Xuất siêu hàng hóa sang thị trường CPTPP lao dốc

Cập nhật: 11:05 | 20/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Bộ Công Thương 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 86,3 triệu USD, giảm gần 76% so với mức xuất siêu của 7 tháng năm 2020.

Xuất nhập khẩu tháng 8/2021 vẫn cao hơn bình quân những tháng đầu năm

Dự báo nhu cầu tiêu thụ cuối năm sẽ phục hồi, giá thép liệu có tăng trở lại?

Dự kiến Hiệp định RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt hơn 26 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020, với 8/10 thị trường thành viên tăng trưởng mạnh, riêng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng chậm và giảm xuất khẩu sang thị trường Brunei.

Trong đó, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng của Việt Nam sang thị trường CPTPP đều tăng trưởng ở mức cao trừ một số mặt hàng tăng chậm như dệt may hay một số mặt hàng giảm như giảm như dầu thô, túi xách vali ô dù, gạo, thức ăn gia súc…

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giảm này đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường CPTPP.

2956-xuatsieu
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may chỉ tăng 2,6%, do đó tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang CPTPP đã bị thu hẹp mạnh từ 13% của 7 tháng năm 2020 xuống còn gần 11% trong 7 tháng đầu năm 2021.

Ở chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường này đạt hơn 25,9 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,75% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, bị thu hẹp so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm 2020.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường CPTPP đều tăng ở hầu hết các mặt hàng trừ những mặt hàng than đá, thủy tinh và sản phẩm thủy tinh, dược phẩm, sản phẩm từ giấy…

Trong số các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất, nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng của Việt Nam từ thị trường CPTPP chỉ tăng nhẹ 1,8%. Do đó, tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này đã biến động khá lớn trong 7 tháng đầu năm 2021 chỉ còn 13,5%, thu hẹp so với tỷ trọng 16,5% trong 7 tháng đầu năm 2020.

Như vậy, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 86,3 triệu USD hàng hóa sang thị trường này, giảm gần 76% so với mức xuất siêu của 7 tháng năm 2020.

Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP

Ngày 16/9, tuyên bố mới của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bộ trưởng Vương Văn Đào đã đệ đơn xin gia nhập CPTPP cho Trung Quốc trong một lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand, ông Damien O'Connor.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hai vị bộ trưởng đã tổ chức một cuộc điện đàm để thảo luận về những bước kế tiếp sau đơn xin gia nhập của Bắc Kinh.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do được ký kết bởi 11 quốc gia, bao gồm Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Chile, Mexico, Peru.

Trước năm 2018, CPTPP được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được coi là đối trọng kinh tế hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực.

CPTPP còn là trọng tâm hành động của cựu Tổng thống Barack Obama trong chiến lược xoay trục sang châu Á, nhưng người kế nhiệm Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước vào năm 2017, theo Reuters.

Việc gia nhập CPTPP sẽ là một cú hích lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi nước này ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia vào năm ngoái.

Anh và Thái Lan cũng đã phát tín hiệu quan tâm tới việc tham gia CPTPP.

Linh Linh