Vừa 'vỡ mộng' lãi kỷ lục, Cao su Sao Vàng (SRC) đặt tiếp mục tiêu lợi nhuận 'khủng' năm 2023

Cập nhật: 06:45 | 24/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Năm 2022, trong khi "anh em" cùng ngành kinh doanh săm lốp như Cao su Đà Nẵng, Cao su miền Nam đồng loạt công bố lợi nhuận tăng trưởng tốt, thì SRC "ngược dòng" báo lãi giảm mạnh. Tuy nhiên, tựa như năm trước, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đưa ra kế hoạch lãi kỷ lục trong năm 2023.

Vừa 'vỡ mộng' lãi kỷ lục, Cao su Sao Vàng (SRC) đặt tiếp mục tiêu lợi nhuận 'khủng' năm 2023

Nhìn lại năm 2022, công ty mẹ SRC ghi nhận 915 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 4% so với mức thực hiện năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ đồng, giảm đến 27%. Tính ra, doanh nghiệp còn cách rất xa kế hoạch kinh doanh ĐHĐCĐ giao phó.

Vẫn 'nuôi' tham vọng lãi 'khủng'

Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) thông báo, ngày 24/4 tới, doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại trụ sở 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Danh sách cổ đông tham dự được chốt vào ngày 20/3.

Tại cuộc họp, Hội đồng quản trị SRC có tờ trình cổ đông về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, với doanh thu tiêu đặt ra ở mức 2.000 tỷ đồng, bao gồm 970 tỷ đồng doanh thu sản xuất công nghiệp và 1.030 tỷ đồng doanh thu thương mại; lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 100 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức không dưới 10%.

Như vậy, các chỉ tiêu kinh doanh năm nay đều không có sự thay đổi so với năm 2022. Lưu ý rằng, đây là kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, nếu đạt được, SRC sẽ chinh phục mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2009.

Nhìn lại năm 2022, SRC ghi nhận 915 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 4% so với mức thực hiện năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ đồng, giảm đến 27%. Tính ra, doanh nghiệp còn cách rất xa kế hoạch kinh doanh ĐHĐCĐ giao phó.

Sự sa sút của SRC hoàn toàn đi ngược so với những gì "anh em" cùng ngành đang thể hiện, điển hình như trường hợp 2 doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết trên sàn khác là Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) và Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (HOSE: CSM).

Năm vừa qua, CSM chứng kiến doanh thu tăng trưởng 10% lên 5.320 tỷ đồng, đặc biệt lợi nhuận tăng mạnh 88%, tiến sát ngưỡng 80 tỷ đồng. Trong khi đó, DRC cũng có bức tranh kinh doanh sáng màu, với doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6% so với năm 2021.

Giới quan sát nhận định, mặc dù ngành săm lốp vướng phải một số lực cản trong năm 2022, ví dụ như việc lốp ô tô nhập khẩu sang thị trường Mỹ sẽ bị áp thêm thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá, tuy nhiên hầu như doanh nghiệp đều lấy lại phong độ do không bị kìm kẹp bởi dịch bệnh như năm 2021. Ngoài ra, mức nền thấp cũng là yếu tố giúp nhóm doanh nghiệp này dễ dàng đạt tăng trưởng hơn.

'Lận đận' số phận đất 'vàng' 231 Nguyễn Trãi

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SRC (công ty mẹ) đạt 1.245 tỷ đồng, gần như không biến động so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 323 tỷ đồng, tăng 12% giá trị; còn lại tập trung ở khoản đầu tư tài chính dài hạn, với 505 tỷ đồng được rót vào công ty liên doanh, liên kết, tương đương 40% tài sản.

Tương tự cuối năm 2021, SRC dùng hơn 130 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn và 375 tỷ đồng cho chiếc ghế cổ đông ở Công ty CP Sao Vàng - Hoành Sơn. Cả hai pháp nhân này, đều liên quan trực tiếp đến Tập đoàn Hoành Sơn của Chủ tịch HĐQT Phạm Hoành Sơn.

Cùng thời điểm, nợ phải trả của SRC đạt 805 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt 439 tỷ đồng. SRC khá ưa sử dụng nợ vay, với tổng dư nợ 356 tỷ đồng, phần lớn là vay kỳ hạn ngắn.

Mối "lương duyên" giữa SRC và Tập đoàn Hoành Sơn bắt đầu từ năm 2016, khi đó hai bên đã cùng bàn bạc, ký kết hợp đồng hợp tác, và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khu đất "vàng" rộng hơn 6,2ha tại số 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội), trụ sở chính của SRC. Mục tiêu của cú bắt tay là nhằm đầu tư, phát triển dự án "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn".

Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn (viết tắt là Sao Vàng - Hoành Sơn) sau đó được lập ra để quản lý dự án. Sao Vàng - Hoành Sơn có vốn sáng lập 100 tỷ đồng, trong đó phía Hoành Sơn nắm 74% cổ phần, còn phía SRC nắm 26% nhưng sử dùng nguồn vốn vay từ chính Tập đoàn Hoành Sơn.

Theo thỏa thuận ban đầu, Tập đoàn Hoành Sơn cho SRC vay 26 tỷ đồng để góp vốn vào Sao Vàng - Hoành Sơn với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng. Hết thời hạn vay vốn, SRC sẽ phải chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại doanh nghiệp dự án cho Tập đoàn Hoành Sơn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng kinh phí để SRC di dời nhà máy trên khu đất "vàng" 231 Nguyễn Trãi về Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ 435 tỷ đồng (khoảng 7 triệu đồng cho mỗi mét vuông đất) Tập đoàn Hoành Sơn đưa ra cho SRC được đánh giá là thấp hơn 40% so với đề xuất từ Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Bất động sản Việt Hưng vào năm 2012.

Đến năm 2017, Sao Vàng - Hoành Sơn tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không thay đổi, phần vốn góp của SRC theo đó tăng lên tương ứng 130 tỷ đồng.

Diễn biến tiếp theo của thương vụ, Tập đoàn Hoành Sơn gây bất ngờ lớn khi liên tục mua gom lượng lớn cổ phiếu SRC. Hiện tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hoành Sơn lên đến 24,54% vốn điều lệ, chỉ sau cổ đông lớn nhà nước là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với 36%.

Với vị thế được vững chãi, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT SRC từ ngày 16/12/2019.

Đến nay, số phận đất "vàng" 231 Nguyễn Trãi vẫn chưa ngã ngũ. Còn nhớ, Biên bản họp HĐQT số 96/BB-HĐQT ngày 19/6/2018 cho thấy, SRC phải thoái vốn khỏi Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn theo quy định của pháp luật và bảo toàn vốn (áp dụng với doanh nghiệp nhà nước).

Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, SRC vẫn chưa có động thái rút toàn bộ vốn khỏi pháp nhân liên doanh này. Tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021, SRC xác định: "Doanh nghiệp đang xây dựng lộ trình, kế hoạch thoái phần vốn góp của công ty tại Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn trên cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật và bảo toàn vốn đầu tư".

Thanh Phong