Xuất khẩu ngành gỗ tăng gần 16% sang Australia do nhu cầu tiêu thụ lớn

Cập nhật: 09:13 | 28/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia trong tháng 5 đạt 16,4 triệu USD, tăng gần 8% so với tháng 5 năm ngoái.

Thị trường lúa gạo thế giới 'tụt dốc' không phanh

Cước tàu biển vẫn neo cao, doanh nghiệp ngành điều tiếp tục gặp khó khăn

Hội nghị thượng đỉnh G7: 'Mang' nhiều nỗi lo

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia đạt 80,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng xuất khẩu chính tới thị trường Australia trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 49,2 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 76,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Australia.

Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Australia, đạt 20,6 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ, ghế khung gỗ...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng cần được đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Australia, bởi đây là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Australia là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 7 trên thế giới, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trung bình đạt 1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017 – 2021, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,8%.

Bên cạnh đó, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Australia có nhiều thuận lợi, bởi Việt Nam và Australia là thành viên chung của ba hiệp định thương mại tự do, bao gồm FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2022 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác cũng được xuất khẩu tới thị trường Australia như gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ… Trong đó, đáng chú ý trị giá xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn tới thị trường Australia đạt 8,5 triệu USD, tăng 266,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp ngành gỗ đối diện chi phí tăng cao

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) ước tính, tổng doanh thu quý I/2022 của các công ty gỗ và sản phẩm gỗ niêm yết tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự phục hồi từ các nhà sản xuất gỗ phía Nam.

Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các công ty gỗ phía Nam đều hoạt động trở lại với 90% công suất trong quý I/2022, trong khi đó, nửa cuối năm 2021 chỉ là 60 - 65% công suất.

Nhóm doanh nghiệp gỗ xuất khẩu đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý I/2022. Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) và Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán: PTB) có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý I/2022 chủ yếu nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ từ khách hàng Mỹ và duy trì hàng tồn kho cao trong quý IV/2021.

Theo đó quý I/2021, doanh thu mảng gỗ của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành và Công ty cổ phần Phú Tài lần lượt đạt 952 tỷ đồng và 3112 tỷ đồng, tăng 18% và 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu và lợi nhuận ròng trong quý I/2022 của Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (mã chứng khoán: ACG) lần lượt tăng 8,8% và 18,8% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ đẩy mạnh doanh thu xuất khẩu và cắt giảm chi phí bán hàng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước như Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: VIF) và Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị (mã chứng khoán: MDF) ghi nhận mức tăng trưởng âm, do nguyên liệu đầu vào cao và áp lực cạnh tranh tăng từ mảng ván gỗ khi các doanh nghiệp khác liên tục mở rộng công suất trong giai đoạn 2021-2022.

Cụ thể quý I/2022, biên lợi nhuận gộp của mảng gỗ của Công ty cổ phần Phú Tài giảm 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021, xuống 21,3% vì giá gỗ thông xẻ và gỗ thông tròn nhập khẩu lần lượt tăng 52% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá gỗ tăng là do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và chi phí logistics tăng cao.

Biên lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị cũng giảm 6,2 điểm phần trăm trong quý I/2022, do giá gỗ cao su đầu vào tăng 20% kể từ ngày 15/1/2022.

Giới chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID" sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ về đồ gỗ, chiếm 22,5% giá trị nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ trong năm 2021.

Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ lớn vào Mỹ sẽ có lợi thế như Công ty cổ phần Phú Tài, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành và Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa.

Bên cạnh triển vọng tăng xuất khẩu, thị trường trong nước có thể cũng phục hồi nhờ sự “ấm” lên từ thị trường bất động sản nhà ở.

VNDIRECT kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ chứng kiến xu hướng phục hồi nguồn cung trong năm 2022, vì các chủ đầu tư sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền. Điều này được thể hiện qua triển vọng doanh số ký bán của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.

Theo chuyên trang tài chính tổng hợp Trading Economics (Hoa Kỳ), giá gỗ xẻ Mỹ tăng 25% so với đầu năm tính tới tháng 3/2022, đạt 1.412 USD/board feet. Biên lợi nhuận gộp của hầu hết các công ty gỗ và nội thất đều giảm trong quý I/2022 do nguyên liệu đầu vào và chi phí hậu logistics cao.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất trong năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng do nguồn cung thiếu hụt sẽ tiếp tục đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao vào năm 2022. VNDIRECT dự báo năm 2022, biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất sẽ tiếp tục giảm 0,4-0,6 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (chặng Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào ngày tháng 3/2022, tăng gấp sáu lần trong vòng 5 năm.

Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào ngày tháng 4/2022, giảm 10% so với tháng trước đó, VNDIRECT vẫn dự báo rằng chi phí logistics sẽ vẫn ở mức cao, xấp xỉ 7.000 USD/container 40ft vào năm 2022 do mức giá dầu cao hiện nay.

"Chi phí logistics cao có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất trong năm 2022", VNDIRECT nêu quan điểm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)