Chính sách - Đầu tư

"Vùng Đất Tổ" sáp nhập quy mô lớn: Giảm mạnh số xã, hơn 2.600 cán bộ trước thử thách mới

Tuấn Anh 28/04/2025 18:47

Địa phương này dự kiến sáp nhập 205 đơn vị hành chính cấp xã thành 64 đơn vị mới, hướng tới tinh gọn bộ máy.

Sắp xếp 205 xã, thành lập 64 đơn vị hành chính cấp xã mới

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức cuộc họp thẩm tra về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn. Theo tờ trình, tỉnh Phú Thọ sẽ tiến hành sắp xếp 205 đơn vị hành chính cấp xã, ngoại trừ hai xã giữ nguyên hiện trạng là Thu Cúc (huyện Tân Sơn) và Trung Sơn (huyện Yên Lập), để thành lập 64 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Phú Thọ
Phú Thọ đang lên phương án sắp xếp, tinh gọn các đơn vị hành chính

Sau khi hoàn tất việc sắp xếp, toàn tỉnh sẽ còn 66 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường và 59 xã, giảm 141 đơn vị so với trước đây. Việc sáp nhập này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo kế hoạch, Phú Thọ sẽ lấy tên gọi hiện tại của 13 huyện, thành, thị để đặt tên cho các xã, phường trung tâm. Các đơn vị hành chính còn lại sẽ ưu tiên chọn tên các xã, phường cũ phù hợp với văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán, được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Điều chỉnh tổ chức bộ máy hành chính cấp xã

Theo phương án đề ra, HĐND cấp xã sau sáp nhập sẽ có hai ban chuyên trách là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. UBND xã, phường sẽ tổ chức bốn phòng chuyên môn hoặc tương đương. Đáng chú ý, 100% biên chế cấp huyện hiện nay sẽ được điều chuyển về cấp xã mới.

Tỉnh Phú Thọ dự kiến giữ nguyên tổng biên chế hiện tại và sẽ thực hiện rà soát, tinh giản trong vòng 5 năm theo quy định. Mỗi xã, phường sau sáp nhập sẽ bố trí khoảng 32 cán bộ, công chức, chưa tính lực lượng của khối Đảng và đoàn thể.

Đặc biệt, địa phương sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đồng thời tổ chức sắp xếp lực lượng này tham gia các hoạt động tại khu dân cư.

Hiện tổng số cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện tại Phú Thọ là 5.914 người. Sau sáp nhập, dự kiến sẽ bố trí khoảng 3.300 người tại các đơn vị mới, số lượng dôi dư khoảng 2.614 người sẽ được giải quyết theo lộ trình.

Đề án sáp nhập Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình

Song song với việc sắp xếp cấp xã, tỉnh Phú Thọ đang triển khai Đề án sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành một tỉnh mới mang tên Phú Thọ. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ được đặt tại TP. Việt Trì.

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới sẽ có diện tích tự nhiên 9.361,381 km² và quy mô dân số trên 4 triệu người. Toàn tỉnh sẽ có 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.

Tỉnh cũng sẽ sử dụng toàn bộ trụ sở làm việc hiện tại của khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể để bố trí cho các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập.

Theo kết quả lấy ý kiến, tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với đề án sáp nhập ba tỉnh đạt 98,30%, cho thấy sự đồng thuận rất cao trong nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Trung Kiên, yêu cầu Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, hoàn thiện tờ trình và báo cáo thẩm tra để trình tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XIX sắp tới.

      Nổi bật
          Mới nhất
          "Vùng Đất Tổ" sáp nhập quy mô lớn: Giảm mạnh số xã, hơn 2.600 cán bộ trước thử thách mới
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO