Xu hướng

Xu hướng "chỉ di động" đang diễn ra như thế nào?

Đông Quân 06/05/2025 20:11

Trải nghiệm di động đang trở thành trung tâm trong hành trình khách hàng, từ tương tác thương hiệu đến thanh toán, hỗ trợ, mua sắm.

Di động: Từ ưu tiên đến độc quyền trải nghiệm

Thế giới công nghệ đang chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng: từ chiến lược mobile-first (ưu tiên nền tảng di động) đến mobile-only (chỉ sử dụng nền tảng di động). Báo cáo mới công bố của hãng Rakuten Viber đã chỉ ra 5 xu hướng định hình giao tiếp giữa thương hiệu và người tiêu dùng, trong đó nổi bật nhất là sự trỗi dậy của mô hình mobile-only.

xu hướng di động
Việc sử dụng di động cho công việc hay cuộc sống đang trở thành yếu tố tất yếu vì nhu cầu lớn từ con người

Theo bà Cristina Constandache, Giám đốc doanh thu của Rakuten Viber, người dùng hiện nay không chỉ đòi hỏi nhiều hơn từ các thương hiệu mà còn muốn có trải nghiệm trọn vẹn, mượt mà và cá nhân hóa trên thiết bị di động. "Ứng dụng di động không còn là lựa chọn thêm, mà đang trở thành kênh chủ lực trong tương tác thương hiệu – người dùng", bà nhận định.

Thị trường Việt Nam: Sân chơi màu mỡ của ứng dụng di động

Với hơn 100 triệu thuê bao sử dụng smartphone, Việt Nam trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển ứng dụng di động ấn tượng nhất thế giới. Năm 2023, người dùng Việt thực hiện khoảng 3 tỷ lượt tải ứng dụng, xếp hạng 11 toàn cầu. Hành vi tiêu dùng cũng đã thay đổi rõ rệt: trung bình mỗi người sử dụng 26 ứng dụng trong một tháng và dành hơn 3,5 giờ mỗi ngày cho các hoạt động trên thiết bị di động.

Đây là điều kiện lý tưởng để các thương hiệu triển khai các chiến lược "chỉ di động". Nhiều doanh nghiệp quốc tế và nội địa đã nhanh chóng bắt nhịp. Chẳng hạn, Nike phát triển ứng dụng Nike Fit chỉ có trên điện thoại, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để đo kích thước chân qua camera, từ đó cá nhân hóa việc tư vấn mua giày cho người dùng. Starbucks lại sử dụng chiến lược Digital Flywheel tích hợp ưu đãi, thanh toán và đặt hàng vào một nền tảng duy nhất là app di động, giúp tăng khả năng tiếp cận và gắn kết với khách hàng trung thành.

Một số tên tuổi quốc tế khác như Asos (thời trang) và Domino's (dịch vụ ăn uống) cũng không phát triển nền tảng desktop mà chỉ tập trung vào tối ưu hóa trải nghiệm thông qua ứng dụng di động.

Tương lai của di động: AI, giọng nói và sự bảo mật

Không chỉ dừng lại ở nền tảng, xu hướng "chỉ cần di động" còn kéo theo loạt thay đổi trong cách công nghệ được triển khai. Rakuten Viber dự báo, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cá nhân hóa trải nghiệm, từ khâu giới thiệu sản phẩm đến chăm sóc khách hàng sau bán. AI giúp thương hiệu hiểu rõ hơn hành vi tiêu dùng, từ đó thiết kế hành trình khách hàng sát thực và hiệu quả.

Cùng với đó, tương tác bằng giọng nói và video đang trở thành phương thức giao tiếp tiềm năng trong mua sắm di động, nhất là với thế hệ Gen Z và Alpha – những người dùng có xu hướng thích tương tác trực quan, nhanh chóng, thay vì gõ phím thủ công.

Một xu hướng đáng chú ý khác là sự lên ngôi của các nền tảng all-in-one – ứng dụng tích hợp đầy đủ chức năng như mua sắm, thanh toán, hỗ trợ khách hàng, giải trí… Tương lai gần có thể sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các "siêu ứng dụng" (super app), vốn đã thành công ở các thị trường như Trung Quốc, Indonesia và hiện đang bắt đầu lan sang khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đi kèm với sự mở rộng của các nền tảng di động là bài toán về bảo mật và quyền riêng tư – yếu tố ngày càng được người dùng quan tâm. Sau nhiều sự cố rò rỉ thông tin cá nhân từ các ứng dụng, người dùng Việt trở nên thận trọng hơn trong việc chia sẻ dữ liệu. Các doanh nghiệp, vì thế, cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ bảo mật.

Một số giải pháp tiên tiến đã được triển khai tại Việt Nam, chẳng hạn Data Masking – công nghệ che giấu dữ liệu nhạy cảm trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính; hoặc Zero-Knowledge Proofs (ZKP) – công nghệ cho phép xác minh mà không cần lộ thông tin gốc, phù hợp cho việc xác minh độ tuổi người dùng mà không yêu cầu giấy tờ tùy thân.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, trong kỷ nguyên AI, việc thu thập dữ liệu cần có chọn lọc và minh bạch. "Cần kết hợp giữa sáng tạo và ý thức bảo mật để xây dựng lòng tin từ người dùng. Đây không chỉ là điều nên làm, mà là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh số hóa toàn diện", bà Cristina Constandache nhấn mạnh.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Xu hướng "chỉ di động" đang diễn ra như thế nào?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO