Xu hướng giảm chiếm ưu thế, nhà đầu tư chứng khoán nên chờ nhịp điều chỉnh sâu hơn

Cập nhật: 15:14 | 24/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường tăng nhẹ trong tuần thứ tư liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 19-23/4, VN-Index đứng ở mức 1.248,53 điểm, tương ứng tăng 9,82 điểm (0,79%) so với tuần trước đó; trong khi đó, HNX-Index giảm 9,48 điểm (-3,23%) xuống 283,63 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 1,39 điểm (-1,7%) xuống 80,4 điểm.

Tin tức chứng khoán mới nhất hôm nay 24/4/2021

Nhận định chứng khoán tuần từ 26-29/4/2021: Có thể "test" lại ngưỡng 1.260 điểm

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó do chỉ có 4 phiên giao dịch nhưng trung bình phiên tiếp tục ở mức cao với khoảng gần 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 22% xuống 83.193 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 31,3% xuống 3.184 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 29,8% xuống 11.983 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 35,4% xuống 639 triệu cổ phiếu.

Thị trường tăng nhẹ trong tuần qua khi chỉ một vài nhóm ngành có mức tăng mạnh, trong khi đa số các ngành khác đều chịu áp lực chốt lời và giảm. Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 3,1% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột như FPT (+4,1%), CMG (+0,3%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,7% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ mức tăng của trụ cột MWG (+10,1%).

Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 2,5% giá trị vốn hóa, với các mã như VCB (+8%), VPB (+4,2%), MBB (+0,3%), VPB (+4,2%), TCB (+0,1%), ACB (+0,9%), SHB (+4,7%)... Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí giảm mạnh nhất với 4,5% giá trị vốn hóa với các mã như BSR (-7,8%), OIL (-7,1%), PVD (-6,2%), PVS (-9,4%), PVB (-8,6%)...

1139-xu-huong-giam
Hình minh họa

Cũng trong tuần qua, khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng mạnh trên sàn HoSE. Tính chung toàn thị trường, dòng vốn ngoại mua vào 169,2 triệu cổ phiếu, trị giá 9.042 tỷ đồng, trong khi bán ra 202,7 triệu cổ phiếu, trị giá 10.144 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 33,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.102 tỷ đồng.

Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 1.077 tỷ đồng (giảm 56% so với tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 30,6 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng của khối ngoại sàn này ở mức hơn 1.609 tỷ đồng nếu chỉ tính theo phương thức khớp lệnh.

MWG đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị gần 695 tỷ đồng, trong đó MWG chủ yếu được khối ngoại mua ròng trong phiên 22/4 thông qua phương thức thỏa thuận. VIC đứng sau với giá trị mua ròng ở mức 259 tỷ đồng. MSN và VCB được mua ròng lần lượt 171 tỷ đồng và 115 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất thị trường ở tuần từ 19-23/4 với giá trị 464 tỷ đồng. HPG và VPB là 2 cổ phiếu cũng bị khối ngoại bán ròng trên 400 tỷ đồng. VNM và VRE bị bán ròng lần lượt 273 tỷ đồng và 212 ỷ đồng.

Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại 27,8 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 2,33 triệu cổ phiếu. PVS bị khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất với 12,4 tỷ đồng. VND và SHB bị bán ròng lần lượt 6,5 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng. Trong khi đó, VCS được mua ròng mạnh nhất sàn này với 8,1 tỷ đồng. IDV đứng sau nhưng giá trị mua ròng chỉ là 2,2 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng nhẹ 2,5 tỷ đồng, nhưng tính về khối lượng, dòng vốn này vẫn bán ròng 464.234 cổ phiếu. Khối ngoại trên UPCoM mua ròng mạnh nhất cổ phiếu ACV với giá trị là 27,7 tỷ đồng. MCH và SIP được mua ròng lần lượt 13 tỷ đồng và 6,4 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VTP bị bán ròng mạnh nhất với 35,7 tỷ đồng. VEA đứng sau với giá trị bán ròng là 17 tỷ đồng.

Theo SHS, thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với thị trường trong giai đoạn này.

Trong tuần qua cũng chứng kiến việc VN-Index giằng co và rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhưng cuối cùng thì VN-Index đã thất bại trước ngưỡng 1.250 điểm trong phiên cuối tuần sau khi đã hai lần kết phiên trên ngưỡng này trong hai phiên đầu tuần.

Một điểm đáng lưu ý nữa là độ rộng thị trường, ngoại trừ một số bluechip trong nhóm ngân hàng, công nghệ thông tin và bán lẻ nâng đỡ chỉ số thì hàng loạt các nhóm ngành khác đều bị chốt lời và giảm trong tuần qua.

Trên góc độ sóng elliot, VN-Index có khả năng đã kết thúc sóng tăng 5 để chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất là quanh ngưỡng 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).

Trong tuần giao dịch tiếp theo, xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế. Nhà đầu tư trung hạn mua vào trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời nên đứng ngoài quan sát thị trường, chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại.

Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu và kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1.230 điểm, nếu đóng cửa dưới ngưỡng này thì nên bán ra.

Tin tức chứng khoán mới nhất hôm nay 24/4/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như TCD, VSH, HVH, VRE, DHC, VJC, ATG, DRC… được Tạp chí điện tử Kinh tế ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 26-29/4/2021: Có thể "test" lại ngưỡng 1.260 điểm

Phiên giao dịch cuối tuần (23/4) diễn ra khá biến động. Sau những nhịp trồi sụt và đóng cửa trong sắc đỏ vào phiên sáng, ...

Tuệ An