VPBank cảnh báo tội phạm lừa đảo công nghệ cao chiếm đoạt tiền khách hàng

Cập nhật: 19:49 | 05/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Những hình thức giả danh nhân viên ngân hàng, trang web ngân hàng để ăn cắp thông tin khách hàng và lừa đảo chiếm đoạt tiền ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi. Để bảo vệ chính mình, khách hàng hay là người dùng thông minh để tránh rủi ro khi giao dịch ngân hàng.

vpbank canh bao toi pham lua dao cong nghe cao chiem doat tien khach hang

Cảnh báo nguy cơ tội phạm công nghệ hoạt động mạnh dịp cuối năm

vpbank canh bao toi pham lua dao cong nghe cao chiem doat tien khach hang

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rủi ro thu hồi sổ đỏ đã cấp khi đang thế chấp tại ngân hàng

vpbank canh bao toi pham lua dao cong nghe cao chiem doat tien khach hang

Vay ngang hàng: Thách thức người dùng lẫn các nhà quản lí

Trong thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo công nghệ cao, giả mạo ngân hàng phát sinh ngày càng nhiều và đa đạng gây thiệt hại cho khách hàng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo đến cho khách hàng về vấn đề này.

Một khách hàng đã bị kẻ mạo danh lừa chiếm đoạt tiền ngân hàng

Ngân hàng cho biết, tội phạm công nghệ cao thường dùng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi lợi dụng thông tin lừa cung cấp mã OTP hoặc yêu cầu đăng nhập vào các trang web giả mạo để chiếm đoạt tài khoản của khách hàng và gây tổn hại đến uy tín của các ngân hàng.

Mới đây, chị N.K.M (trú tại Hà Nội) đã báo ngân hàng VPBank về việc bị kẻ gian lừa tiền để ngân hàng can thiệp và xử lý. Cụ thể, cuối chiều 4/12 đã nhận được tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng 1 sổ tiết kiệm từ “SAN SO LOC VANG” tri ân và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải, kèm theo số điện thoại liên hệ số 02439959368.

Khi chị M. đăng nhập vào website nói trên thì hiện ngay ra tên miền (https://online.vpbank.com.vn/cb/pages/jsp-ns/login-cons.jsrp), giao diện màu sắc logo, phông chữ, nền… giống hệt website của ngân hàng VPBank mà chị vẫn thường truy cập để thực hiện giao dịch.

"Tôi càng yên tâm hơn khi khẳng định nó chính là website của VPBank nên gõ tên đăng nhập và mật khẩu vào hệ thống”, chị M. cho hay. Chị cũng cho rằng ở khâu này chưa thể xảy ra rủi ro được bởi nếu muốn trục lợi tiền từ tài khoản của chị thì vẫn còn một khâu bảo mật rất quan trọng là mã OTP.

Nhưng ngay lúc ấy, chị nhận được một cuộc gọi hỏi đích danh tên chị (cả tên cũ và tên mới chuyển đổi). “Ngạc nhiên hơn, người này đọc luôn 4 số đầu và 4 số cuối của cái thẻ tín dụng mà tôi đang sử dụng ở ngân hàng”, chị cho biết.

Sau đó “nhân viên” này thông báo chị M. đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng và yêu cầu chị đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải.

Dù đã cảnh giác hỏi lại xong chị được “nhân viên ngân hàng” trả lời rằng đó là quy định của ngân hàng, nếu không tin chị M. có thể gọi đến tổng đài để xác minh thông tin.

“Tôi linh cảm có điều gì đó không ổn nên cúp máy, đồng thời gọi ngay cho nhân viên ngân hàng VPBank - Chi nhánh Giảng Võ nơi tôi vẫn hay giao dịch để hỏi tình hình. Bạn ấy bảo, ngân hàng thỉnh thoảng vẫn có chương trình khuyến mãi này kia, có tặng tiền cho khách gửi tiết kiệm… nhưng chị cứ tìm hiểu và đọc kỹ nhé”, chị M. kể.

Ngay khi đang nói chuyện với nhân viên ngân hàng thì chị M. nhận được tin nhắn báo vào điện thoại với nội dung chị đã vay ngân hàng 360 triệu đồng.

Đúng 5 giây sau, chị M. tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng. Tiếp 2 giây nữa, chị nhận được tin nhắn báo tài khoản bị trừ 3.507.700 đồng, rồi 500.000 đồng, 500.000 đồng… liên tiếp cứ 2-5 giây lại có 1 giao dịch 500.000 đồng.

Tổng cộng chị M. nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ 11,5 triệu đồng trong tài khoản.

Chị M. cuống quýt gọi lại cho nhân viên ngân hàng VPBank - Chi nhánh Giảng Võ kể về vụ việc và yêu cầu khóa thẻ và tài khoản cũng như các giao dịch. Sau nhiều lần gọi tổng đài và nhờ cả sự trợ giúp của đồng nghiệp chị M. mới kết nối được với đàm thoại viên và thực hiện phong tỏa tài khoản, thẻ và các giao dịch.

“Giả sử tôi có việc bận, tắt máy tính rồi rời đi. Hoặc lúc đó đang trên đường, hoặc giả sử xảy ra vào đêm hôm khuya khoắt có việc bận đột xuất, bất ngờ, chắc chắn thiệt hại là vô cùng nhiều”, chị M. nói.

Chị cũng cho biết thẻ tín dụng của chị có hạn mức chi tiêu mấy trăm triệu nên chỉ cần khoảng 15 - 20 phút thì toàn bộ số tiền trong hạn mức chi tiêu cộng với số vay nợ 450 triệu đồng sẽ bị kẻ gian lấy hết.

Theo chị M., số tiền vay 450 triệu đồng kẻ gian không thể rút ra được mà sẽ phải “đổ” vào thẻ tín dụng để rút ra. Theo lý giải của nhân viên thẻ của VPBank, giao dịch 500 nghìn đồng mỗi lần (hạn mức do ngân hàng đặt) này là kẻ gian thực hiện theo hình thức nạp thẻ.

Chia sẻ câu chuyện, chị M. cũng khuyên mọi người nên nâng cao cảnh giác. Chị M. cũng nghi ngờ thông tin cá nhân của mình bị rò rỉ bởi thẻ ngân hàng của chị luôn được cất giữ cẩn thận trong ví và chưa bao giờ đưa cho ai xem.

Hiện chị M. đang chờ ngân hàng giải quyết.

vpbank canh bao toi pham lua dao cong nghe cao chiem doat tien khach hang
Ảnh: Nguồn VPBank

Một số thủ đoạn lừa đảo nổi lên gần đây cần lưu ý

1. Lừa khách hàng tự chuyển tiền: thông báo trúng thưởng, yêu cầu hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách nạp tiền vào số điện thoại chỉ định/chuyển trước một khoản phí nhận thưởng vào tài khoản của bọn tội phạm.

2. Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật: Lập email giả mạo gửi từ các Tổ chức thẻ Quốc tế: Visa, Mastercard, Amex, JCB… với nội dung thông báo giao dịch bị từ chối, trong khi bạn không hề thực hiện giao dịch qua thẻ; hoặc email thông báo thẻ của Quý khách bị khóa và yêu cầu Quý khách cung cấp lại thông tin cá nhân, thông tin thẻ để kích hoạt/mở lại thẻ hoặc yêu cầu cung cấp bổ sung thông tin cá nhân, thông tin tài khoản thẻ vào link sẵn có.

3. Giả danh người thân, bạn bè nhờ nhận tiền từ nước ngoài chuyển về. Qua đó, yêu cầu khách hàng đăng nhập vào đường dẫn trang web được cung cấp sẵn bằng tên đăng nhập (username) và mật khẩu tài khoản internet banking của khách hàng, và sau đó nhập tiếp mã OTP được ngân hàng gửi vào số điện thoại hoặc email của khách hàng.

4. Giả danh là nhân viên VPBank yêu cầu khách hàng cung cấp số thẻ, mật khẩu và mã xác thực OTP đã được gửi vào điện thoại của Khách hàng do có khoản tiền treo cần chuyển về tài khoản.

5. Giả danh nhân viên VPBank thông báo tài khoản bị tội phạm xâm nhập và yêu cầu cung cấp số tài khoản, mật khẩu, OTP giao dịch.

VPBank khẳng định rằng, trên thực tế các ngân hàng/tổ chức tín dụng KHÔNG BAO GIỜ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân hoặc thông tin bảo mật như số tài khoản ngân hàng, số PIN thẻ ATM, mã truy cập, mã OTP và mật khẩu Internet Banking qua email hay điện thoại.

Vì vậy, nếu nhận được những yêu cầu dạng này đồng nghĩa với việc kẻ gian đang tìm cách chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tại ngân hàng.

Khách hàng cần lưu ý những gì khi giao dịch

Để tránh rủi ro, VPBank khuyến cáo rằng khách hàng tuyệt đối không được thực hiện những điều sau:

• Không cho người khác mượn, sử dụng, và quản lí thẻ ngân hàng mình đang sở hữu.

• Không nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã OTP, số tài khoản... của mình vào một trang web hoặc liên kết khác với trang web của VPBank hay ứng dụng khác VPBank Online.

• Không cung cấp các thông tin gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã OTP vì đây là thông tin riêng tư, bí mật và mã OTP chỉ sử dụng duy nhất cho mục đích xác nhận các thanh toán.

• Không nạp/chuyển tiền, cung cấp thông tin thẻ, mã OTP theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ xưng danh là nhân viên ngân hàng hoặc đối tác ngân hàng, hoặc yêu cầu truy cập vào một trang web lạ.

• Đặt mật khẩu đủ mạnh, không sử dụng những thông tin gần gũi như số điện thoại, ngày tháng năm sinh của bản thân và của người thân…

Cùng với đó, khách hàng nên ghi nhớ địa chỉ duy nhất khi đăng nhập chuyển tiền của VPBank là: https://online.vpbank.com.vn. Đồng thời, khách hàng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử/thẻ và cài đặt mật khẩu theo nguyên tắc an toàn.

Khi nhập mã PIN trên máy ATM/POS, luôn lấy tay che bàn phím đề phòng có người nhìn trộm hoặc quay lén, chú ý không lưu trữ thẻ và mã PIN cùng nơi. Lấy lại thẻ sau mỗi giao dịch tại cửa hàng. Tuyệt đối không đưa thẻ cho nhân viên thu ngân đi nơi khác.

Ngừng giao dịch và thông báo ngay cho VPBank nếu phát hiện có thiết bị lạ gắn vào khe đọc thẻ/bàn phím hoặc nhiều camera gắn tại cùng một máy ATM/POS. Đăng kí và chú ý theo dõi dịch vụ tin nhắn thông báo biến động giao dịch, sao kê sổ phụ tài khoản/ giao dịch thẻ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Nếu không may đã cung cấp hoặc để lộ thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ… của mình cho người lạ/email/cuộc gọi lạ hoặc gặp bất cứ tình huống nào nghi ngờ gian lận, hãy gọi càng sớm càng tốt cho VPBank qua đường dây nóng 1900 545 415 hoặc 024 3928 8880 để được hỗ trợ kịp thời.

Làm gì để tránh bị mất tiền trên thẻ tín dụng, tài khoản?

Để tránh bị mất tiền trên thẻ tín dụng, tài khoản thanh toán, VPBank tiếp tục khuyến nghị khách hàng rằng:

Khi có nhu cầu tất toán dư nợ thẻ, chi tiêu trên thẻ (quẹt thẻ để chi tiêu), khách hàng nên tự mình thực hiện theo các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của VPBank, không đưa thẻ tín dụng của mình cho người lạ sử dụng, kể cả đưa cho cán bộ, nhân viên ngân hàng để thực hiện các giao dịch trên thẻ tín dụng thay mặt mình.

Nếu khách hàng có nhu cầu đóng thẻ, vui lòng đến quầy giao dịch để thực hiện các thủ tục cần thiết; không đưa thẻ cho các trung gian, cán bộ, nhân viên ngân hàng sử dụng và thay mặt mình thực hiện các thủ tục đóng thẻ.

Khi có cuộc gọi đến, tuyệt đối không cung cấp CMTND/Căn cước công dân, mã OTP, mã kích hoạt Smart OTP cho bất kì ai, kể cả cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Gần đây VPBank đã phát hiện có một số trường hợp giả mạo nhân viên ngân hàng để thực hiện các cuộc gọi (chủ yếu từ đầu số 058) yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, sau đó đối tượng chiếm quyền sử dụng internetbanking và chuyển tiền/thanh toán hàng hóa, dịch vụ để chiếm đoạt tiền.

Thu Hoài