ABBank huy động thành công 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Cập nhật: 10:44 | 15/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB).

Theo đó, vào ngày 6/11, ABBank đã phát hành thành công 1.000 trái phiếu mã ABBL2326004, huy động về 1.000 tỷ đồng theo mệnh giá. Được biết, lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, được phát hành ở thị trường trong nước. Theo dữ liệu của HNX, ABBL2326004 có lãi suất phát hành 7%/năm.

Như vậy, trong năm 2023, ABBank đã có 4 đợt phát hành trái phiếu. Trước đó vào các ngày 25/8, 28/8 và 2/10, ABBank đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu mã ABBL2325001, ABBL2326002 và ABBL2325003 với tổng giá trị theo mệnh giá lần lượt là 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

ABBank huy động thành công 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB).

Được biết, 3 lô trái phiếu mà ABBank đã phát hành trước đó có thời hạn từ 2 - 3 năm, giá trị mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng/TP, đều được phát hành ở thị trường trong nước với lãi suất giao động từ 6,4% - 6,6%.

Theo quyết định sửa đổi bổ sung phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ ngày 21/8, trong 5 tháng cuối năm 2023, ABBank sẽ triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành. Số lượng đợt phát hành dự kiến tối đa là 10 đợt, mỗi đợt tối đa 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu từ 1 – 5 năm.

Ở chiều ngược lại, ABBank đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian gần đây. Tính từ trung tuần tháng 6/2023 đến nay, ngân hàng này đã tất toán toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của 9 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá lên đến 5.800 tỷ đồng. Ngoại trừ ABBL2225002 được phát hành năm 2022, các lô trái phiếu khác đều được phát hành vào năm 2021 và phải tới năm 2024 mới tới hạn.

Về tình hình kinh doanh của ABBank, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận khoản thu nhập lãi thuần – khoản thu nhập chính của ngân hàng giảm mạnh tới 34%, đạt gần 684 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động khác cũng lao dốc tới 87%, xuống chỉ còn hơn 11 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, ABBank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 189 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 106 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh cũng lần lượt tăng lên 105 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 3/2022 lỗ 34 tỷ đồng từ ngoại hối và chỉ ghi nhận 2 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh.

Trong quý 3/2023, chi phí hoạt động tại ABBank tăng nhẹ 3% lên mức 554 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí vẫn tăng nhẹ, chính vì vậy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ABBank ghi nhận giảm tới 33% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 265 tỷ đồng

Cùng với 235 tỷ đồng chi phí dụ phòng rủi ro tín dụng trong quý 3/2023 (giảm 24%), kết quả ABBank báo lãi trước thuế đạt vỏn vẹn 29 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình của ngân hàng, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm 1 phần do thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng giảm 34% xuống còn 647 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của ABBank giảm 20% so với cùng kỳ, còn 2.215 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó lãi từ dịch vụ thu được 478 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư cũng chuyển từ lỗ cùng kỳ sang lãi.

Trong 9 tháng, ngân hàng này dành ra gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 99%. Do đó ABBank báo lãi trước thuế đạt 708 tỷ đồng, giảm 59% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Năm 2023, ABBank thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt 2.826 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, ngân hàng này mới chỉ thực hiện được 25% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của nhà băng này đạt 141.703 tỷ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm.

Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước ghi nhận giảm 44%, còn 35.856 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 75% lên 35.856 tỷ đồng; cho vay khách hàng tương đương mức đầu năm là 81.608 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10%, lên 92.839 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của ngân hàng này tính đến thời điểm kết thúc quý 3 là 2.861 tỷ đồng, tăng 21% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp đôi lên mức 1.080 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng 123% lên mức hơn 939 tỷ đồng. Tuy vậy, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại giảm 40%, xuống còn 842 tỷ đồng.

Nợ xấu chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp - nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng và kéo dài từ dịch bệnh. Nợ xấu tăng cao kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay cũng tăng từ mức 2,88% đầu năm lên 3,51%.

'Khối u' lớn dần trong ngân hàng

Số liệu kinh doanh quý II của các ngân hàng cho thấy áp lực nợ xấu đang rất lớn. Nợ xấu tại nhiều ngân hàng ...

ABBank báo lãi quý 3 sụt giảm tới 66%

Nguồn thu chính sụt giảm mạnh, trong khi chi phí hoạt động lại tăng nhẹ. Dù đã cắt giảm tới 24% chi phí dự phòng ...

Thùy Linh (T/H)

Tin cũ hơn
Xem thêm