VNZ: Tiếp tục duy trì chuỗi kinh doanh thua lỗ với hơn 90 tỷ đồng trong quý 1

Trong quý I/2023, doanh thu thuần của VNZ tăng 185.8 tỷ đồng, lên mức 1,852.4 tỷ đồng và tương ứng tăng trưởng 11.1% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán của VNZ chỉ tăng nhẹ 63.3 tỷ đồng, lên mức 1,005.3 tỷ đồng. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của VNZ ghi nhận đạt mức 847.1 tỷ đồng, tương ứng tăng 16.9% so với cùng kỳ. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của VNZ đạt mức tương đối cao đến 45.7%, tăng hơn 2 điểm phần trăm so với quý I/2022.

Tuy nhiên, hoạt động tài chính của VNZ giảm 57.2% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 18.1 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền lãi đã giảm 29.6 tỷ đồng, xuống chỉ còn 4.5 tỷ đồng trong quý I/2023. Chi phí tài chính lại có tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 7.9 tỷ đồng khi chi phí lãi vay đã phát sinh 4.7 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty liên kết cũng ghi nhận lỗ đến 27.4 tỷ đồng, nhiều hơn 19.8 tỷ đồng so với khoản lỗ 7.6 tỷ đồng trong quý I/2022.

Chi phí bán hàng của VNZ được cắt giảm nhẹ so với cùng quý 1 năm trước, xuống mức 543.5 tỷ đồng và chiếm đến 29.3% so với doanh thu thuần. Bên cạnh đó, các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp của VNZ đã tăng vọt đến 23.8% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 337.4 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu của VNZ ghi nhận tăng nhưng các khoản chi phí đã tăng 1 cách chóng mặt và chiếm đến 47.5% so với doanh thu thuần chỉ tính riêng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Việc để các khoản chi phí duy trì một mức rất cao như vậy đã khiến cho hoạt động kinh doanh của VNZ ghi nhận khoản lỗ thuần lên đến 51.1 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNZ đã ghi nhận lỗ liên tục từ quý I/2022. Đỉnh điểm là quý IV/2022 đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục lên đến 292.7 tỷ đồng.

Kết quả, VNZ ghi nhận lỗ trước thuế và lỗ sau thuế lần lượt ở mức 43 tỷ đồng và 90 tỷ đồng.

Theo đó, với các khoản lỗ liên tục từ đầu năm 2022, cơ cấu tài sản của VNZ đã thay đổi tương đối mạnh. Trong đó, nợ phải trả đã tăng 66.9% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 3,953.6 tỷ đồng và chiếm đến 44% trong tổng nguồn vốn. Trước đó, nợ phải trả chỉ chiếm 27.6% tổng nguồn vốn vào quý I/2022. Công ty đang tăng thêm vay nợ nhiều để bù đắp dòng tiền bị thâm hụt lớn từ hoạt động kinh doanh của mình. Theo đó, vốn chủ sở hữu đã giảm 1,191.5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 5,021.9 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý I/2023.

Trước đó, vào thời điếm kết thúc quý I/2023, VNZ đã đệ đơn xin tạm hoãn công bố thông tin Báo cáo Tài Chính năm 2022 được kiểm toán lên Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với lý do công ty đang thực hiện song song BCTC theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực quốc tế. Trong khi đó, VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. VNG hiện đang có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó có 18 công ty, quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài với các quy định kế toán và pháp lý khác nhau.

Anh Anh