Xin “khất” báo cáo kiểm toán, Danameco đang làm ăn ra sao?

Cập nhật: 15:45 | 02/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Đến hạn chót là ngày 31/3/2023, Tổng công ty CP Y tế Danameco (Danameco, HNX: DNM) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Danameco vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội xin chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022, dù đã quá hạn chót là ngày 31/3/2022.

Theo giải trình của công ty này, năm 2022, nhân sự kế toán đặc biệt là kế toán trưởng thay đổi nhiều lần nên quá trình làm việc với kiểm toán bị gián đoạn và chậm trễ. Riêng nhân sự kế toán trưởng chỉ trong ít tháng đã có 2 lần thay đổi.

Ngoài ra, DNM cho biết, đến ngày 31/3/2023 mới nhận được dự thảo báo cáo của công ty kiểm toán gửi đến, tuy nhiên còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa hai bên. Vì vậy, công ty chưa kịp phát hành báo cáo tài chính kiểm toán 2022 theo quy định.

Trong công văn nêu trên, DNM xin “khất” báo cáo tài chính kiểm toán, khẳng định sẽ thực hiện việc công bố trước 30/4/2023.

Số liệu giao dịch cổ phiếu DNM của Danameco
Số liệu giao dịch cổ phiếu DNM của Danameco

Đây không phải lần đầu tiên Danameco chậm nộp báo cáo tài chính. Ngày 13/9/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ra quyết định đưa cổ phiếu DNM của Danameco vào diện cảnh báo vì lý do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Quý IV/2022, doanh thu của DNM chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ, chỉ đạt 70,7 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 226,7 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế bị kéo về mức âm 739,4 triệu đồng, giảm đến 104% so với quý IV/2021 (16,5 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DNM lần lượt ghi nhận ở mức 338 tỷ đồng và âm 39,6 tỷ đồng, trong khi các chỉ số này ở năm trước lần lượt là 549,6 tỷ đồng và 26,9 tỷ đồng.

Giải trình về tình trạng ‘phú quý giật lùi’ này, DNM cho biết, quý IV/2022 dịch bệnh đã được kiểm soát, doanh thu từ các mặt hàng chống dịch giảm mạnh khiến doanh thu bán hàng sụt giảm.

Ngoài ra, công ty từng đầu tư nhiều máy móc thiết bị trong giai đoạn chống dịch để sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, dù nhu cầu cho các mặt hàng chống dịch không còn nhưng công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư dẫn đến giá thành cao.

Quy mô tài sản của Danameco hiện ở mức 459,3 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm khoảng một nửa tổng tài sản. Nợ phải trả của DNM hiện lên tới 360,6 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu.

Được biết, Tổng công ty CP Y tế Danameco được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Công ty Thiết bị y tế TƯ 3 Đà Nẵng). Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ hơn 52,5 tỷ đồng. Cổ phiếu DNM có lần giao dịch đầu tiên trên sàn HNX vào ngày 16/2/2011.

Danameco hiện là nhà thầu có vị thế trong lĩnh vực vật tư y tế. Doanh nghiệp này từng được công bố trúng ít nhất 246 gói thầu ở các chủ đầu tư hầu khắp cả nước, với tổng giá trị trúng thầu hơn 1.128 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Danameco có chuỗi tăng "thần tốc" từ đầu tháng 2 vừa qua, qua đó đưa thị giá cổ phiếu này từ mức 12.xxx đồng lên vượt mốc 21.000 đồng/cp. Mặc dù thị giá tăng vọt nhưng thanh khoản của mã này lại èo uột (trong đó có nhiều phiên không có giao dịch khớp lệnh), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 310 đơn vị. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (31/3/2023), cổ phiếu DNM đã quay đầu giảm kịch sàn về mức 18.900 đồng/cp và khối lượng giao dịch như thường lệ cũng chỉ đạt 500 đơn vị.

Trước và sau soát xét, lợi nhuận Danameco “vênh” 295%

Số liệu báo cáo bán niên 2022 trước kiểm toán Tổng công ty CP Y tế Danameco (mã chứng khoán DNM, sàn HNX) ghi nhận ...

Lỗ nặng trong quý III, Danameco đóng cửa hai chi nhánh ở TP.HCM và Hà Nội

Tổng công ty CP Y tế Danameco (HNX: DNM) vừa thông báo chấm dứt hoạt động các chi nhánh ở TP.HCM và Hà Nội. Động ...

Tái cấu trúc hoạt động, Danameco kinh doanh sụt giảm

Tổng công ty CP Y tế Danameco (mã chứng khoán: DNM) vừa tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức ...

Cao Thái