Xây dựng Hoà Bình (HBC) còn đó hàng nghìn tỷ đồng công nợ khó xác minh
Sau kiểm toán, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế năm 2024 đạt 962 tỷ đồng, tăng 111 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ với hàng nghìn tỷ đồng công nợ do thiếu thông tin xác minh tính hiện hữu và đầy đủ.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2024. Theo đó, doanh thu thuần của Hòa Bình trong năm 2024 đạt khoảng 6.420 tỷ đồng, giảm gần 15% so với năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng mạnh gần 47% lên mức 357 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, sự cải thiện này đến từ việc cắt giảm mạnh chi phí quản lý, chủ yếu nhờ hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng nợ phải thu. Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc nhân sự cũng giúp Hòa Bình giảm đáng kể chi phí lương và vận hành.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của Hoà Bình đạt hơn 962 tỷ đồng, cao hơn 111 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Trong năm, Hòa Bình cũng tiến hành hàng loạt giao dịch chuyển nhượng tài sản và vốn góp tại các công ty con, thu về hàng trăm tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến việc chuyển nhượng cổ phần tại Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt, Jesco Hòa Bình và Matec.
Song song, công ty thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, góp phần nâng vốn chủ sở hữu từ mức 93 tỷ lên hơn 1.700 tỷ đồng – một sự thay đổi đáng kể, giúp cải thiện sức khỏe tài chính.
Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải từng chia sẻ, nhờ sự cải thiện trong vốn chủ sở hữu từ nửa cuối 2024 mà tập đoàn có thể tham gia và thắng thầu nhiều dự án lớn. Từ tháng 9/2024 đến tháng 3 năm nay, tập đoàn đã trúng thầu 11 dự án (6 chủ đầu tư cũ và 5 chủ đầu tư mới) với tổng giá trị hơn 7.600 tỷ đồng.
Hàng nghìn tỷ đồng công nợ khó xác minh
Tuy vậy, báo cáo kiểm toán cũng đồng thời nêu ra những lo ngại đáng chú ý. Đơn vị kiểm toán AFC Việt Nam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến các khoản phải thu và phải trả.
Đơn vị kiểm toán cho biết chưa thể thu thập được đầy đủ các thông tin cần thiết để đánh giá tính hiện hữu và đầy đủ của 2.251 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, 814 tỷ trả trước cho người bán ngắn hạn, 882 tỷ phải thu khác, 2.327 tỷ phải trả cho người bán ngắn hạn, 863 tỷ người mua trả tiền trước và 82 tỷ phải trả ngắn hạn khác.
Thậm chí, tính đến cuối năm 2024, Hòa Bình vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 2.299 tỷ đồng và một số nghĩa vụ tài chính quá hạn. Những yếu tố này khiến đơn vị kiểm toán phải lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn trong thời gian tới.
Tổng tài sản của Hòa Bình phần lớn vẫn nằm ở khoản phải thu ngắn hạn, chiếm đến 71%, tương đương hơn 11.000 tỷ đồng. Trong số đó, khoảng 2.422 tỷ đồng là nợ quá hạn, dù đã giảm so với đầu năm và được trích lập dự phòng hơn 1.800 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tổng nợ phải trả lên đến 13.664 tỷ đồng – gấp 8 lần vốn chủ sở hữu – bao gồm các khoản nợ người bán, người mua ứng trước và vay tài chính. Đây là áp lực lớn mà doanh nghiệp buộc phải xử lý trong giai đoạn tới.
Để đối phó, Hòa Bình đã lên kế hoạch thu hồi nợ tích cực, thông qua cả giải pháp pháp lý và trọng tài. Doanh nghiệp kỳ vọng các khoản thu từ công trình cũ và mới sẽ giúp cải thiện dòng tiền và phục vụ cho hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, Hòa Bình cũng đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế. Một dự án tại Mỹ – The Grove Apartments ở California – đã được khởi công vào tháng 4/2024. Ngoài ra, hai dự án tại Campuchia cũng đang trong kế hoạch triển khai. Trong nước, tập đoàn tăng cường bắt tay với các chủ đầu tư để thực hiện nhiều dự án cải tạo và xây mới khu đô thị tại các tỉnh thành lớn.
Về triển vọng, ban lãnh đạo Hòa Bình bày tỏ kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và các ngân hàng sẽ gia hạn thêm thời gian cơ cấu lại nợ. Nếu các chính sách này được thông qua, doanh nghiệp có thể đạt được thỏa thuận gia hạn các khoản nợ đến hạn và tiếp cận thêm nguồn tín dụng mới.