Xu hướng

Xiaomi, Huawei và BBK bắt tay xây dựng hệ điều hành “không Google”

Đông Quân 06/05/2025 5:00

Trước nguy cơ lệnh cấm từ Mỹ, các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei và BBK đang được cho là hợp tác phát triển một hệ điều hành mới.

Cuộc đua chiến lược giữa bối cảnh địa chính trị

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, giới công nghệ thế giới đang xôn xao trước một thông tin đáng chú ý: Xiaomi được cho là đang hợp tác với Huawei và tập đoàn BBK để phát triển phiên bản hệ điều hành HyperOS 3 hoàn toàn không phụ thuộc vào các dịch vụ và ứng dụng của Google. Dù hiện tại vẫn là tin đồn, nhưng đây có thể là dấu hiệu cho thấy một bước chuyển lớn trong chiến lược công nghệ của các nhà sản xuất Trung Quốc, nhằm tránh rủi ro từ các lệnh cấm vận tiềm ẩn từ phương Tây.

HyperOS 3
Hệ điều hành HyperOS 3 hướng tới "không cần giúp đỡ từ Google"

Huawei chính là “tiền lệ” điển hình. Từ năm 2019, sau khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, Huawei buộc phải rời bỏ hệ sinh thái Google, phát triển HarmonyOS và xây dựng hạ tầng phần mềm riêng biệt. Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, hãng này vẫn trụ vững tại thị trường nội địa và bắt đầu phục hồi dần năng lực công nghệ, từ hệ điều hành đến chip xử lý.

Không ai có thể chắc chắn Xiaomi hay các thương hiệu khác của Trung Quốc sẽ an toàn trước các chính sách thương mại ngày càng siết chặt của Mỹ. Việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào bán dẫn, AI và các công nghệ lõi thời gian gần đây cho thấy các công ty trong nước đang chuẩn bị phương án dự phòng để ứng phó với những tình huống bất lợi có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

Xiaomi và HyperOS 3: Một chiến lược phòng thủ?

Nguồn tin từ XiaomiTime cho biết Xiaomi đang tiến hành phát triển HyperOS 3 – một phiên bản hệ điều hành được tinh chỉnh nhằm loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Google. Đáng chú ý, quá trình này có sự tham gia của Huawei và tập đoàn BBK – công ty mẹ của nhiều thương hiệu điện thoại nổi tiếng như OPPO, Vivo và OnePlus.

Hiện Xiaomi vẫn còn quyền sử dụng Android và các dịch vụ của Google. Tuy nhiên, sự kiện công ty này phát triển thành công chipset 3nm tùy chỉnh và chuẩn bị ra mắt bộ xử lý nội bộ Xring có thể khiến Mỹ tăng cường giám sát, tương tự như những gì đã từng xảy ra với Huawei. Việc xây dựng hệ điều hành độc lập do đó không chỉ là chiến lược về công nghệ mà còn là một bước đi mang tính phòng thủ về chính trị - kinh tế.

Tuy nhiên, ngay cả khi có động lực rõ ràng, việc phát triển một hệ điều hành mới là bài toán không đơn giản. Thị trường nội địa Trung Quốc có thể chấp nhận các sản phẩm “nội địa hóa”, nhưng để mở rộng ra toàn cầu, Xiaomi cần xây dựng được một hệ sinh thái đủ mạnh thay thế Google Play, Gmail, YouTube và các dịch vụ quan trọng khác.

Bài học từ Huawei và thách thức cho Xiaomi

Kể từ khi rời bỏ Google, Huawei đã xây dựng AppGallery và phát triển các dịch vụ thay thế (Huawei Mobile Services – HMS). Quá trình này đòi hỏi nguồn lực khổng lồ và thời gian dài để thuyết phục người dùng. Dù vậy, HarmonyOS vẫn chủ yếu thành công ở thị trường Trung Quốc.

Với Xiaomi – thương hiệu lớn thứ hai toàn cầu về điện thoại Android – việc “chia tay” Google ở thời điểm này có thể khiến công ty mất đi lượng lớn người dùng quốc tế. Không chỉ là ứng dụng, các tính năng AI như trợ lý ảo, dịch tự động hay tìm kiếm hình ảnh đều đang phụ thuộc nặng vào Google. Thay thế chúng đồng nghĩa với việc Xiaomi phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống phần mềm.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng Xiaomi sẽ không hoàn toàn từ bỏ Android, mà có thể thực hiện chiến lược “song song”: duy trì Android cho thị trường quốc tế, trong khi phát triển phiên bản HyperOS “nội địa hóa” tại Trung Quốc – nơi người dùng đã quen với hệ sinh thái không có Google.

Một xu hướng mới trong công nghệ Trung Quốc?

Mặc dù không có tuyên bố chính thức nào từ các bên liên quan, nhưng tin đồn về sự hợp tác giữa Xiaomi, Huawei và BBK phản ánh xu hướng ngày càng rõ rệt của ngành công nghệ Trung Quốc: nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. Từ phần cứng như bán dẫn cho đến phần mềm như hệ điều hành, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chủ động hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái của riêng mình.

Việc các “ông lớn” này liên minh có thể mang lại nhiều lợi thế về chia sẻ tài nguyên, dữ liệu người dùng, kho ứng dụng và các dịch vụ nền tảng. Nếu hợp tác thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trong ngành công nghiệp di động Trung Quốc có một liên minh quy mô lớn nhằm xây dựng một hệ điều hành thay thế Android.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Xiaomi, Huawei và BBK bắt tay xây dựng hệ điều hành “không Google”
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO