VPBank (VPB): Động lực tăng trưởng từ việc bán vốn cho cổ đông chiến lược SMBC

Cập nhật: 15:48 | 29/03/2023 Theo dõi KTCK trên

VCBS cho rằng, VPBank (VPB) đạt được thỏa thuận bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược SMBC Nhật Bản mang lại nhiều động lực tăng trưởng trong dài hạn.Theo đó, VCBS tăng dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VPB lên mức 23.339 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022...

Năm 2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (HOSE: VPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 21.220 tỷ đồng (+46% yoy), mức tăng trưởng cao nhất trong những năm trở lại đây. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 41.021 tỷ đồng (+19,42% yoy), thu nhập ngoài lãi đạt 16.776 tỷ đồng (+53,92% yoy).

Quy mô tín dụng hợp nhất đạt 479.000 tỷ đồng (+25% yoy), tương đương mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp trong năm 2022. Dư nợ tín dụng của ngân hàng riêng lẻ đạt 354.000 tỷ đồng, +28% yoy, thuộc top đầu trong ngành ngân hàng, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng cả năm 2022.

NIM của ngân hàng mẹ +30bps lên 5,45%, trong khi NIM của FE - Credit giảm khiến cho biên lãi cả năm 2022 của VPB hợp nhất giảm 13 bps xuống còn 7,51% so với 7,64% năm 2021. Dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ cùng với biên lãi NIM được giữ ở mức cao giúp doanh thu lãi của ngân hàng đạt đỉnh 41.021 tỷ đồng trong năm 2022.

VPBank (VPB): Động lực tăng trưởng từ việc bán vốn cho cổ đông chiến lược SMBC

Ngày 27/3/2023, VPBank cho biết, đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản, thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thỏa thuận bán vốn này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng VPBank.

Công ty chứng khoán Vietcombank – VCBS cho rằng, đạt được thỏa thuận bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược SMBC Nhật Bản mang lại nhiều động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Theo VCBS, khoản đầu tư lần này mang lại cho VPB số tiền 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, tương ứng với mức giá bán 30.160 đồng/cp, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103. 500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Với lần tăng vốn này, VPB trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại và cao thứ hai trong toàn hệ thống (chỉ xếp sau ngân hàng Vietcombank). Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

VCBS đánh giá, việc bổ sung 35.900 tỷ đồng vào vốn cấp một giúp hàng gia tăng đáng kể độ dày của vốn chủ sở hữu, củng cố các chỉ số về an toàn vốn ở mức hàng đầu trong ngành. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp VPB có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở những phân khúc chiến lược, đặc biệt là phân khúc bán lẻ và SME trọng tâm.

Nền tảng vốn lớn còn cho phép VPB có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Với việc VPB tham gia nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém, VCBS kỳ vọng hạn mức tín dụng được cấp của ngân hàng trong năm 2023 sẽ ở một mức cao so với trung bình ngành, giúp ngân hàng tận dụng tối đa được nguồn vốn dồi dào sẵn có để mở rộng danh mục tín dụng cho vay và đa dạng hóa tệp khách hàng.

Việc SMBC trở thành cổ đông chiến lược được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hỗ trợ ở cả mảng tài chính và quản trị, đóp góp nhiều giá trị cho sự tăng trưởng của VPB. Ngân hàng SMBC nói riêng và tập đoàn SMFG nói chung là những doanh nghiệp hàng đầu trong mảng tài chính tại Nhật Bản với kinh nghiệm lâu năm và mạng lưới khách hàng trải rộng ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường Châu Á.

Thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới của SMBC Group và ngân hàng SMBC, tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Khi đầu tư vào Việt Nam, những tập đoàn này có thể sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.

Ngoài ra với tiềm lực vốn mạnh mẽ cùng với lợi thế lãi suất ở Nhật Bản hiện đang ở mức thấp, SMBC sẽ hỗ trợ được nhiều cho VPB về mặt huy động vốn với chi phí rẻ hơn nhiều so với huy động vốn trong nước, giúp ngân hàng giảm đáng kể chi phí vốn hiện đang ở mức khá cao so với trung bình ngành và cải thiện NIM, củng cố vị trí số 1 trong ngành về biên lãi thuần.

Nguồn: VPB, VCBS tổng hợp
Nguồn: VPB, VCBS tổng hợp

Về mặt công nghệ, đối tác Nhật Bản vốn được biết đến là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong kinh doanh, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho những chiến lược sắp tới của công ty về mặt chuyển đổi số, nâng cao tiện ích sản phẩm và mở rộng danh mục dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Với những hỗ trợ mà cổ đông chiến lược SMBC mang lại, VPB được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tới.

Kỳ vọng tín dụng năm 2023 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ: Tăng trưởng tín dụng tại VPB đang được kỳ vọng cao sau khi các hoạt động tăng vốn đều được diễn ra theo đúng kế hoạch sẽ giúp gia tăng triển vọng lợi nhuận của ngân hàng.

Năm 2022, VPB ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng 25%, thuộc nhóm có tăng trưởng cao nhất trong ngành. Việc nằm trong nhóm 4 ngân hàng tham gia phương án tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém giúp cho tổng hạn mức tín dụng được cấp của VPB thuộc nhóm cao hơn trung bình ngành, là động lực chính giúp tổng thu nhập từ lãi của VPB lần đầu vượt 40 nghìn tỷ đồng.

VCBS kỳ vọng với đà tăng trưởng tín dụng tốt trong năm 2022 và động lực từ việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc sẽ mở ra cơ hội được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2023 cho VPB.

Tín dụng bán lẻ tiếp tục là trọng tâm đối với tăng trưởng tín dụng của ngân hàng: Bán lẻ vẫn là trụ cột tại VPBank, quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân và SME của ngân hàng mẹ chiếm 61% tổng dư nợ cấp tín dụng, đưa ngân hàng vào top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ.

Tiếp tục mở rộng hệ sinh thái đa ngành và phát triển công nghệ số: Trong năm 2022, ngân hàng sở hữu thêm 2 công ty con là Công ty CP Chứng khoán VPBank (99,9%) và Công ty CP Bảo hiểm OPES (98%), chính thức mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm cùng với mảng tài chính tiêu dùng (FE-Credit) hiện đang có thị phần số 1 trên thị trường. Ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng bán chéo và đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi từ các công ty trong hệ sinh thái. VCBS kỳ vọng, từ năm 2023 các công ty con này sẽ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận hợp nhất.

Về mảng công nghệ số, hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính số đã trở thành trụ cột sinh lời, giúp ngân hàng tối ưu hóa nguồn thu. Đầu tư mạnh tay vào công nghệ đang mang lại hiệu quả thể hiện ở việc tỷ lệ CIR đang giảm dần và hiện đang ở mức thấp nhất trong ngành.

VPB có mô hình hoạt động hiệu quả, năng động và vốn chủ sở hữu thuộc top đầu ngành. Với việc tham gia nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng kỳ vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2023 và những năm tới. Với khoản 35.900 tỷ đồng nhận được từ đợt tăng vốn từ phát hành riêng lẻ giúp VPB củng cố vị trí hàng đầu về vốn chủ sở hữu, bổ sung đáng kể nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Theo đó, VCBS tăng dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VPB lên mức 23.339 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng10% so với năm 2022). Dự phóng trên dưa trên một số giả định tăng trưởng tín dụng đạt 21% cho năm 2023, NIM đi ngang và nợ xấu giảm nhẹ so với năm 2022.

Lãi suất có thể sớm giảm trở lại, chuyên gia chứng khoán gợi ý nhóm cổ phiếu tiềm năng

Chuyên gia chứng khoán cho rằng, tất cả những gì xấu nhất đã được phản ánh vào giá cổ phiếu nên khả năng giảm sâu ...

Vụ Vạn Thịnh Phát và SCB: Khởi tố 5 cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, sau khi làm việc với SCB, các bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã ...

Những điều cần biết về thẻ đen, những đặc quyền khi sở hữu thẻ đen quyền lực

Thẻ tín dụng đen là loại thẻ ai cũng muốn có. Thế nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu được loại thẻ này. ...

Đức Anh