VPBank và FE Credit được Moody's xem xét nâng mức xếp hạng tín nhiệm

Cập nhật: 10:34 | 13/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ngày 12/5 thông báo đang xem xét nâng hạng tất cả các đánh giá dài hạn về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và công ty con là Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).

1357-vp134
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Động thái này diễn ra sau khi VPBank thông báo ngày 28/4 đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui, Inc. (SMFG) về việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit với mức định giá là 2,8 tỷ USD.

Việc xem xét nâng hạng phản ánh kỳ vọng của Moody's rằng các yếu tố tín dụng độc lập của VPBank và FE Credit có thể được cải thiện sau thương vụ trên, từ đó giúp tạo đà tăng cho các xếp hạng và đánh giá của họ.

Hiện tại, Moody's có tính tới khả năng VPBank sẽ liên kết hỗ trợ cho FE Credit khi cần thiết. Moody's sẽ đánh giá lại khả năng liên kết hỗ trợ cho FE Credit, khi cân nhắc tới việc cả SMFG và VPBank đều nắm giữ cổ phần lớn trong FE Credit, cũng như sự tham gia của SMFG trong việc thiết lập định hướng chiến lược cho công ty.

Giao dịch nói trên vẫn đang chờ được các cơ quan chức năng phê duyệt. Theo VPBank, giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2021.

Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

Moody's có thể nâng xếp hạng của VPBank nếu giao dịch được chấp thuận và nguồn vốn của ngân hàng được cải thiện như dự đoán. Trong trường hợp giao dịch không được chấp thuận, Moody's sẽ xác nhận xếp hạng của VPBank sau đó.

Tương tự, Moody's có thể nâng mức xếp hạng của FE Credit nếu giao dịch thành công và sức mạnh tín dụng độc lập của công ty được cải thiện như dự đoán.

Khả năng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cổ đông của công ty cũng sẽ là yếu tố tích cực cho việc xếp hạng của FE Credit.

Nếu giao dịch không được thông qua, Moody's sẽ điều chỉnh triển vọng của công ty về mức ổn định.

Về kết quả kinh doanh của VPBank, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 4.006 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng tới 38% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc tối ưu hóa chi phí.

Cụ thể, ở mảng tín dụng, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (biểu thị doanh thu tín dụng) chỉ nhích nhẹ 0,7%. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần mảng này đem về lên đến 9.119 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng tới 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao, VPBank đã tiết kiệm chi phí hoạt động đến mức đáng ngạc nhiên. Quý I/2021, ngân hàng này chỉ ghi nhận 2.592 tỷ đồng chi phí hoạt động, giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động (CIR) theo đó tụt xuống 23,5% từ mức 33% cùng kỳ, nhiều khả năng là ngân hàng có CIR thấp nhất hệ thống trong quý đầu năm.

Tính đến hết ngày 31/3/2021, tổng tài sản của VPBank ở mức 436.241 tỷ đồng, tăng 4,1% sau 3 tháng. Trong đó, dư nợ cho vay ở mức 301.172 tỷ đồng, tăng 3,6%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất trên dư nợ cho vay ở mức 3,46%.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đến hết ngày 31/3/2021 đạt 55.995 tỷ đồng, tăng trưởng 6,1%. Tiền gửi khách hàng đạt 232.426 tỷ đồng, giảm 0,4%; tiền gửi và vay các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác tăng mạnh 25%.

Ngân hàng khóa “room”, dành dư địa huy động vốn ngoại

Mùa đại hội vừa qua, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm ngân hàng khóa "room" ngoại để chờ bán vốn chiến lược giá cao.

Dù "được giá bán luôn", FE Credit vẫn là công ty con của VPBank

Với tỷ lệ sở hữu 51% còn lại, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank, kết quả kinh doanh được hạch toán trong ...

SSI Research: Lợi nhuận FE Credit có thể đạt 4.400 tỷ đồng trong năm 2021

Đánh giá trong quý I/2021, SSI Research nhận định chi phí hoạt động thấp hơn là yếu tố duy nhất giúp FE Credit có lợi ...

Anh Khôi