Xuất khẩu cà phê sang EU tăng kỷ lục: Cơ hội cho Việt Nam sáng cửa

Cập nhật: 20:05 | 07/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có sự khởi sắc trở lại sau nhiều năm sụt giảm liên tiếp với khối lượng đạt kỷ lục 412.639 tấn, trị giá gần 900 triệu USD, tăng mạnh 41,9% về lượng và 75% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê hôm nay 4/8/2022: Thị trường còn diễn biến khó lường

Giá tiêu hôm nay 5/8/2022: Nhích nhẹ, xu hướng thị trường tích cực

Giá cà phê hôm nay 5/8/2022: Giá bật tăng mạnh, xuất khẩu cà phê Việt gặp khó

Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khối EU đều tăng trưởng cao như Đức tăng 13,9%; Italia tăng 13,5%; Tây Ban Nha tăng 47,5%... Đặc biệt, lượng cà phê xuất khẩu sang Bỉ tăng đột biến hơn 3,2 lần, sang Hà Lan tăng 3,7 lần.

EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 40% xuất khẩu của toàn ngành. Do đó xuất khẩu cà phê sang thị trường này tăng mạnh đã góp phần đưa tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu năm nay lên 1 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và 48,5% về trị giá.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Theo Bộ Công Thương, việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào EU sẽ giúp ngành hàng tăng trưởng ổn định và khẳng định chỗ đứng vững trên thị trường thế giới. Ngay từ khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã đưa thuế đối với nhiều dòng sản phẩm cà phê của Việt Nam về 0%, tạo điều kiện giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU.

Bộ Công Thương cũng nhận định xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc trong năm 2022. EVFTA được cho là sẽ giúp ngành hàng cà phê Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU, tình trạng thiếu container vận chuyển và vấn đề chi phí logicstics năm 2022 bớt căng thẳng hơn so với năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa.

Trước đó, trong giai đoạn đầu thực thi (năm 2020-2021), việc tận dụng EVFTA để xuất khẩu cà phê sang EU chưa được như kỳ vọng do bối cảnh thị trường không thuận lợi, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu và các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội để cà phê Việt Nam lấy lại thị phần tại EU

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các nước xuất khẩu cà phê trong đó có Việt Nam.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), EU chiếm 47 - 49% tổng trị giá nhập khẩu cà phê toàn cầu trong giai đoạn 2017 - 2021 với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,7%/năm, kim ngạch đạt 15,7 tỷ USD/năm. Đặc biệt, nhập khẩu cà phê của EU đang tăng lên, đạt 17,3 tỷ USD trong năm 2021 cao nhất kể từ năm 2011.

Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê vào EU sau Brazil, nhưng thị phần cà phê của Việt Nam tại EU trong những năm gần đây giảm dần từ 9,7% trong năm 2017 xuống chỉ còn 6,2% trong năm 2021.

Do đó, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam lấy lại vị thế cũng thị phần tại EU trong thời gian tới. Thực tế kể từ đầu năm 2022 đến nay các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn các lợi thế từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang thị trường EU.

Hiện EVFTA đang bước vào giai đoạn thực thi trong năm thứ ba với các cam kết thuế quan sâu rộng hơn, điều này sẽ góp phần tác động tích cực đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Liên minh châu Âu.

Bên cạnh những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU còn được hỗ trợ bởi các yếu tố khác như chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã giảm bớt.

Ngoài ra, nguồn cung cà phê toàn cầu sụt giảm trong năm 2022, đặc biệt là tại Brazil, Colombia, Peru… vốn là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam lấy lại thị phần tại EU.

Về nhu cầu tiêu dùng của EU, theo dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu cà phê của EU trong niên vụ 2021-2022 sẽ tăng hơn 1,1 triệu bao so với vụ 2020-2021, lên mức 45 triệu bao.

Đồng thời, con số này dự kiến tiếp tục tăng thêm 1 triệu bao trong vụ 2022-2023 lên 46 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil, Việt Nam, Uganda và Honduras.

USDA cũng dự báo tiêu thụ cà phê của EU trong vụ 2022-2023 đạt 42,9 triệu bao, tăng 0,6 triệu bao so với niên vụ trước và là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các kho dự trữ cuối kỳ của EU dự kiến ​​sẽ giảm 400.000 bao xuống 12,4 triệu bao do nhu cầu tiêu thụ tăng lên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên