Xây dựng đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp: Phải có chiến lược lâu dài và nghiêm túc
Nhân dịp ông Emmanuel Lulin - Phó Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc Đạo đức Kinh doanh Tập đoàn L’Oreal đến Việt Nam, Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông, xoay quanh vấn đề xây dựng đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp.
Ông quan niệm thế nào về đạo đức kinh doanh?
Đạo đức kinh doanh là việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức vào mọi khía cạnh trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ việc đưa ra chiến lược cho đến cách ứng xử với nhân viên và các đối tác, các nguyên tắc kế toán và kỹ thuật bán hàng nào nên áp dụng.
Với chúng tôi, đạo đức kinh doanh còn cao hơn cả những quy định pháp luật, bởi nó liên quan đến những quyết định và hành vi thận trọng trong hoạt động hàng ngày của công ty.
Ở thế kỷ 21 này, chỉ những công ty thật sự đưa các chuẩn mực đạo đức vào trong văn hóa, chiến lược và quy trình hoạt động hàng ngày của công ty thì mới có thể phát triển một cách bền vững. Điều quan trọng không kém chính là sự năng động trong việc cải tiến văn hóa và cách hành xử của công ty.
Như vậy, theo ông, làm sao để tất cả nhân viên có thể hiểu và thực hiện theo các giá trị đạo đức mà công ty hướng đến?
Đầu tiên là sự gương mẫu của cấp lãnh đạo và sau đó là sự minh bạch và thoải mái trong đối thoại giữa lãnh đạo và nhân viên. Mỗi năm, L’Oreal có một ngày L’Oreal Ethics Day để toàn bộ đội ngũ cùng bàn thảo về chuẩn mực đạo đức của công ty trên toàn thế giới, nhân viên của L’Oreal ở khắp nơi trên thế giới có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào với Chủ tịch tập đoàn và cấp lãnh đạo.
Khi tuyển dụng một nhân viên mới, bộ phận Nhân sự sẽ sắp xếp cho nhân viên tìm hiểu về các nguyên tắc đạo đức của công ty, bản quy tắc ứng xử đạo đức (code of ethics) sẽ luôn đi kèm trong hợp đồng lao động của từng nhân viên.
Nhân viên mới cũng sẽ được quản lý trực tiếp chia sẻ về điều này, bởi chúng tôi muốn từng nhân viên hiểu rằng đây là những giá trị đạo đức kinh doanh mà công ty theo đuổi. Nó rất quan trọng với cấp quản lý của bạn, với L’Oreal và như vậy nó cũng sẽ rất quan trọng với bạn, vì thế bạn cần phải đọc kỹ và trao đổi cùng với cấp lãnh đạo, nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào.
Việc làm này sẽ là một sự cam kết từ phía nhân viên và cả từ cấp quản lý với việc tuân thủ đạo đức kinh doanh trong hoạt động hàng ngày của họ.
Ông Emmanuel Lulin
Phần đông các công ty tại Việt Nam không có người phụ trách đạo đức kinh doanh. Vậy lời khuyên của ông để khắc phục việc này là như thế nào?
Hãy tập trung xây dựng văn hóa chính trực ngay thẳng cho công ty, bắt đầu bằng việc khuyến khích nhân viên nói lên những vấn đề mà họ đang gặp khó khăn và thắc mắc và cấp quản lý cần phải biết lắng nghe một cách tích cực và nghiêm túc.
Bạn hãy nhớ rằng khi nhân viên nói ra với bạn một điều gì, tức là họ đang mong đợi bạn sẽ làm một cái gì đó để đem lại sự thay đổi. Bạn sẽ không thể lắng nghe một cách tích cực, nếu bạn không có thời gian và toàn tâm toàn ý dành cuộc đối thoại cho họ. Vậy hãy để điện thoại di động ở chế độ im lặng, yêu cầu người trợ lý đừng làm phiền hoặc cắt ngang khi bạn đang nói chuyện với nhân viên của mình.
Bước kế tiếp là tạo ra môi trường làm việc công bằng trong công ty. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng muốn sống trong một đất nước công bằng và nhân viên cũng vậy, ai cũng muốn làm việc trong môi trường công bằng nơi những người tài năng được ghi nhận; những khiếu nại, sự bất bình đẳng được giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để và truyền thông minh bạch về hướng xử lý, kết quả xử lý để mọi người cùng biết.
Tôi biết có nhiều thảo luận đưa ra xung quanh vấn đề chia sẻ thông tin. Một số người nghĩ rằng, khi họ nắm giữ thông tin, họ đang nắm giữ quyền lực, nhưng điều này không đúng trong doanh nghiệp, nơi mọi người cần có thông tin để chủ động trong công việc, minh bạch trong truyền thông sẽ tạo nên môi trường chia sẻ thông tin lành mạnh.
Ông sẽ giải quyết như thế nào, nếu có sự va chạm giữa lợi ích kinh doanh và nguyên tắc đạo đức của công ty?
Chúng tôi chấp nhận hy sinh cơ hội kinh doanh, chứ không thể vi phạm những giá trị đạo đức mà công ty xây dựng và theo đuổi. Bởi chúng tôi không thể đánh đổi lợi ích ngắn hạn với tương lai của tập đoàn. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã quyết định chuyển dự án xây dựng nhà máy sản xuất từ quốc gia này sang quốc gia khác, đơn giản bởi vì chúng tôi không chấp nhập hối lộ để dự án được triển khai đúng kế hoạch.
Nhiệm vụ của tôi là thuyết phục Hội đồng quản trị về đường hướng phát triển lâu bền của công ty. Và nếu tôi không tìm được tiếng nói chung, tôi sẽ chọn giải pháp tìm nơi làm việc mới, để tôn trọng những giá trị đạo đức cốt lõi của mình. Nhiệm vụ của một Giám đốc Đạo đức là phải dấn thân vào tìm hiểu để thay đổi mọi thứ theo hướng tích cực, chứ không phải đứng nhìn và phê bình.
Theo Thời báo Kinh doanh