Xây dựng hạ tầng giao thông gặp khó, 'Vua hầm' Đèo Cả lấn sân địa hạt bất động sản

Cập nhật: 14:59 | 17/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Đèo Cả - "Vua hầm" gây bất ngờ khi xuất hiện trong vai trò thành viên Liên danh nhà đầu tư trúng thầu Dự án Khu đô thị phía Tây Nam quy mô 49,5 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng tại Bắc Giang. Các thành viên còn lại trong liên danh bao gồm: Công ty TNHH REQ, Công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ DLH Lan Hạ, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Tân Thành.

Xây dựng hạ tầng giao thông gặp khó, 'Vua hầm' Đèo Cả lấn sân địa hạt bất động sản
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Phác họa 'Vua hầm' Đèo Cả

Những năm gần đây, Tập đoàn Đèo Cả ghi dấu ấn đặc sắc trên thương trường trong nước với tốc độ tăng trưởng thần tốc, nhanh chóng vươn mình trở thành thương hiệu đình đám trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, là chủ đầu tư của hàng loạt dự án BOT, BT quy mô lớn và có sức ảnh hưởng quan trọng như: hầm đường bộ Đèo Cả, dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận...

Không rõ từ lúc nào, Tập đoàn Đèo Cả của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng được giới kinh doanh mệnh danh là "vua hầm".

Gần đây, Tập đoàn Đèo Cả bắt tay lập Liên danh nhà thầu với Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long để thực hiện Gói thầu số 12-XL, thuộc Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đây là dự án được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 4. Dự án có chiều dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Thuộc dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông, đánh giá là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho đất nước nên giá trị đầu tư dự án là rất lớn. Chỉ tính riêng Gói thầu số 12-XL của Liên danh Tập đoàn Đèo Cả đã lên tới 12.111 tỷ đồng.

Chung quy lại, việc Tập đoàn Đèo Cả trúng hàng loạt các dự án lớn đã không còn là thông tin gây bất ngờ cho giới kinh doanh. Song hành với đó, Tập đoàn Đèo Cả phải liên tục tìm cách mở rộng nguồn lực tài chính để thu xếp dòng vốn thực hiện dự án, vừa huy động vốn từ cổ đông, doanh nghiệp vừa tăng cường vay thêm các ngân hàng, đối tác khác.

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) - quân bài chủ lực của Tập đoàn Đèo Cả là minh chứng rõ ràng nhất. Sau màn đổi chủ từ tay Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) sang cho Tập đoàn Đèo Cả năm 2019, HHV bắt đầu "lột xác" với tên gọi mới, và có cú tăng vốn ấn tượng từ 79 tỷ đồng lên 2.270 tỷ đồng.

Trong năm này, HHV cũng đẩy số nợ phải trả vọt lên quá ngưỡng 23.000 tỷ đồng, bỏ xa con số hồi đầu năm là 258 tỷ đồng. Chiếm đến 20.000 tỷ đồng trong đó là các món nợ vay dài hạn, được cấp vốn tín dụng bởi Ngân hàng VietinBank và một vài nhà băng khác.

Các món nợ đeo bám HHV đến thời điểm hiện tại. Số liệu cuối quý III cho thấy, HHV ghi nhận khoản vay 20.295 tỷ đồng tại VietinBank với hơn 45 tỷ đồng đã đến hạn phải trả, trong tổng nợ vay 21.130 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm HHV gán cho VietinBank là quyền thu phí của các dự án BOT liên quan, hoặc phần vốn góp vào công ty liên kết.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 2,7 lần; tỷ lệ nợ vay/vốn điều lệ là 8 lần. Ngành xây dựng hạ tầng đặc thù là ngành thâm dụng vốn, cho nên HHV đẩy mạnh nợ vay để tài trợ hoạt động kinh doanh là chuyện không hiếm gặp kể cả ở các đơn vị cạnh tranh khác.

Tuy nhiên, sử dụng đòn bẩy lớn sẽ dẫn tới các rủi ro thanh toán, đặc biệt khi lãi suất đang tăng "chóng mặt" như hiện nay. Từ quý III, ngành ngân hàng đã bắt đầu xu hướng tăng lãi suất cho vay nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức chi trả lãi vay của các doanh nghiệp sẽ chưa thể tăng lên đáng kể ngay trong quý, vì có độ trễ kỳ hạn của các khoản vay.

Trong trường hợp của HHV, chi phí lãi vay quý III đã "ngốn" đến 164,8 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay tăng mạnh, nhưng nhiều khả năng là do một số khoản vay đến kỳ hạn thanh toán, chứ thực chất ba tháng qua HHV vẫn chưa chịu ảnh hưởng lớn từ đà tăng lãi suất, mà sang tới quý IV này mới bắt đầu bộc lộ những sự khó khăn nhất định.

Chi trả lãi vay nhiều hơn đang và sẽ tiếp tục là nhân tố gây áp lực lên kết quả kinh doanh của HHV. Cụ thể trong quý III, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế biến động ngược chiều, giảm nhẹ xuống còn 80 tỷ đồng vì khoản chi trả lãi vay tăng vọt.

Ngoài ra về yếu tố vĩ mô, ngành xây dựng vốn đang chật vật tìm lối thoát giữa "cơn bão" nguyên vật liệu xây dựng. Giá thép, xi măng, nhựa đường... đua nhau tăng thời gian qua và trước tình trạng biến động giá cả quá lớn, không ít nhà thầu xây dựng thừa nhận "càng làm sẽ càng lỗ", mặc dù chủ đầu tư có tính toán đến các vấn đề về điều chỉnh giá, cơ chế bù giá.

Giữ cương vị "cánh chim đầu đàn" của Tập đoàn Đèo Cả, có thể coi những gì đang diễn ra ở HHV là đại diện cho sự khó nhọc chung mà tập đoàn đang phải đối diện trong môi trường không thuận lợi như hiện tại. Nhiều khả năng sự bí bách trong lĩnh vực xây dựng đã thôi thúc Tập đoàn Đèo Cả chuyển hướng sang một lĩnh vực kinh doanh mới, ấy là bất động sản.

Dự án hơn 7.000 tỷ đồng ở Bắc Giang

Tập đoàn Đèo Cả "manh nha" lấn sang địa hạt bất động sản từ hai năm trước. Thời điểm 2020, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã tiếp nhận ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City từ ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu.

Giữa lúc Covid-19 bủa vây, thông tin này khiến dư luận xôn xao và đồn đoán rằng Tập đoàn Đèo Cả sẽ chuẩn bị làm chủ đầu tư hai dự án huyết mạch về giao thông giữa trung tâm TP.HCM với khu Tây Bắc này. Dù vậy, tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào được hai "ông lớn" công bố.

Trong diễn biến liên quan, Tập đoàn Đèo Cả đã hiện thực hóa ý tưởng này, khi gia nhập Liên danh 5 nhà đầu tư trúng thầu Dự án Khu đô thị phía Tây Nam quy mô 49,5 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng, tại phường Mỹ Độ, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang.

Ngoài Tập đoàn Đèo Cả, các thành viên còn lại trong Liên danh là Công ty TNHH REQ - Công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Thành Lợi - Công ty CP Thương mại và Dịch vụ DLH Lan Hạ - Công ty CP Thương mại và Xây dựng Tân Thành.

Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp trên đều có mối quan hệ mật thiết đến một "đại gia" bất động sản ở Hà Nội. Bản thân một số doanh nghiệp trong đó từng "chen vai thích cánh" cùng Tập đoàn Đèo Cả trong thương vụ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc như: Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.

Khác với HHV, Tập đoàn Đèo Cả sở hữu bộ đệm vốn khá chắc chắn, dư địa huy động vốn còn tương đối rộng mở. Thời điểm 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của "vua hầm" đạt 3.691 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ở mức 2.624 tỷ đồng, với 420 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn.

Doanh nghiệp khi đó tích trữ 1.274 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng hơn 750 tỷ đồng so với cuối năm 2020, nhờ lợi nhuận đột biến và hoạt động phát hành thêm cổ phần trong năm.

Điểm cần lưu ý, đó là các thành viên còn lại trong Liên danh đang bộc lộ bức tranh tài chính không mấy khả quan. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Thành Lợi (Công ty Thành Lợi) của ông Nguyễn Đình Lợi và bà Nguyễn Thị Hà, hai doanh nhân trú tại Bắc Ninh.

Tính đến hết 2021, tổng tài sản của Công ty Thành Lợi đạt 837 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng lớn tài sản đã chảy ra khỏi doanh nghiệp khi Công ty Thành Lợi sẵn sàng cho đối tác khác vay đến 550 tỷ đồng trong năm 2022, với lãi suất 8,5%/năm, kỳ hạn dưới 2 năm.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Thành Lợi lại thiếu sự ổn định và đang diễn biến trồi sụt. Năm 2020, doanh nghiệp trải qua năm đại dịch đầy khó khăn với doanh thu thuần giảm mạnh một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 42 tỷ đồng. Trừ các chi phí, Công ty Thành Lợi chịu lỗ ròng 4,5 tỷ đồng.

Sang năm 2021, doanh thu khởi sắc hơn khi tăng lên 100 tỷ đồng nhưng dưới áp lực của chi phí giá vốn và chi phí tài chính, doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Đình Lợi lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng - con số chưa đủ lấp khoản thua lỗ các năm trước để lại. Cuối năm 2021, lỗ lũy kế còn gần 250 tỷ đồng.

Vân Oanh

Tin cũ hơn
Xem thêm