e magazine
Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

18:08 | 01/09/2023

Khoảng 20h30 ngày 15/8 (theo giờ Việt Nam), tại sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (New York, Mỹ) đã diễn ra nghi thức rung chuông, chính thức niêm yết cổ phiếu và chứng quyền VinFast với các mã giao dịch lần lượt là VFS và VFSWW.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Khoảng 20h30 ngày 15/8 (theo giờ Việt Nam), tại sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (New York, Mỹ) đã diễn ra nghi thức rung chuông, chính thức niêm yết cổ phiếu và chứng quyền VinFast với các mã giao dịch lần lượt là VFS và VFSWW.

Thời khắc lịch sử này đánh dấu một bước tiến lớn trên con đường hiện thực hoá giấc mơ toàn cầu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi trực tiếp. Thông qua việc niêm yết ở Mỹ, VinFast thể hiện vai trò tiên phong tiến ra thị trường vốn quốc tế, đồng thời chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường lớn bậc nhất thế giới.

Tại lễ niêm yết, đại diện sàn chứng khoán Nasdaq bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của VinFast đồng thời khẳng định, hãng xe điện của Việt Nam “sở hữu DNA” của “gia đình Nasdaq”.

Trước đó vào ngày 14/8, VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (“Black Spade”) đã công bố hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh đã được thông báo trước đó.

Công ty niêm yết sau sáp nhập mang tên VinFast Auto Pte. Ltd., được định giá 23 tỷ USD. Với mức định giá này, VinFast là nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Tesla và Li Auto. Đây không chỉ là mức định giá cao nhất mà một doanh nghiệp Việt Nam từng chạm đến từ trước đến nay mà còn là mức định giá cao thứ tư trong danh sách các giao dịch SPAC, theo dữ liệu từ Dealogic.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Cổ phiếu VFS bùng nổ phiên chào sàn Nasdaq

Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VFS của VinFast mở cửa ở mức 22 USD/cp. Sau đó, đã có thời điểm mã này giảm xuống mức dưới 17 USD/cp. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cổ phiếu VFS đã bật ngược trở lại vùng giá 28-29 USD/cp, nâng quy mô vốn hóa của VinFast lên mức 67 tỷ USD, gấp 3 lần so với mức định giá ban đầu, vượt qua nhiều “tên tuổi lớn” của ngành ô tô như Ford, General Motor…

Đáng chú ý, bước sang phiên chiều, giá cổ phiếu VFS tăng phi mã và đóng cửa ở mức hơn 37 USD/cp. Với mức giá này, VinFast đã vượt mốc vốn hoá 85 tỷ USD, tự điền tên vào danh sách những tập đoàn xe điện có vốn hóa lớn nhất thế giới.

Cùng với đó, nhà sáng lập VinFast – tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã “gia nhập” danh sách 30 người giàu nhất hành tinh của Bloomberg, đồng thời vươn lên vị trí thứ 4 tại châu Á, chỉ xếp sau 2 tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, Gautam Adani và người giàu nhất Trung Quốc là Chung Thiểm Thiểm - chủ tập đoàn đồ uống Nongfu Srping…

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Cổ phiếu VinFast "quay đầu" đi xuống

Sau phiên chào sàn Nasdaq bùng nổ, cổ phiếu VFS trong phiên thứ hai ở sân chơi Mỹ chuyển sang sắc đỏ, giảm gần 19%. Theo đó, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng sụt giảm khoảng 7 tỷ USD, trượt ra khỏi Top 30 người giàu nhất thế giới.

Cụ thể, mở đầu phiên giao dịch ngày 16/8, cổ phiếu VFS được giao dịch ở mức giá 26,5 USD/cp, giảm 28% so với giá đóng cửa phiên trước đó (37,06 USD/cp). Khoảng 10 phút sau đó, mã này bị nhà đầu tư dồn dập bán ra, rơi xuống ngưỡng 25 USD/cp.

Trong phiên giao dịch, áp lực mua và bán diễn ra tương đối cân bằng, khiến thị giá VFS dao động trong vùng 28-29 USD/cp.

Ngay trước khi thị trường đóng cửa, lực cầu mạnh đã khiến cổ phiếu VFS bật tăng và đóng cửa ở mức 30,11 USD/cổ phiếu, giảm gần 19% so với giá chốt phiên giao dịch đầu tiên. Tổng lượng giao dịch trong phiên giao dịch thứ hai đạt hơn 3 triệu đơn vị, giảm 50% so với mức 6,9 triệu đơn vị của phiên trước đó.

Tương ứng với đà giảm của cổ phiếu, vốn hóa của VinFast “bốc hơi” khoảng 15 tỷ, ghi nhận ở mức còn 69,5 tỷ USD. Theo đó, hãng xe điện của Việt Nam “tụt” vài bậc trong danh sách các doanh nghiệp sản xuất ô tô giá trị nhất toàn cầu, xếp dưới các ông lớn Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen chỉ sau 1 ngày đứng trên.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

VFS giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng “bốc hơi” thêm 11 tỷ USD

Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/8 (tức ngày thứ 3 trên sàn Nasdaq), cổ phiếu VFS bắt đầu giao dịch ở mức 27,86 USD/cp, giảm 7,5% so với giá đóng cửa phiên liền trước. Sau 50 phút liên tục rớt giá, một đợt thoát hàng lớn xuất hiện đã đẩy mã này xuống còn 24,69 USD/cp. Dù vậy, giá cổ phiếu VFS vẫn còn cao hơn 27 % so với giá chào sàn

Suốt gần 1 tiếng rưỡi sau đó, cổ phiếu VFS rơi vào thế giằng co, dao động trong vùng giá 26 USD/cp. Tuy nhiên, vào khoảng 11h45 theo giờ Mỹ (khoảng 20h45 giờ Việt Nam), phe bán dần áp đảo phe mua đã khiến cho VFS rơi xuống mức 23,18 USD/cp.

Trong suốt hai tiếng cuối cùng của phiên giao dịch, cổ phiếu VFS giảm dần về cuối và đóng cửa ở mức 20 USD/cp, giảm 33,58%. Theo đó, vốn hoá của VinFast ở quanh mức 46 tỷ đô, “bốc hơi” 46% so với mức vốn hoá kỷ lục 85,5 tỷ USD ghi nhận trong phiên chào sàn. Dù vậy, với con số này, giá trị của VinFast vẫn cao gấp đôi định giá ban đầu.

Việc cổ phiếu VFS giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp khiến tài sản của ông Phạm Nhật Vượng hao hụt thêm 11 tỷ USD, xuống còn 26,4 tỷ USD. Cập nhật dữ liệu thời gian thực của Forbes, ông Vượng tiếp tục “tụt hạng” trong danh sách những người giàu nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 57. Dù vậy, tỷ phú Việt Nam vẫn xếp trên nhà sáng lập Alibaba Jack Ma vài bậc.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Vốn hóa VinFast về mốc 35 tỷ USD

Bước sang phiên giao dịch ngày 18/8 (tức ngày thứ tư trên sàn Nasdaq), cổ phiếu VFS của VinFast vẫn chưa thể lấy lại sắc xanh khi tiếp tục giảm thêm 23% giá trị xuống 15,4 USD/cổ phiếu.

Dù vậy, mức giảm 23% của giá cổ phiếu này đã cải thiện đáng kể so với mức giảm 33% ghi nhận trong phiên trước đó. Một điểm tích cực khác là khối lượng giao dịch trong phiên giao dịch thứ tư đã tăng lên mức 2,97 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi phiên giao dịch thứ ba chỉ có 1,83 triệu đơn vị khớp lệnh.

Dữ liệu thời gian thực của Forbes cập nhật, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm thêm 5,3 tỷ USD. Với giá trị tài sản hiện tại ở mức 21,2 tỷ USD, nhà sáng lập VinFast giữ vị trí thứ 78 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

VinFast giành lại ngưỡng vốn hóa 40 tỷ USD

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 21/8, sự hưng phấn của giới đầu tư bất ngờ quay trở lại, lượng mua vào tăng cao với hơn 94 nghìn đơn vị khớp lệnh đã đẩy giá cổ phiếu VFS của VinFast lên mức 17,65 USD chỉ sau 2 phút nhập cuộc. Tuy nhiên, áp lực bán dồn dập sau đó đã khiến VFS rơi xuống vùng giá 16 USD/cp, đây cũng là mức thấp nhất ghi nhận trong phiên.

Rất nhanh sau đó, liên tiếp các đợt mua vào đã đưa cổ phiếu của VinFast từng bước hồi phục, vượt mức 17 USD/cp, tiến sát mức 19 USD/cp. Những phút tiếp theo, cổ phiếu VFS ở trong thế giằng co, dao động trong vùng giá từ 17,5 USD/cp đến 18 USD/cp, trước khi chứng kiến đợt giảm mạnh thứ hai trong phiên, rớt xuống ngưỡng 16,53 USD/cp.

Trước khi chốt phiên, một đợt mua vào lớn đã đưa cổ phiếu VFS trở lại đà tăng. Cộng hưởng với tín hiệu tích cực trên sàn, khi chỉ số Nasdaq Composite tăng lên mức 13.500 điểm, cổ phiếu của VinFast đóng cửa ở mức 17,58 USD/cp, tăng 14,16%. Khối lượng giao dịch trong phiên là hơn 2,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Như vậy, cổ phiếu của VinFast đã khởi đầu tuần mới một cách đầy tích cực. Cùng với đà tăng của cổ phiếu, vốn hoá của VinFast lên mức 40,4 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của nhà sáng lập, tỷ phú Phạm Nhật Vượng được cộng thêm 2,2 tỷ USD. Dữ liệu thời gian thực của Forbes cập nhật, ông Vượng đang sở hữu khối tài sản có giá trị 23,5 tỷ USD và xếp thứ 68 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Cổ phiếu “phi nước đại” hơn 108%

Tiếp đà tăng điểm từ đầu tuần, cổ phiếu VFS mở cửa phiên 22/8 ở mức 19 USD, tăng nhẹ 8%. Chưa đầy 90 phút, lượng mua vào đã lên tới hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh, đưa cổ phiếu VFS vượt qua vùng giá 30 USD/cp.

Sau ít phút giằng co, cổ phiếu VFS phi “điên cuồng”, nhanh chóng vượt qua mốc 40 USD và lập đỉnh ở mức 46,98 USD, tăng 147% so với giá mở cửa. Khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 11 triệu đơn vị. Lúc này, vốn hoá của VinFast thậm chí đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD, “soán ngôi” BYD, trở thành nhà sản xuất xe điện có vốn hóa lớn thứ hai sau Tesla.

Sau khi tăng “nóng”, VFS dần hạ nhiệt và bước vào nhịp điều chỉnh mới. Dù vậy, cổ phiếu của VinFast vẫn duy trì trong vùng 37 - 38 USD. Mức giá 37 USD từng được thiết lập trong phiên chào sàn ngày 15/8.

Những phút tiếp theo, một đợt bán ra đã xuất hiện, kéo cổ phiếu VFS xuống ngưỡng 34 USD. Tuy nhiên, trong 30 phút cuối của phiên giao dịch, mã này đã nhanh chóng phục hồi và đóng cửa ở mức 36,72 USD, tăng 108,87%. Đây là phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của VFS sau 3 phiên giảm điểm, kể từ lúc lên sàn Nasdaq. Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu cũng tăng vọt với khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới 19 triệu đơn vị, cao hơn rất nhiều so với các phiên giao dịch trước đó.

Với việc cổ phiếu VFS trở lại vùng đỉnh, vốn hoá của VinFast cũng được phục hồi, ghi nhận ở mức 84,46 tỷ USD. Theo đó, VinFast một lần nữa vượt lên trên các nhà sản xuất ô tô tên tuổi Ford, Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen, Honda, Hyundai… Trong khi đó, tài sản của nhà sáng lập, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng 86,42%, lên mức 43,7 tỷ USD. Như vậy, ông Vượng đã trở lại danh sách 30 người giàu nhất hành tinh của Forbes, xếp ở vị trí thứ 27.

Đáng chú ý, những diễn biến nói trên diễn ra sau khi bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO của VinFast lên sóng truyền thông quốc tế. Bà Thuỷ tham gia cuộc trò chuyện với nhà báo Julia Chatterly (tờ CNN) vào khoảng 9h sáng (theo giờ Mỹ), chỉ khoảng 30 phút trước giờ mở cửa giao dịch. Qua đó, nữ CEO đã tiết lộ nhiều thông tin xoay quanh chiến lược của VinFast cũng như cổ phiếu VFS hậu niêm yết…

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Cổ phiếu VFS có 3 phiên tăng giá liên tiếp

Không duy trì được đà tang từ phiên trước, cổ phiếu VFS bước vào phiên giao dịch 23/8 ở mức 30,17 USD/cp, giảm gần 18% so với giá đóng cửa phiên liền trước, đặt ra e ngại về kịch bản không mấy khả quan như các phiên giảm điểm trước đó.

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, sắc xanh đã xuất hiện trở lại. Lực mua tăng lên đã đẩy cổ phiếu VFS bật ngược lên vùng giá 35 USD rồi vọt lên mức 45 USD/cp - mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq.

Giá cổ phiếu tăng tới 22,5% ngay lập tức đã làm nảy sinh áp lực chốt lời, khiến nhà đầu tư liên tục bán ra. Kết quả sau 1 tiếng, VFS đảo chiều giảm mạnh, xuống còn 34,51 USD/cp. Chưa đầy nửa tiếng sau, cổ phiếu của VinFast hồi phục, tăng lên mức 38,27 USD.

Tưởng chừng phiên giao dịch này sẽ trở nên đầy kịch tính nhưng trong phần lớn thời gian giao dịch còn lại, trong thế giằng co giữa phe mua và bán, cổ phiếu VFS chỉ dao động trong vùng giá 35 USD.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu VFS đạt 37,03 USD/cp, nhích nhẹ 0,84% so với giá chốt phiên 22/8, xác lập phiên thứ ba tăng điểm liên tiếp. Theo đó, vốn hóa của VinFast đạt gần 86 tỷ USD, giữ vững vị trí “á quân” trong bảng xếp hạng những hãng xe điện giá trị nhất thế giới.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Vốn hóa VinFast chạm đỉnh 113 tỷ USD, vượt trên Porsche

Đi ngược với thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của VinFast bước vào phiên giao dịch 24/8 với sự bứt tốc mạnh lên tới 57,8 USD. Đây cũng là mức thị giá cao nhất mà VFS đạt được kể từ lúc chào sàn Nasdaq.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng cao đã đẩy cổ phiếu VFS thoái lui và đóng cửa phiên 24/8 ở mức 49 USD/cổ phiếu, tăng 32,33% so với mức giá đóng cửa ngày 23/8 với thanh khoản đạt 12,8 triệu đơn vị, ghi nhận đây là phiên tăng giá 4 phiên liên tiếp.

Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VinFast đã đạt 112,7 tỷ USD, chính thức vượt mốc 100 tỷ USD. Cú “đạp ga” của VinFast đã khiến Porsche (vốn hoá 100,28 tỷ USD) phải “ngửi khói”, qua đó, vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách những công ty sản xuất ô tô có vốn hóa hóa lớn nhất toàn cầu, chỉ xếp sau Tesla (740 tỷ USD), Toyota (165 tỷ USD). Bên cạnh đó, doanh nghiệp này giữ vững vị trí thứ 2 trong ngành xe điện thế giới. Cùng với đà tăng của cổ phiếu, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng được cộng thêm 8,9 tỷ USD.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

VinFast đủ sức "soán ngôi" Toyota về vốn hóa?

Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VFS tăng vọt lên mức 60 USD/cp chỉ sau đúng 2 phút giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu sụt giảm mạnh đã khiến mã này không thể giữ được vùng giá này khi tụt xuống mức 55,56 USD/cp.

Sau những phút giằng co, cổ phiếu của VinFast bước vào nhịp tăng mới mạnh mẽ hơn, lên tới 73,9 USD/cp, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Tại thời điểm này, giá trị theo thời gian thực của hãng xe điện Việt Nam thậm chí đã lên tới 170 tỷ USD, “vượt mặt” Toyota trên đường đua vốn hoá.

Bước sang phiên chiều, sức “nóng” của VFS có phần bị hao hụt, khiến thị giá hạ dần độ cao. Tuy nhiên, tính đến cuối phiên, mã này vẫn đạt 68,77 USD/cp, tương đương tăng hơn 40%, xác lập phiên thứ 5 liên tiếp tăng điểm. So với mức đóng cửa phiên đầu tuần 17,58 USD/cp, thị giá VFS đã tăng tới gần 4 lần. Theo đó, vốn hoá của VinFast cũng đạt xấp xỉ 160 tỷ USD, cao hơn giá trị của hãng xe sang “đình đám” là Mercedes-Benz và BMW cộng lại. Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh trong phiên giao dịch ngày 25/8 cũng đạt kỷ lục, ở mức hơn 15 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch ước tính lên đến 1 tỷ USD.

Sau đà bứt phá của VFS, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là doanh nhân có tài sản tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes, với 14,7 tỷ USD được cộng thêm chỉ sau một đêm. Forbes tính toán, khối tài sản của ông Vượng đã đạt hơn 55,8 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đã leo lên vị trí thứ 23 trong danh sách tỷ phú USD theo bình chọn của Forbes.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

VinFast đang đứng vững ở vị trí top 3 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất toàn cầu

Cổ phiếu của VinFast tiếp tục bùng nổ trong phiên giao dịch đầu tuần (28/8). Hai ngày nghỉ cuối tuần dường như không thể khiến sức nóng của VFS hạ nhiệt khi mã này nhảy vọt lên mức 93 USD/cp. Cũng tại vùng giá cao kỷ lục này, áp lực chốt lời đã xuất hiện, khiến cổ phiếu VFS thoái lui xuống mức 76,5 USD.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian giao dịch còn lại, cổ phiếu của VinFast đã phục hồi, giao dịch quanh mức 82 – 83 USD/cp. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu VFS đạt 82,35 USD/cổ phiếu, tăng 19,75% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước, xác lập phiên thứ 6 tăng điểm liên tiếp. Nếu so với mức giá chào sàn Nasdaq là 22 USD/cổ phiếu, mã này đã tăng tới 688%.

Với thị giá trên, vốn hoá VinFast đạt 191,23 tỷ USD. Với con số này, dù chưa thể vượt qua Toyota nhưng VinFast vẫn đang vững vàng ở vị trí top 3 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất toàn cầu. Giá trị của hãng xe điện của Việt Nam cao hơn gấp 2 lần giá trị của hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD.

Sau đà tăng “phi mã” của cổ phiếu VFS, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tăng vùn vụt. Theo cập nhật của Forbes, tài sản của nhà sáng lập VinFast vừa có thêm 10,2 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 18,29%. Với tổng tài sản ghi nhận ở mức 66 tỷ USD, ông Vượng đã leo lên vị trí thứ 16 trong danh sách người giàu nhất thế giới của Forbes. Còn ở phạm vi châu lục, Chủ tịch Vingroup đang giữ vị trí á quân, chỉ xếp sau tỷ phú Mukesh Ambani (94,7 tỷ USD).

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tụt 14 bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh

Sau chuỗi 6 phiên bứt tốc, cổ phiếu VFS bước vào phiên giao dịch 29/8 với áp lực chốt lời rất lớn. Điều đó được thể hiện khá rõ trong phiên phiên giao dịch trước giờ mở cửa (Pre-market) khi mã này “quay đầu” giảm 12% từ mức đỉnh mới thiết lập, xuống còn 72,6 USD/cp.

Chỉ trong 10 phút đầu tiên, cổ phiếu VFS đã giảm đến hơn 20%, xuống dưới mức 66 USD/cp. Sau đó, mặc dù đã có bước phục hồi nhẹ nhưng mã này chỉ lên được ngưỡng 70 USD/cp, không đủ để khiến bảng điện đổi màu sang xanh.

Thế giằng co kéo dài khoảng 30 phút nhưng cổ phiếu của VinFast vẫn không thể bứt phá. Kết quả là, từ đó đến cuối phiên, mã này liên tục trượt dốc, rơi xuống các mức 60, 55 rồi 50.

Chốt phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức 46.25 USD/cp - mức giá gần như thấp nhất ghi nhận trong phiên giao dịch. Với việc “trượt dốc” 43,84% so với phiên giao dịch liền trước, VFS là mã giảm mạnh nhất sàn Nasdaq.

Theo đó, vốn hoá của VinFast cũng “bốc hơi” 83,83 tỷ USD, xuống còn 107,4 tỷ USD. Dù đã tụt lại khá xa so với Toyota nhưng VinFast vẫn giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thị trường. Tuy nhiên, hãng xe điện Việt Nam đang chịu sự đe doạ rất lớn từ Porsche, khi vốn hoá của hãng siêu xe này đã tăng lên mức 101,43 tỷ USD.

Cùng với diễn biến của cổ phiếu VFS, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm 27 tỷ USD, xuống còn 38 tỷ USD. Không có gì ngạc nhiên khi nhà sáng lập VinFast cũng là người có khối tài sản giảm nhiều nhất thế giới đêm qua, theo cập nhật của Forbes. Ông Vượng tụt 14 bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh và trở về với vị trí người giàu thứ 4 châu Á, sau khi vừa vươn lên vị trí thứ 2 vào ngày hôm qua.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Vốn hóa VinFast mất mốc 100 tỷ USD

Sau khi lao dốc tới 44% giá trị vào phiên trước, trước giờ mở cửa phiên 30/8, cổ phiếu VFS bắt đầu có sự phục hồi trở lại khi tăng 8% để tiếp cận vùng giá 50 USD/cp. Nhờ cú “chạy đà” này, bước sang phiên giao dịch chính thức, cổ phiếu VFS mở cửa ở mức 53,4 USD/cp, tăng hơn 15% so với mức giá đóng cửa của ngày 29/8. Lực mua cũng khá mạnh với khối lượng giao dịch đạt 1,12 triệu đơn vị.

Chỉ sau vài phút, cổ phiếu của VinFast đã tăng hơn 22%, lên mức 56 USD/cp. Theo đó, vốn hoá của hãng xe điện Việt chinh phục lại cột mốc 129 tỷ USD. Tuy nhiên, áp lực bán nhanh chóng xuất hiện đã đẩy giá cổ phiếu tụt dốc. Trong gần như toàn bộ thời gian giao dịch phiên sáng, cổ phiếu VFS hầu như chỉ giảm. Mặc dù mã này đã có những nỗ lực tăng giá nhất định nhưng chúng khá yếu ớt và không đủ để tạo ra sự bứt phá.

Sang phiên chiều, áp lực bán càng lúc càng gia tăng, khiến thị giá cổ phiếu VFS lao dốc, có thời điểm rớt xuống dưới ngưỡng 40 USD/cp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, mã này tiếp tục giảm 10,77% xuống mốc 41,27 USD/cp, thanh khoản đạt 10,5 triệu đơn vị. Sau hai ngày liên tiếp giảm điểm, cổ phiếu của VinFast đã mất gần 50% giá trị.

Với thị giá hiện tại, vốn hoá thị trường của VinFast chỉ còn 95,83 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị của Toyota – “đối thủ” mà hãng xe điện Việt từng bám đuổi vô cùng sít sao trước đó. Đến thời điểm này, VinFast đã tụt 2 bậc trên bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất thế giới, xuống vị trí thứ 5, xếp sau Porsche và BYD.

Đáng chú ý, trên bảng xếp hạng tỷ phú cập nhật theo thời gian thực của Forbes ngày 30/8 (giờ Mỹ), giá trị tài sản của nhà sáng lập VinFast là tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng được điều chỉnh giảm mạnh, xuống còn 6,7 tỷ USD. Theo đó, ông Vượng chỉ đứng thứ 396, tụt hàng trăm bậc trên bảng xếp hạng của Forbes.

Vốn hóa VinFast (VFS) còn bao nhiêu sau hơn 2 tuần “ngao du trên đất Mỹ”?

Đà “trượt dốc” chưa dừng lại, vốn hóa VinFast chỉ còn 80 tỷ USD

Mở đầu phiên giao dịch ngày 31/8 trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS được giao dịch tại mức giá 44,3 USD/cp, tăng nhẹ so với giá đóng cửa phiên trước. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, áp lực bán tăng mạnh khiến giá VFS liên tục giảm, có lúc chỉ còn 33,64 USD/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu VFS về 34,71 USD/cổ phiếu, giảm gần 16% so với phiên giao dịch trước.

Với mức giá trên, vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast giảm còn 80 tỷ USD, giảm hơn 50% so với mức đỉnh 2 ngày trước. Vốn hóa hãng xe này tụt xuống vị trí thứ 5 trong các công ty sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Ngược với sự sụt giảm liên tiếp của giá cổ phiếu VinFast, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq Composite vẫn duy trì đà tăng, lên mức 14.034 điểm, tăng 15 điểm so với phiên trước.

Trong khi đó, trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm xuống vị trí thứ 446, tài sản còn 6 tỷ USD.