20 năm chứng khoán Việt Nam (bài 1): Những dấu mốc thăng trầm

Cập nhật: 14:40 | 20/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Sau 20 năm hình thành và phát triển kể từ khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HOSE) được thành lập, đến nay ngành chứng khoán đã đạt được những thành tựu nhất định.

3440 tttt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Quy mô thị trường chứng khoán không ngừng được mở rộng; số lượng doanh nghiệp niêm yết ngày càng tăng; hệ thống giao dịch, thanh toán hoạt động an toàn và hiện đại; thị trường chứng khoán từng bước hội nhập sâu rộng vào thị trường vốn khu vực và toàn cầu...

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietnamplus.vn xin điểm lại những dấu mốc thăng trầm trong 10 năm đầu kể từ khi thành lập HOSE và thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Trong ngày giao dịch đầu tiên, đã có hai cổ phiếu được niêm yết thành công là REE (CTCP Cơ điện lạnh) và SAM (CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông) với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỷ đồng và có sự tham gia của 6 Công ty chứng khoán thành viên (SSI, FSC, BVSC, ACBS, TLS, BSC).

Phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã được tổ chức vào ngày 26/7/2000. Đến ngày 4/8/2000, thị trường chứng khoán có thêm sản phẩm niêm yết mới là Trái phiếu Chính phủ CP1- 0100.

Ngày 15/11/2000, trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên, mã BID1_100 được giao dịch trên sàn.

- Năm 2001: Một nhà đầu tư quốc tịch Anh đã đi vào lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam bằng việc trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên khớp được lệnh mua 100 cổ phiếu TMS, với giá 65.000 đồng/cổ phiếu qua Công ty Chứng khoán ACBS trong phiên giao dịch thứ 102 (ngày 2/4/2001).

- Năm 2002: Rút ngắn chu kỳ thanh toán bù trừ từ T+4 xuống T+3 kể từ ngày 2/1/2002, qua đó đẩy nhanh tốc độ quay vòng chứng khoán/tiền, gia tăng thanh khoản cho thị trường đồng thời, gia tăng số phiên giao dịch trong tuần từ 3 phiên lên 5 phiên từ 1/3/2002.

- Năm 2003: Ngày 28/8/2003, công ty quản lý quỹ đầu tiên chính thức khai trương hoạt động tại Việt Nam, đó là Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VietFund Management, gọi tắt là VFM).

- Năm 2004: Lần đầu niêm yết và giao dịch Chứng chỉ quỹ - VFMVF1 (quỹ đại chúng đầu tiên của Việt Nam, được huy động nguồn vốn từ cá nhân, pháp nhân trong và ngoài nước với quy mô vốn ban đầu 300 tỷ đồng) vào ngày 8/11/2004.

- Năm 2005: Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được khai trương vào ngày 8/3.

Đến ngày 27/7, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng chính thức được thành lập. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đầu tiên.

Cũng trong năm này, Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp từ 30% lên 49% ở nhiều lĩnh vực. Đây được xem là động thái khá tích cực để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán.

- Năm 2006: Ngày 29/6/2006, Luật Chứng khoán đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua. Đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, có khả năng hội nhập sâu hơn với các thị trường vốn quốc tế.

Ngày 8/12/2006, lần đầu tiên sau 6 năm hoạt động, hệ thống giao dịch của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh gặp sự cố và phải tạm ngừng giao dịch. Sự cố được khắc phục, giao dịch trở lại bình thường 3 ngày sau đó.

- Năm 2007: Chỉ số VN-Index lần đầu tiên chạm mốc 1.000 điểm và đạt đỉnh 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007.

Để tạo tính thanh khoản cho thị trường và tăng cơ hội cho nhà đầu tư, giao dịch khớp lệnh liên tục chính thức được áp dụng vào ngày 30/7.

Đến 8/8/2007, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chuyển thành Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

- Năm 2008: Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm đầy sóng gió và thăng trầm.

Nếu tính từ số điểm đóng cửa của phiên giao dịch đầu tiên của năm (2/1/2008), chỉ số VN-Index đạt 921,07 điểm thì đóng cửa phiên giao dịch cuối năm (31/12/2008), chỉ số này chỉ còn 315,62 điểm, tức đã mất đi 605,45 điểm (giảm 65,73%).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải điều chỉnh biên độ dao động giá liên tục tới 4 lần để bình ổn thị trường.

- Năm 2009: HOSE triển khai giao dịch trực tuyến vào 12/1/2009. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng, góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới, theo kịp thông lệ giao dịch chứng khoán của các nước trên thế giới.

Ngày 24/6/2009, thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) chính thức được vận hành.

Thủ tướng: Đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm lên thành thị trường mới nổi

Sáng nay (20/7), tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam ...

Những viên gạch đầu tiên của chứng khoán Việt Nam

Khi ra đời tại Việt Nam, chứng khoán vẫn là một phạm trù xa lạ nên nó cùng những người đặt nền móng đầu tiên ...

Nhóm cổ phiếu nào sẽ tạo sóng cuối năm nếu VN-Index áp sát mốc 1.000 điểm

Các công ty chứng khoán đều cho rằng, thị trường có thể nới rộng đà tăng lên vùng 900, thậm chí tiếp cận ngưỡng 1.000 ...

Yến Thanh