Sếp làm gì khi nhân viên chống đối? (P1)

Cập nhật: 21:05 | 19/03/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Không phải nhân viên nào cũng hợp tác và nghe lời sếp, vậy đối với những nhân viên chống đối thì sếp nên làm gì?  

sep lam gi khi nhan vien chong doi p1 Sếp mới nên phản ứng như thế nào khi bị nhân viên “bắt nạt”?
sep lam gi khi nhan vien chong doi p1 Phản ứng như thế nào khi sếp ghét bạn?
sep lam gi khi nhan vien chong doi p1 Làm gì khi có người xấu “đâm sau lưng” mình? (P2: Ứng phó)

Dưới đây là một số cách giải quyết mà sếp nên làm nếu gặp phải “nhân viên chống đối”:

Đừng nổi nóng hoặc tranh cãi

Bởi vì, thứ nhất, bạn là sếp chứ không phải đồng nghiệp cùng cấp để mà “tranh cãi tay đôi” với nhân viên của mình.

Thứ hai, bạn chỉ có thể xử lý vấn đề một cách thông minh với cái đầu lạnh. Mất bình tĩnh, nổi nóng, quát tháo… sẽ khiến hình ảnh của bạn xấu đi, dễ làm bạn đưa ra những quyết định sai lầm, và tạo cho các nhân viên khác cảm giác là, về mặt tâm lý, bạn ngang bằng hoặc thậm chí dưới “cơ” kẻ bất trị kia.

sep lam gi khi nhan vien chong doi p1
Ảnh minh họa

Hãy tìm hiểu nguyên nhân

Cùng một biểu hiện hành vi, nhưng nguyên nhân phía sau lại có thể rất khác biệt. Bạn cần “bắt trúng bệnh” thì mới dễ “trị dứt nọc” được.

Ví dụ, đối với những nhân viên có tính gàn, tự ái cao hoặc thuộc tuýp “hay hỏi” (vì lí do gì tôi phải làm việc này, tại sao chọn cách này mà không chọn cách kia…), bạn không nên đưa ra mệnh lệnh cộc lốc rồi kì vọng họ sẽ phục tùng răm rắp.

Ngược lại, hãy giải thích tại sao bạn yêu cầu họ làm những công việc cụ thể đó, và chúng sẽ giúp ích gì cho mục tiêu chung của doanh nghiệp. Hãy trao cho họ cơ hội nêu ý kiến, đề xuất giải pháp. Hãy lắng nghe một cách tôn trọng. Trong trường hợp không sử dụng giải pháp của họ, hãy giải thích tại sao.

Như vậy, nhân viên của bạn sẽ tránh được cảm giác bị ép buộc phải làm theo ý sếp như con rối mà không có chủ kiến. Họ cũng sẽ hiểu sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với tổ chức, và có thêm động lực để hăng hái hoàn thành công việc.

Thái độ chống đối cũng có thể là hệ quả của việc không phục, bất mãn

Điều này thường xảy ra ở một số tình huống đặc biệt, ví dụ như sếp trẻ phải quản lý nhân viên nhiều tuổi hơn, hoặc đồng nghiệp cùng cấp đột nhiên được cất nhắc lên làm sếp trực tiếp. Vậy thì, vấn đề không nằm ở bản tính của nhân viên, mà là ở mối quan hệ có phần khó xử giữa đôi bên.

Để giải quyết khéo léo mâu thuẫn này, bạn cần đặt mình vào vị trí người nhân viên để hiểu tại sao họ cảm thấy như vậy. Có thể họ cho rằng kĩ năng chuyên môn của bạn không xuất sắc bằng họ. Hoặc, họ cảm thấy hụt hẫng khi mối quan hệ sẽ không còn như xưa: một người ngang cấp, từng tán gẫu vui vẻ, thậm chí “bà tám” với nhau về các sếp – thì nay lại trở thành cấp trên của mình.

Hiểu, không phải để gồng lên chứng tỏ mình xứng đáng với vị trí đang có. (Cạnh tranh với chính nhân viên dưới quyền là việc không cần thiết, thậm chí ngớ ngẩn.) Mà hiểu – là để đưa ra phương pháp quản lý phù hợp.

Bạn nên:

Tạo dựng mối quan hệ thân thiết và tin cậy với nhân viên. Những câu chuyện phiếm về ngày cuối tuần, hoặc vài buổi tụ họp sau giờ làm việc có thể là cách đơn giản để bắt đầu. Tiếp đến, bạn có thể quan tâm nhiều hơn đến sở thích, nguyện vọng, hay những khó khăn mà nhân viên đang phải đối mặt.

Trao quyền, tạo không gian cho nhân viên được làm việc, thử sức, và học hỏi. Hãy quản lý dựa trên số liệu và hiệu suất, tránh kiểu “cầm tay chỉ việc”. Hãy cho phép nhân viên được thử và được phép sai (ở một mức độ nào đó).

Tuy nhiên, bạn vẫn cần cứng rắn và quyết liệt. Bởi vì, trách nhiệm của bạn là đảm bảo sử dụng tốt các nguồn lực để đạt mục tiêu của công ty, chứ không phải là làm hài lòng tất cả mọi người.

Xem đây là một cơ hội để tự phản biện

Dĩ nhiên, là sếp, bạn không cần được động viên hay khen ngợi thường xuyên như nhân viên. Đôi khi, bạn sẽ phải chấp nhận sự cô đơn với những quyết định của mình.

Song, sau khi đưa ra một quyết định hoặc chính sách mới, bạn có thể thăm dò thái độ và phản ứng của nhân viên như một dạng “hàn thử biểu” để đo hiệu quả quản lý.

Phản ứng của mọi người trong công ty về chính sách mới là tán đồng, ủng hộ; hay là xì xào bàn tán? Họ có tích cực góp ý để hoàn thiện chính sách không? Hay họ gượng ép tuân theo?

Và trên thực tế, chính những người “cứng đầu khó bảo” lại thường giúp bạn tự phản biện tốt hơn là kiểu nhân viên “gọi dạ bảo vâng”.

Tại sao nhân viên bất hợp tác? Có phải vì bạn chưa “tâm lý”? Bạn quá cứng nhắc khi giao việc? Bạn đặt kì vọng quá cao hay quá thấp? Bạn chưa đánh giá đúng năng lực, chưa ghi nhận chính xác những đóng góp của nhân viên? Bạn quá hiền nên bị nhân viên “bắt nạt”? Quyết định/giải pháp bạn đưa ra không thực sự thuyết phục?.v.v…

Kết là:

Nhìn chung, quản lý con người luôn là công việc đầy thách thức. Bởi vì trăm người trăm tính nết khác nhau. Là sếp, bạn cần lựa theo tính từng người để có cách xử trí phù hợp.

Quản lý những nhân viên “cá biệt” lại càng gian nan, nhọc nhằn. Song, một khi đã thu phục họ thành công, bạn sẽ thấy công sức mình bỏ ra là không uổng phí. Bởi vì những nhân viên kiểu này thường cũng là những người có cá tính mạnh và chủ động trong công việc.

Nguyễn Sinh

Tin liên quan