“Vua tôm” Minh Phú (MPC) công bố kế hoạch làm nhà ở xã hội 633 tỷ đồng

Cập nhật: 18:43 | 24/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Dự án nhà ở xã hội của “vua tôm” Minh Phú sẽ tọa lạc tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có diện tích 17,67 ha, đáp ứng quy mô dân số 3.200 – 3.800 người. Tổng vốn đầu tư dự án là gần 633 tỷ đồng.

“Vua tôm” Minh Phú (MPC) công bố kế hoạch làm nhà ở xã hội 633 tỷ đồng
"Vua tôm" Minh Phú sẽ xây dựng Nhà ở xã hội cho công nhân tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã phê duyệt chủ trương dự án Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 633 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Theo thông tin được công bố, dự án có tổng diện tích là 17,67 ha, đáp ứng quy mô dân số 3.200 – 3.800 người. Về quy mô kiến trúc xây dựng, dự án dự kiến dành ra 9,47 ha, tương đương 53,6% diện tổng diện tích phần lớn để quy hoạch cho đất ở. Trong đó, diện tích đất chung cư và nhà ở xã hội là 7,58ha, đất nhà ở thương mại là 1,89ha.

Bên cạnh phần đất ở nói trên, dự án phân bổ 4,91ha cho đất giao thông bộ, 1,82ha cho đất giao thông thuỷ, 0,9ha cho đất công trình công cộng và 0,53ha cho đất cây xanh và dịch vụ.

Nghị quyết của Thuỷ sản Minh Phú ghi rõ, dự án có thời gian hoạt động 49 năm kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc ký hợp đồng thực hiện dự án đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu. Tiến độ thực hiện tối đa 60 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc ký hợp đồng thực hiện dự án.

Đáng chú ý, trước khi Thuỷ sản Minh Phú công bố kế hoạch làm dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau, đầu tháng 11/2023, Tập đoàn đã thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Liên quan đến vvấn đề này, Tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang cho hay, doanh nghiệp dự kiến làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chứ không kinh doanh bất động sản.

Tiềm lực của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú hiện ra sao?

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, tiền thân là Xí nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú, được thành lập năm 1992 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 120 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Minh Phú đã vươn lên trở thành một Tập đoàn lớn với số vốn điều lệ gần 4.000 tỷ đồng, sở hữu 16 công ty con, 2 công ty liên kết.

Đằng sau doanh nghiệp này còn có sự hậu thuẫn của Tập đoàn Mitsui - một trong tứ đại tài phiệt zaibatsu của Nhật Bản (cùng với Mitsubishi, Yashuda và Sumitomo). Thông qua công ty con là MPM Investments Pte.Ltd, Mitsui hiện đang nắm giữ 35,1% vốn điều lệ của “vua tôm Việt Nam”.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, doanh thu của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú tăng 21%, lên mức đạt 16.425 tỷ đồng, “áp sát” mức đỉnh trong giai đoạn 2018 – 2019. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lập kỷ lục trong lịch sử hoạt động, ghi nhận ở mức 832 tỷ đồng. Dù vậy, so với tham vọng thu về 18.963 tỷ đồng doanh thu và 1.267 tỷ đồng lãi ròng, kết quả kinh doanh ấn tượng nói trên vẫn là chưa đủ.

Mặc dù đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2022, "vua tôm" Minh Phú vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra.

“Vua tôm” Minh Phú (MPC) công bố kế hoạch làm nhà ở xã hội 633 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh năm 2022 của "vua tôm" Minh Phú

Bước sang năm 2023, trước tình hình khó khăn chung của thị trường, Thủy sản Minh Phú đã hạ thấp kế hoạch kinh doanh, với kỳ vọng doanh thu đạt 12.789,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 639,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tập đoàn này sụt giảm mạnh 46%, chỉ đạt xấp xỉ 7.466 tỷ đồng, còn cách rất xa kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 114 tỷ đồng.

Đáng nói, không chỉ kinh doanh thua lỗ, trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn ghi nhận âm 468 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 233 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 335,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 371,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng nhẹ 3,2% so với đầu năm, đạt 10.973,3 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 52%, đạt xấp xỉ 5.651 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng tài sản, tăng 12% so với đầu năm. Về phần nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý III, tổng nợ vay của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 4.292 tỷ đồng, tăng gần 10 % so với đầu năm, bao gồm 4.080 tỷ đồng tiền nợ vay ngắn hạn và 212 tỷ đồng tiền nợ vay dài hạn.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11/2023, cổ phiếu MPC đóng cửa ở mức 17.200 đồng/cp tăng 1,78% so với phiên giao dịch trước đó.

Công ty con của “vua tôm” Minh Phú (MPC) huy động 10 triệu USD cho kế hoạch “vươn ra biển lớn”

Công ty CP Công nghệ Otanics – công ty con của “vua tôm” Minh Phú hiện đang trong quá trình đàm phán với các nhà ...

Cổ phiếu ngành thủy sản: Định giá hợp lý nhưng chưa hấp dẫn

Nửa cuối năm 2023 này, giới phân tích cho rằng, triển vọng của ngành thủy sản đang có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên ...

“Vua tôm” Minh Phú (MPC) lại báo lỗ, cổ phiếu tìm về đáy 1 năm

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, ghi nhận quý lỗ thứ ...

Hà Lê

Tin liên quan