GS.Đặng Hùng Võ chia sẻ về 3 lỗ hổng lớn của Luật đất đai

Cập nhật: 06:22 | 22/04/2017 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tại tọa đàm “Chính sách, pháp luật về đất đai: thực trạng và kiến nghị sửa đổi”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định, Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ 3 lỗ hổng lớn về việc vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường; việc nhà nước thu hồi đất và bồi thường tái định cư và việc Quyết định hành chính về đất đai có thể sinh lợi nên tạo điều kiện cho nguy cơ tham nhũng thành sự thật.

gsdang hung vo chia se ve 3 lo hong lon cua luat dat dai

Theo GS. Đặng Hùng Võ, tại Việt Nam, Quyết định hành chính về đất đai có thể "đẻ ra tiền"


Trong nhiều năm trở lại đây, đất đai luôn là chủ đề nóng, bức bách được xã hội đặc biệt quan tâm. Trong năm 2015, những khiếu kiện liên quan đến đất chiếm 64% tổng số các vụ. Sang đến năm 2016, tỷ lệ này có giảm hơn nhưng vẫn là một trong những vấn đề bức bách với những vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tại buổi tọa đàm, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá việc vận hành chế độ công hữu về đất đai trong cơ chế thị trường rất khó khăn và phức tạp khi khái niệm “quyền sử dụng đất” là khái niệm trừu tượng.

Ngoài ra, việc nhà nước thu hồi đất và bồi thường tái định cư chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, nội dung thu hồi đất được xác định từ lâu, trong Luật Đất đai năm 1993 có nêu: nhà nước thu hồi đất khi cần sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.

“Tiêu chí đẹp như vậy nhưng thực tế nhiều dự án cứ trình lên là được phê duyệt và thu đất... Đến Luật Đất đai năm 2013 thì nội dung đã phân loại rạch ròi các trường hợp được phép thu hồi đất (4 trường hợp), trong đó có nêu rõ đâu là thu đất để phục vụ lợi ích quốc gia, đâu là vì lợi ích tư nhân, không còn nhập nhèm khái niệm như trước”, ông phân tích. Như vậy, trong luật nhấn mạnh việc không được nhập nhèm, không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh.

Theo GS Võ, Việt Nam là một trong số ít nước mà quyết định hành chính “đẻ” ra tiền. “Chỉ cần quyết định đất nông nghiệp chuyển sang đất ở thì lập tức quyết định đấy sinh ra tiền, diện tích càng lớn thì tiền càng lớn. Đây là nguồn cơn cho những rủi ro tham nhũng”.

"Sự thực mà nói cái đích của việc quản lý đất đai là tạo hiệu quả cao về sử dụng đất nhưng luật 2013 tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý của nhà nước là không đúng", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Võ cũng cho rằng, ​Luật Đất đai 2013 được quán triệt tốt hơn rất nhiều luật khác. Ví dụ luật này đưa ra người dân có quyền tham gia giám sát trực tiếp. Còn các luật khác đều giám sát thông qua mặt trận tổ quốc hết.

"Nhưng có những câu chuyện đáng lẽ phải đưa ra như thực hiện công khai, minh bạch đối với tất cả những trường hợp giao đất, cho thuê đất, tức là chuyển đất sau khi thu hồi thành đất công hữu và giao cho một dự án nào đấy sử dụng tư hữu thì lại không công khai minh bạch. Tôi cho rằng đây là có ý đồ là có thể minh bạch về quy hoạch, về chuyện khiếu nại tố cáo nhưng không minh bạch về chuyện giao đất, cho thuê đất", ông nói thêm.

Cũng tại tọa đàm, TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm CECODES nhận xét về vai trò của chính quyền trong tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp. Theo ông, cơ chế giải trình và giám sát đang bị thiếu. Không những thế, việc tiếp cận thông tin cũng khó khăn đối với những công dân bình thường.

C. Luận

Tin liên quan