Xu hướng tăng bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam

Cập nhật: 14:15 | 06/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Sau nhiều tháng có phần "lình xình" đi ngang, VN-Index đã chính thức thoát khỏi biên độ an toàn để lên một ngưỡng điểm mới với việc chính thức cán mốc 1.100 điểm kết phiên sáng ngày 6/6...

VN-Index chính thức bứt phá

Chỉ số VN-Index và VN30-Index cũng theo đó chính thức vượt qua đường kháng cự MA200 lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022 (khi cả 2 chỉ số cùng bước vào xu hướng giảm giá dài hạn). Đặc biệt, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE cũng tăng mạnh lên gần 20.000 tỷ đồng kết phiên giao dịch ngày 5/6. Giới phân tích đánh giá, dòng tiền trong nước đang dần quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất giảm khiến thanh khoản và chỉ số chứng khoán đều bứt phá ấn tượng.

Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp từ đầu năm là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán. Lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm khiến chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Không chỉ vậy, lượng tiền gửi lãi suất cao vào cuối năm ngoái sắp đáo hạn được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ dòng tiền chuyển dịch sang chứng khoán dù con số có thể không lớn.

Xu hướng tăng bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam
Dòng tiền có xu hướng quay trở lại VN30, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian dài "bất động". Ảnh Tuệ An

Lãi suất cho vay dù có độ trễ nhất định nhưng cũng khó tránh khỏi xu hướng giảm trong thời gian tới. Điều này sẽ góp phần giảm bớt áp lực chi phí, củng cố nhận định về việc lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể sớm tạo đáy. Ngoài ra, lãi margin cũng sẽ khó đi ngược xu hướng giảm, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư.

Cùng với đó, dòng tiền có xu hướng quay trở lại VN30, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian dài "bất động" đang được kỳ vọng sẽ là điểm khởi đầu cho một con sóng ngành thực sự, là trụ cột có thể thay thế hoàn hảo cho nhóm bất động sản, chứng khoán đang có dấu hiệu hụt hơi.

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS), trong nhịp tăng từ 1.030 lên 1.090 điểm của VN-Index vừa qua, một số nhóm ngành tiếp tục hấp dẫn dòng tiền như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Trong đó, chứng khoán tăng giá trước và đã dừng lại nghỉ. Ngay lập tức nhóm bất động sản liền tiếp bước. Sau khi đà tăng giá của 2 nhóm này chững lại, nhóm ngân hàng đã vươn lên, đồng thời, các nhịp tăng vừa qua của 3 nhóm cổ phiếu kể trên là cần thiết để thị trường có thể đi lên bền vững.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc khối ngoại bán ròng vẫn là nỗi lo lớn của thị trường. Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho rằng, việc khối ngoại bán ròng trong giai đoạn này chủ yếu xuất phát từ những lo ngại gần đây liên quan tới khả năng vỡ nợ của Mỹ, thể hiện qua việc kênh tài sản có tính chất trú ẩn (như vàng) có xu hướng hút ròng trong gần 1 tháng qua, trong khi kênh cổ phiếu lại có xu hướng rút ròng. Nhưng với việc áp lực trần nợ công có xu hướng suy giảm, kỳ vọng xu hướng rút ròng của khối ngoại sẽ không còn quá lớn trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu cần quan tâm

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, thị trường sẽ có nhiều phiên giao dịch trên 15.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ có những diễn biến tích cực, ít nhất là trong tháng 6. "Việc vượt kháng cực 1.080 điểm có thể giúp VN-Index có thể hướng đến là 1.120 điểm – mức đỉnh cao nhất của chỉ số từ đầu năm đến nay", ông Ngọc nhận định.

Tương tự, trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VNDirect nhận xét, dòng tiền thông minh cũng đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán khi thanh khoản của thị trường cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây. “Kỳ vọng những tín hiệu tích cực trên sẽ tiếp tục duy trì và VN-Index có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080- 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6”, báo cáo nêu.

Cũng theo VNDirect, hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,8 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm. Với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới trong khi lợi nhuận toàn thị trường có thể phục hồi kể từ quý 3/2023 trở đi, thị trường có thể được định giá lại ở mức cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại để đón đầu xu hướng này.

"Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng (điện, dầu khí)", VNDirect khuyến nghị.

Ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng, giai đoạn hiện tại, với việc các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế đang trở nên rõ nét hơn, dòng tiền sẽ có xu hướng tìm đến những nhóm cổ phiếu chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn trước, ở trường hợp này là nhóm vốn hoá lớn.

Ngoài ra, nhà đầu tư nên tiếp tục tích luỹ với nhóm cổ phiếu chứng khoán, xây dựng hạ tầng tại các nhịp điều chỉnh, trong bối cảnh các áp lực về dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế đang giảm bớt và lãi suất điều hành đang trong xu hướng đi xuống. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi sớm nhất từ chính sách Quy hoạch điện VIII như tư vấn xây dựng điện, xây lắp điện cũng được kỳ vọng thu hút dòng tiền tại các nhịp điều chỉnh.

Chứng khoán phiên sáng 6/6: VIC cùng VHM tăng tốt, VN-Index cán mốc 1.100

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng ngày 6/6 tiếp tục chứng kiến chỉ số chính "giành giật" với mốc 1.100 điểm, dòng tiền ...

Hơn 100.000 tài khoản chứng khoán mở mới vào tháng 5, mức cao nhất trong 9 tháng

Lũy kế đến cuối tháng 5, số lượng tài khoản giao dịch trong nước là hơn 7.121.301 tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản ...

Thị trường chứng khoán ngày 6/62023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Nhật Hải