Chuyển động

Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu vẫn chưa nguội, Phó Thủ tướng yêu cầu làm ngay điều này

Thu Hà 02/07/2025 14:41

Vụ Tập đoàn Sơn Hải bị loại dù bỏ giá thấp nhất chưa hạ nhiệt. Phó Thủ tướng vừa nhắc nhở Bộ Tài chính, yêu cầu rà soát 4 nhóm vấn đề then chốt của gói thầu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra kỹ lưỡng quy trình lựa chọn nhà thầu cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc kiểm tra toàn diện quá trình lựa chọn nhà thầu thi công dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).

Sơn Hải
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng báo cáo bổ sung, trong đó phải phân tích đầy đủ và kiến nghị rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước

Trước đó, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra nội dung liên quan và gửi báo cáo tại Văn bản số 8747/BTC-QLĐT ngày 19/6. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian gửi báo cáo chưa đáp ứng đúng tiến độ. Cụ thể, yêu cầu ban đầu đặt ra là hoàn thành báo cáo trước ngày 10/6 (theo văn bản chỉ đạo ngày 29/5), nhưng đến ngày 19/6 cơ quan chức năng mới gửi văn bản. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chậm trễ này.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng báo cáo bổ sung, trong đó phải phân tích đầy đủ và kiến nghị rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Nội dung báo cáo cần tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, làm rõ hồ sơ mời thầu điện tử (E-HSMT) có được xây dựng đúng quy định pháp luật hay không, đặc biệt là các yêu cầu liên quan đến mô hình thông tin công trình (BIM) – yếu tố dễ gây cách hiểu không thống nhất. Bên cạnh đó, cần kiểm tra tính hợp lệ của các yêu cầu về ký hiệu, mã hiệu, xuất xứ vật tư thiết bị chính, bảo đảm tuân thủ Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT. Bộ Tài chính cũng cần xem xét sự nhất quán giữa các tiêu chí đánh giá năng lực thiết bị và yêu cầu kỹ thuật, đánh giá khả năng tồn tại mâu thuẫn làm ảnh hưởng kết quả xét thầu.

Thứ hai, rà soát quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) của Tổ chuyên gia và Chủ đầu tư để xác minh có tuân thủ đúng các tiêu chí quy định trong E-HSMT hay không. Đặc biệt, cần làm rõ việc đánh giá năng lực thiết bị thi công có đảm bảo tính khách quan, chính xác, thống nhất giữa các tiêu chí về kinh nghiệm và kỹ thuật. Việc Tổ chuyên gia không tiến hành làm rõ hồ sơ dự thầu theo Điều 28 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP cũng cần được xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả chấm thầu.

Thứ ba, đánh giá năng lực của thành viên Tổ chuyên gia, từ số lượng, trình độ chuyên môn đến kinh nghiệm thực tiễn, trên cơ sở quy định pháp luật đấu thầu. Đồng thời, so sánh, làm rõ các nội dung có sự khác biệt giữa Báo cáo chi tiết và Báo cáo tổng hợp, nhất là những điểm chưa được làm rõ trong quá trình đánh giá E-HSDT.

Thứ tư, rà soát tính hợp lý, minh bạch, chính xác và hiệu quả kinh tế của kết quả lựa chọn nhà thầu. Báo cáo cần xác định rõ nhà thầu được đề xuất trúng thầu có thực sự đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và giải pháp thi công để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án hay không.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Tài chính phải đưa ra đề xuất rõ ràng về biện pháp xử lý tiếp theo, bao gồm việc tiếp tục ký hợp đồng với nhà thầu hiện tại hoặc yêu cầu Chủ đầu tư, bên mời thầu, Tổ chuyên gia hoàn thiện bổ sung tài liệu, hồ sơ liên quan. Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai để hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7, bảo đảm không làm chậm tiến độ dự án.

Nhà thầu Sơn Hải phản ánh dấu hiệu bất thường, địa phương khẳng định quy trình đúng quy định

Liên quan đến gói thầu này, trước đó, ngày 26/5, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch trong kết quả xét thầu. Theo phản ánh, gói thầu xây lắp có tổng giá trị hơn 880 tỷ đồng, được mở thầu ngày 17/3, với sự tham gia của 5 đơn vị dự thầu.

Trong đó, Tập đoàn Sơn Hải nộp hồ sơ dự thầu với giá đề xuất khoảng 732 tỷ đồng – thấp nhất trong số các nhà thầu. Tuy nhiên, hồ sơ này bị loại vì lý do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Cuối cùng, Chủ đầu tư đã chọn liên danh nhà thầu có giá dự thầu cao nhất, lên đến 866 tỷ đồng, đây là nguyên nhân gây bức xúc cho phía Sơn Hải.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Phước đã phát đi thông báo khẳng định quy trình chấm thầu được thực hiện tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đấu thầu. Địa phương cũng cho rằng nội dung kiến nghị không phù hợp và không có căn cứ để xem xét thay đổi kết quả xét thầu.

Để bảo đảm tính khách quan, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và Tổ chuyên gia đấu thầu chủ động phối hợp với Tổ công tác của Bộ Tài chính (theo Quyết định số 1935/QĐ-BTC ngày 2/6), cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và thông tin liên quan. Đồng thời, các kiến nghị của nhà thầu phải được xem xét giải quyết đúng thẩm quyền và theo trình tự quy định pháp luật về đấu thầu.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu vẫn chưa nguội, Phó Thủ tướng yêu cầu làm ngay điều này
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO