Vượt qua khó khăn, xuất khẩu duy trì tăng trưởng

Cập nhật: 11:13 | 02/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Thông tin từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 311 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới được dự báo gặp không ít khó khăn do nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

Đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2022

Vì sao xuất khẩu thuỷ sản chững đà tăng trong tháng 5/2022?

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng gần 17% trong 5 tháng đầu năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu đạt 156,5 tỷ USD, tăng 29,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 155 tỷ USD, tăng 22,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng xuất siêu 1,53 tỷ USD.

Xuất siêu giúp tăng cường dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga - Ukraine.

1146-xuatkhau
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, nổi bật là nhóm hàng nông sản, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng tăng trưởng cao như: Thủy sản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 54%; cao su đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12%.

Việc phát triển thị trường xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 15,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN đạt 11,2 tỷ USD, tăng 22,2%; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 9,9%...

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, những kết quả ấn tượng của bức tranh xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), đã nhanh chóng khai thác thị trường xuất khẩu ngay sau khi nhu cầu ở những thị trường này dần được phục hồi.

Mặc dù triển vọng tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2022 vẫn khả quan song nhìn nhận một cách thực tế, có rất nhiều thách thức đang đợi cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN tư nhân của Việt Nam.

Về thuận lợi, qua khảo sát, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN trong nước, nhưng cũng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Để tham gia cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI, DN trong nước phải đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh. Hiện nay có hàng trăm DN trở thành nhà cung ứng phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho DN FDI về các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, các sản phẩm cao su và nhựa, sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp...

Khi có thể cung ứng được sản phẩm cho các đối tác FDI trong nước thì thông qua các đối tác này, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam sẽ rộng mở hơn. Đó cũng là giải pháp để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng cao.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải cho hay, phản ánh của các DN, hiện tại khó khăn lớn nhất vẫn là chi phí đầu vào gia tăng quá mạnh. Trong bối cảnh này, DN nào có tỷ trọng nguyên liệu mua trong nước cao sẽ thuận lợi hơn. Lý do là, hầu hết ngành nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi nước bạn đang thực hiện chính sách "Zero Covid" khiến chuỗi cung ứng bị chậm lại.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ý kiến: "Đa dạng hóa thị trường cũng là khuyến cáo của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), bởi với việc phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới".

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm