10 sự kiện đáng chú ý thị trường bất động sản TP. HCM năm 2020

Cập nhật: 14:20 | 30/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Bất động sản TP. HCM đã trải qua một năm đầy biến động với nhiều khó khăn, hãy cùng nhìn lại thị trường bất động sản TP. HCM năm 2020 qua 10 sự kiện dưới đây.

Ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám để quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng

UBND TP. HCM vừa phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ GIS vào tháng 8/2020, viễn thám để phục vụ công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Đây là hệ thống giúp liên thông, đồng bộ dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên toàn địa bàn TP. HCM.

Hơn nữa, ứng dụng này còn giúp cung cấp thông tin trực quan và kịp thời để người dân có thể giám sát, kiểm tra, có được thông tin công khai về quy hoạch và xây dựng.

Văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ ảm đạm

Tại TP. HCM, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thể hiện rõ nhất ở phân khúc văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên làn sóng trả mặt bằng diễn ra trên diện rộng.

Nhiều văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ ảm đạm, giá thuê giảm từ 5-10% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Ở các tuyến phố lớn, hàng loạt băng rôn cho thuê mặt bằng được căng khắp khu phố.

Làn sóng cư dân đòi chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý rầm rộ

Dù chuyện tranh chấp chung cư không phải là chuyện mới, nhưng riêng với năm 2020, làn sóng dân cư đòi chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý để cấp sổ hồng trở nên rầm rộ hơn. Một số dự án có thể kể đến như: Chung cư The Star Q.Bình Tân do Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia; chung cư 4S Linh Đông của Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc; chung cư Dream Home Luxury của Công ty CP Nhà Mơ…

Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư ngày càng gay gắt đến độ ra tòa và nhận được sự quan tâm lớn. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại chung cư The EverRich Infinity, Q5 do Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt làm chủ đầu tư. Một cư dân đã kiện vì chủ đầu tư này bán chỗ đậu ô tô ở chung cư.

Phân loại chung cư để cấp sổ hồng

Chủ đầu tư và cư dân tại các chung cư đón nhận tin vui khi UBND TP. HCM chỉ đạo các sở ngành phân chung cư chưa có sổ hồng thành hai loại để giải quyết:

Loại 1 gồm các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín. Toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở.

Loại 2 gồm các dự án chung cư quy mô lớn, có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài đất xây chung cư còn có công trình tiện ích khác. Diện tích đất xây chung cư được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án được duyệt.

Điều chỉnh quy hoạch thửa đất

Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa tại TP. HCM sau 3 năm triển khai bộc lộ bất cập, gây vướng mắc cho người dân nhất là khu vực quy hoạch đất chức năng hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới.

Để tạo điều kiện tách thửa cho người dân thuộc 2 trường hợp trên, UBND TP. HCM đã giao Sở QH-KT hướng dẫn các quận, huyện đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch để giải quyết. Nếu quy hoạch không còn khả thi phải điều chỉnh hoặc xoá quy hoạch để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Vi phạm xây dựng giảm mạnh

Theo Sở Xây dựng TP, qua thống kê số liệu vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP, từ 15/12/2019 đến 25/10/2020, tổng số công trình vi phạm TTXD là 631 công trình.

Cụ thể, số công trình xây dựng sai phép là 267 trường hợp, không phép 364 trường hợp. Bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày là 1,9 vụ, nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23) thì số vụ vi phạm giảm 6,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 77,6%.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP. HCM, tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở TP. HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực.

HĐND TP. HCM hủy bỏ 61 dự án chậm tiến độ

Ngày 9/12, tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP. HCM Khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua Nghị quyết về thông qua danh mục hủy bỏ các dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP.

Theo đó, HĐND TP. HCM chấp thuận thông qua danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP đã được HĐND TP. HCM thông qua vào các năm 2015, 2016, 2017.

Nhiều nguyên nhân khiến các dự án này không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất như: Đang kêu gọi đầu tư, chưa lựa chọn được nhà đầu tư, chưa có chủ trương đầu tư công, hoặc chủ dự án không đủ khả năng tài chính để thực hiện; dự án đang rà soát thực hiện lại trình tự thủ tục đầu tư hình thức BT theo quy định mới...

Trong số này có nhiều dự án nhà ở thương mại như: The Queen Square, Q.Bình Thạnh của Công ty TNHH Quảng Trường Nữ Hoàng; khu nhà ở Long Phước Garden, Q.9 của Tập đoàn Truyển thông Thanh Niên; Khu biệt thự Sanctuary Cove, Q.9 của Công ty TNHH Liên doanh Belwynn – Hưng Phú…

Mặt bằng giá mới có xu hướng tăng nhẹ

Năm 2020, nhìn chung nguồn cung thị trường BĐS TP. HCM sụt giảm trầm trọng. Nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này như vướng mắc về thủ tục pháp lý, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thị trường mất cân đối cung - cầu…

Theo Sở Xây dựng, đầu năm đến cuối tháng 10/2020, trên địa bàn TP. HCM chỉ có 26 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 15.087 căn.

Theo thống kê nghiên cứu bất động sản, giá bán căn hộ tại TP. HCM trung bình đang ở mức 45 triệu đồng/m2. Các phân khúc nhà ở đã xác lập mặt bằng giá mới, khiến những người có thu nhập trung bình khó có thể sở hữu nhà tại TP. HCM với mức giá 40 triệu đồng/m2.

Nguồn cung thị trường TP. HCM khan hiếm nên không ít doanh nghiệp có xu hướng dạt ra các tỉnh lân cận TP. HCM đầu tư, trực tiếp đẩy giá nhà lên cao.

Phân khúc căn hộ giá rẻ gần như "biến mất"

Tại hội thảo "Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 phân khúc nào phù hợp?" diễn ra sáng 24/12, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, trong thời gian gần đây thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng "lệch pha", các dự án nhà ở mới chậm được phê duyệt, chậm triển khai.

"Tình trạng này khiến nguồn cung nhà ở hạn chế, nhất là phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, điển hình là phân khúc nhà ở dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như không còn trên địa bàn TP. HCM cũng như Hà Nội. Điều này khiến khả năng tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân còn hạn chế", ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cao làm cho giá nhà ở tăng mạnh. Tại TP. HCM, giá căn hộ vào thời điểm quý III/2020 tăng từ 15-20% so với quý II/2020. Thậm chí, phân khúc tầm trung tăng hơn 100% từ quý IV/2018 đến quý IV/2020.

Hàng loạt chủ doanh nghiệp dự án ma bị truy nã

Năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản "ma" xuất hiện trên thị trường với những thủ đoạn tinh vi. Những doanh nghiệp này đều không hề được cấp phép xây dựng đầu tư dự án nhưng lại tự vẽ ra sơ đồ phân lô rồi bán cho nhiều khách hàng với hình thức hợp đồng đặt cọc, hứa hẹn chuyển nhượng. Số tiền người dân bị lừa lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Năm 2020, một số chủ doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM bị khởi tố, bắt giam như:

Công an TP. HCM vừa quyết định truy nã ông Trịnh Minh Thanh - Giám đốc Công ty địa ốc Khang Gia - về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại chung cư Khang Gia.

Ngày 26/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP. HCM cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy nã bị can Nguyễn Đức Tâm - Giám đốc Công ty Đức Tâm Land (36 tuổi, quê Hòa Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an TP. HCM khởi tố vụ án, bắt tạm giam Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Hoàng Mạnh Cường đã vẽ ra 5 dự án “ma” tại TP. HCM với gần 200 nền đất để lừa đảo 80 khách hàng, thu về số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Trịnh Quốc Hưng, 40 tuổi, quê Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thương mại và đầu tư KingLand bị bắt tạm giam về tội Lửa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã tiếp nhận hàng chục đơn của người dân tố cáo Trịnh Quốc Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu nhà ở Định An (KingLand Home City 5) tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Công an TP. HCM khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Trương Tuấn Em, Giám đốc CTCP đầu tư bất động sản Eagle Land để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, bị can Nguyễn Thị Diệu Thúy (SN 1983, Giám đốc Công ty Tiên Phong Land) cũng bị bắt, chung hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM cho biết đang điều tra vụ việc bà Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1971), Giám đốc Công ty Bất động sản Sài Gòn Phú Nhuận có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy, năm 2020, thị trường bất động sản cả nước nói chung và bất động sản TP. HCM nói riêng đều gặp phải những khó khăn nhất định. Tại TP. HCM, ngoài các vướng mắc về thủ tục pháp lý thì bất động sản TP. HCM cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường vẫn cho thấy những kỳ vọng về gam màu sáng trong năm 2021.

Từ 2021, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn dưới 7 tầng sẽ không phải xin giấy phép xây dựng

Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có ...

Khu đô thị Paris Elysor đua tiến độ dịp cuối năm

Thị trường đất nền thành phố Thanh Hóa đang nóng lên từng ngày với thông tin chủ đầu tư VietLink Land đẩy nhanh tiến độ ...

Phân khúc căn hộ bình dân khan hiếm nguồn cung

Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ bình dân, vừa túi tiền của khách hàng đã dẫn đến giá ...

Diệp Quỳnh