Đô thị thông minh:

Khó hiện thực trong một sớm, một chiều

Cập nhật: 21:30 | 13/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Đầu tháng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đánh giá của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề án giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; phát triển công nghệ để phục vụ đời sống con người. Qua đó, thúc đẩy thị trường bất động sản, đảm bảo phát triển bền vững.  

Trả lời thoibaonganhang.vn, ông Võ cũng cho rằng để chủ trương này đi vào thực tế, sát với mục tiêu đề ra, Nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia. Ví như, cần có quỹ dành cho phát triển đô thị thông minh; ưu đãi về vốn vay, thuế VAT đối với những vật liệu thông minh.... Nếu không, các chủ đầu tư sẽ triển khai cầm chừng hoặc chỉ đầu tư nhỏ nhưng vẫn gắn mác thông minh cho toà nhà hoặc dự án của mình.

kho hien thuc trong mot som mot chieu
Ông Đặng Hùng Võ.

Đúng như ông nói, hiện có rất nhiều chủ đầu tư gắn mác “xanh”, “thông minh” cho công trình, dự án bất động sản của mình. Vậy, tiêu chí “xanh”, “thông minh” nên được hiểu thế nào?

Đến bây giờ, số lượng khu đô thị phát triển xanh theo đúng tiêu chí ở Việt Nam và được thế giới công nhận mới chỉ có Ecopark (Hưng Yên) và Phú Mỹ Hưng (TP.HCM).

Đô thị xanh không chỉ là tiêu chí có nhiều cây mà còn phải có thiết kế tiết kiệm năng lượng, môi trường sống gắn với thiên nhiên trong lành, được hưởng trực tiếp gió trời, ánh sáng mặt trời. Ở các công trình xanh, phải có ánh sáng, không khí đi vào từng căn hộ, đưa cả cây xanh lên các tầng nhà chứ không đơn giản chỉ có ít cây xanh là có thể gắn mác “xanh”.

Tương tự, các toà nhà thông minh cũng phải có tiêu chí cụ thể như: sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý, thay thế từng phần lao động trí óc của con người nhằm đảm bảo không xảy ra rủi ro hay sơ suất, sai lầm mà con người hay mắc phải; phải tạo được chất lượng sống tốt, chất lượng dịch vụ cao, thoả mãn tối đa nhu cầu của con người nhưng mức chi trả lại phải rất thấp.

Hiện nay, ở Việt Nam mới có một số căn hộ, nhà ở riêng lẻ thông minh, thực tế là chỉ được trang bị công nghệ thông tin, nhưng chi phí đầu tư khá cao, gần như chỉ là “trò chơi” của người giàu và chưa phát huy được hiệu quả kinh tế từ chi phí thấp cho dịch vụ, hạ tầng, tiện ích công cộng.

Cần phải tạo ra các toà nhà thông minh, khu dân cư thông minh có sự kết nối hạ tầng, dịch vụ công cộng với chi phí thấp, nhưng chất lượng quản lý và dịch vụ lại cao. Đây là những hạt nhân để tạo lập lộ trình hoàn thiện đô thị thông minh, thành phố thông minh.

Đồng thời, đó cũng là hướng đi tất yếu của thị trường bất động sản Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và bảo đảm điều kiện thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do kiểu mới (FTA).

Như vậy, để phát triển thành phố thông minh sẽ phải đầu tư lớn hơn, nhưng đồng thời như ông nói lại phải đảm bảo chi phí thấp, vì sao như vậy? Và liệu các chủ đầu tư có mạo hiểm khi phát triển dự án theo hướng này?

Giống như phát triển theo triết lý xanh thân thiện môi trường, đầu tư cho không gian sống thông minh luôn đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn hơn, không chỉ cho công nghệ mà cho thông tin và hệ thống quản lý. Trong khi đó, lợi ích lớn lại chưa thể gặt hái trong tương lai gần mà ở khá xa phía trước.

Tính toán bài toán phân tích chi phí - lợi ích trước mắt, kết quả có thể là chi phí lớn hơn lợi ích. Nhưng nếu bài toán này tính cho chu kỳ đầu tư dài hơn thì chắc chắn kết quả là lợi ích lớn hơn chi phí nhiều lần, hiệu số lợi ích trừ chi phí lớn hơn hẳn đầu tư vào bất động sản thông thường.

Bởi vì, công trình thông minh được thiết kế theo tiêu chí tối ưu mọi chi phí cho dịch vụ công cộng, cho quản lý khu dân cư, đô thị. Vậy tổng chi phí cho chỗ ở phải tính đến không chỉ tiền mua bất động sản ban đầu mà phải cộng thêm mọi chi phí sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng trong suốt quá trình sinh sống ở đó. Hơn nữa, với việc xây dựng và vận hành theo hướng thông minh sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tạo môi trường sống và làm việc tốt cho người sử dụng.

Tại một đô thị thông minh, người ta chỉ có nhu cầu ra đường để vui chơi. Hàng hóa cần mua được phục vụ tận nhà. Thậm chí, không gian làm việc cũng sẽ có những thay đổi lớn, sự phân tán sẽ thay thế cho tập trung. Vì vậy, công trình thông minh còn giúp cho phát triển xanh hiệu quả hơn, không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.

Việc chú trọng đầu tư công trình thông minh sẽ giúp chủ đầu tư tạo ra những dự án khác biệt trên thị trường, có giá trị cao hơn so với dự án thông thường, nhưng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sử dụng mọi dịch vụ công cộng, trong đó có câu chuyện năng lượng tái tạo sản xuất ngay tại chỗ ở, sử dụng nước tối ưu… Vì vậy, tỷ lệ giữ chân cũng như thu hút khách hàng cao hơn. Đồng thời, uy tín của các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản về việc cải tiến, cách tân và trách nhiệm với xã hội cũng cao hơn…

kho hien thuc trong mot som mot chieu
Một góc không gian xanh tại khu đô thị Ecopark.

Với trường hợp Hà Nội, để phát triển thành phố thông minh liệu có dễ, theo ông?

Hà Nội là một thành phố lớn, đã được quy hoạch phát triển nhiều lần, địa thể đã rộng hơn so với xưa khá nhiều. Mặc dù vậy, để phát triển theo kiểu truyền thống cũng đã chật vật, nhiều việc muốn làm nhưng cũng vẫn chưa làm được.

Ví dụ như quy hoạch Hà Nội mở rộng lấy mặt nước, cây xanh làm điểm nhấn, nhưng cho đến nay thì mới chỉ phát triển được cây xanh dọc phố, không gian xanh tập trung chưa nhìn thấy, mặt nước ô nhiễm vẫn chưa giảm, thậm chí còn tăng thêm ở lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Tất nhiên, để phát triển thành phố thông minh thì Hà Nội lại phải quy hoạch lại theo triết lý thông minh. Hà Nội là một thành phố mà cơ sở dữ liệu không đủ, nhiều loại hạ tầng còn rất thiếu như trường học phổ thông, đường giao thông, giao thông tĩnh, cơ sở thể dục thể thao... Để tạo dựng hạ tầng thông tin cho phát triển đô thị thông minh tại Hà Nội cũng mất nhiều thời gian. Tiếp theo là nhiều loại hạ tầng khác còn chưa đủ mạnh.

Theo tôi, Hà Nội sẽ khó có thể trở nên thành phố thông minh trong một sớm, một chiều. Điều quan trọng là phải xác định được lộ trình phát triển theo triết lý thông minh sao cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Hà Nội cần rà soát, thay đổi lại quy hoạch cũ, tạo dựng đủ điều kiện hạ tầng cho phát triển thành phố thông minh. Không gian sống, không gian làm việc, cấu trúc dịch vụ công cộng cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Tiếp theo, nên chọn lĩnh vực nào để phát triển thông minh trước, có thể chọn giao thông thông minh, hay giáo dục thông minh…

H.Ngân

Theo Thoibaonganhang.vn