiền bỏ ra lớn nhưng khả năng tiếp cận thấp.

“Đại dịch vừa qua giống như một cú rung lắc, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng, nhưng một số người buông tay và rời khỏi xe, một số người nhờ những người khác đã rời khỏi xe nên có chỗ ngồi êm ấm, thuận lợi hơn”, ông Việt nói.

“Tôi đã chứng kiến doanh thu của một startup trong quý I/2020 bằng 18 lần doanh thu cả năm 2019. Như vậy, mấu chốt không phải là có công nghệ hay không có công nghệ. Nếu thật sự tập trung và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng thì sẽ có tiền”, Chủ tịch JCI Vietnam nói thêm.

ba le diep kieu trang startup that bai khong hang do nguoi khoi nghiep

Ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam
(JCI Vietnam)

WeFit và câu chuyện huy động vốn của người dùng

Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, việc thành công hay thất bại với startup là chuyện bình thường, miễn người khởi nghiệp đó không trục lợi. “Người trục lợi sẽ rất đáng lên án. Nhưng còn nếu họ làm hết sức, thì trong đầu tư, thắng thua là chuyện bình thường”, bà Trang nói.

Trong trường hợp của WeFit – startup kết nối phòng tập vừa nộp đơn phá sản, cựu CEO Facebook Việt Nam nhận định “điều đáng lo nhất là việc một startup như vậy đã huy động vốn từ người dùng. Và khi họ phá sản, người dùng bị mất tiền".

“Câu hỏi là quản lý nhà nước sẽ can thiệp thế nào với sự phát triển chóng mặt của nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Một mặt, cơ quan quản lý cũng muốn tạo điều kiện cho sự sáng tạo và sự sáng tạo ở đây không chỉ về công nghệ mà còn trong mô hình kinh doanh. Một mặt, cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị duy nhất có thể giữ sự bình ổn cho thị trường này và không nên để những tiếng nói sáng tạo lấn át tiếng nói bùng nổ của thị trường và sự an toàn, niềm tin của người dùng cho công ty khởi nghiệp”, bà Trang nói.

Nhà sáng lập quỹ Alabaster cho rằng việc thu tiền trước của người dùng cũng là một hình thức huy động vốn và cần có những quy định cụ thể.

ba le diep kieu trang startup that bai khong hang do nguoi khoi nghiep Nhà sáng lập Công ty May mặc Dony: "10 năm mài kiếm - một lần tung kiếm"

Bùng nổ doanh số từ việc xuất khẩu khẩu trang vải đã giúp Dony vượt qua mùa dịch, đồng thời có khoản đầu tư mở ...

ba le diep kieu trang startup that bai khong hang do nguoi khoi nghiep Một startup Philippines muốn "dọn nhà" tại Việt Nam

KTCKVN - GoodWork (startup có trụ sở tại Philippines hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc nhà cửa) vừa huy động thành công 1,6 triệu ...

ba le diep kieu trang startup that bai khong hang do nguoi khoi nghiep Hành trình làm ông chủ của "một người miền Trung"

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả và giảm chi phí ở mức tối đa, Mai Văn Hiền ứng dụng công ...

Theo vnexpress.net