VNG niêm yết trên UPCoM: Doanh nghiệp "kỳ lân" liệu có sinh ra một "cổ phiếu kỳ lân"?

Cập nhật: 08:20 | 30/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Bỏ ngỏ “giấc mơ Mỹ”, Công ty CP VNG chuẩn bị niêm yết trên sàn UPCoM với mức giá bỏ xa nhiều bluechips hàng đầu nhưng kết quả kinh doanh lại không có gì nổi bật, cổ phiếu VNZ dự kiến sẽ là một chủ đề “đáng bàn” của giới đầu tư tài chính trong thời gian tới.

Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP VNG đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023, trong đó 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng (tương đương gần 350 triệu USD).

Với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, cổ phiếu VNZ của VNG sẽ trở thành một trong những cổ phiếu có giá lên sàn cao nhất từ trước tới nay, chỉ sau YEG của Yeah 1 (250.000 đồng/cp), bỏ xa những cổ phiếu bluechips hàng đầu của chứng khoán Việt Nam như SAB của bia Sài Gòn, VNM của Vinamilk, VIC của Tập đoàn Vingroup…

Kinh doanh thua lỗ

Được biết đến là một “kỳ lân” trong ngành công nghệ nhưng ngay trước thềm niêm yết, VNG đã ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế trong 9 tháng năm 2022 lên gần 800 tỷ đồng.

Trước đó, VNG đặt mục tiêu doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng trong năm nay. Sau 9 tháng, “kỳ lân” này mới chỉ đạt 56,6% kế hoạch doanh thu nhưng đã gần tiệm cận mục tiêu lỗ sau thuế.

Trong 9 tháng năm 2022, kỳ lân VNG ghi nhận cho mình khoản lỗ lũy kế lên tới 764 tỷ đồng
Trong 9 tháng năm 2022, kỳ lân VNG ghi nhận cho mình khoản lỗ lũy kế lên tới 764 tỷ đồng

Nguyên nhân của kết quả kinh doanh thua lỗ là do VNG phải “gánh” khoản lỗ tại các công ty con, công ty liên kết. Tính đến ngày 30/9, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG lên tới hơn 603 tỷ đồng.

Trong đó, khoản lỗ lớn nhất phải kể đến lỗ của cổ đông không kiểm soát khi âm đến 345 tỷ đồng trong 9 tháng. Không loại trừ khả năng phần lỗ này đến từ khoản đầu tư vào Công ty CP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay.

Tính tới cuối quý III/2022, VNG ghi nhận đầu tư vào Zion hơn 2.561,5 tỷ đồng, tăng 680,4 tỷ đồng so với cuối năm 2021. VNG đang nắm giữ 65,48% cổ phần của Zion.

Ngoài ZaloPay, báo cáo tài chính quý III/2022 còn tiết lộ thêm các khoản lỗ trong công ty liên kết khác như khoản lỗ lũy kế 46 tỷ đồng tại Telio (thương mại điện tử), lỗ 21 tỷ đồng tại Funding Asia (quỹ đầu tư) và lỗ 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)... Riêng Tiki Global - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki, VNG đã lỗ toàn bộ hơn 510 tỷ đồng đầu tư từ giữa năm 2019 đến nay. Hiện, VNG chỉ còn sở hữu 14,64% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Được biết, trước khi niêm yết trên sàn UPCoM, hơn 12 năm trước, hồi giữa năm 2010, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG lần đầu tiên tràn đầy niềm tin chia sẻ với Forbes giấc mơ đưa cổ phiếu của VNG xuất hiện trên những sàn giao dịch chứng khoán quốc tế như Nasdaq hay Hồng Kông “trong một vài năm tới”.

Bảy năm sau, tháng 5/2017, VNG ký bản ghi nhớ về dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq tại New York (Mỹ). Năm 2021, VNG tính toán niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). VNG đã làm việc với các cố vấn tà chính để tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các SPAC cho một thỏa thuận trong tương lai.

Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ, kế hoạch này vẫn “nằm trên giấy”…

“Bom tấn” hay “bom xịt”?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc niêm yết trên sàn UPCoM có thể chỉ là bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng, nhằm ch tới “giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên, đó là câu chuyện nội bộ, chiến lược của doanh nghiệp, sẽ được chứng thực trong tương lai.

Quay trở lại với câu chuyện của hiện tại, với mức giá chào sàn lên tới 240.000 đồng/cp, nhiều nhà đầu tư đã không khỏi “hoảng hốt” bởi dù được biết đến là một kỳ lân về công nghệ nhưng kết quả kinh doanh của VNG trong nhiều năm qua không có gì nổi bật, thậm chí vừa thua lỗ 4 quý liên tiếp.

Theo một chuyên gia phân tích cổ phiếu, so với lợi nhuận đạt được thì giá cổ phiếu VNZ đang ở mức quá “khủng”. Thế nhưng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm năng trong tương lai (nhất là với nhóm doanh nghiệp công nghệ) thì dù lợi nhuận lúc mới hoạt động không nhiều nhưng nhà đầu tư vẫn sẵn sàng trả giá cao. Facebook là một ví dụ điển hình trong nhóm công nghệ.

Những cổ phiếu chào sàn với mức giá cao luôn bị nghi ngờ nhưng vẫn tăng mạnh
Những cổ phiếu chào sàn với mức giá cao luôn bị nghi ngờ nhưng vẫn tăng mạnh

Thực tế, có rất nhiều phương pháp dùng để định giá cổ phiếu như dựa trên các chỉ số P/E, P/B của doanh nghiệp so sánh mức trung bình ngành, hay mô hình chiết khấu dòng tiền, chiết khấu dòng cổ tức, kỳ vọng vào tương lai…nhưng không thiếu trường hợp doanh nghiệp lên sàn với những hào sảng trong phát ngôn của lãnh đạo, hỗ trợ cho giá cổ phiếu bật lên mức “đại gia”. Tuy nhiên, chẳng lâu sau đó, giá giảm đã trở thành xu hướng chủ đạo.

Nếu là một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán chắc hẳn không ai là không biết đến câu chuyện cổ phiếu YEG của Công ty CP Yeah 1. Đây là một mã cổ phiếu đã từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường chứng khoán theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Cũng chào sàn với một mức giá “hoảng hồn” 250.000 đồng/cp và nhanh chóng đạt mức 300.000 đồng/cp chỉ sau ít phiên giao dịch, nhưng cũng rất nhanh chóng liên tục “dò đáy”. Diễn biến tiêu cực tại YEG được cho là xuất phát từ những giao dịch lòng vòng của các cổ đông lớn, trong đó có nguyên Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống ngay trước thềm niêm yết được “phát lộ”, cùng với đó là “sự cố” Youtube ngừng hợp tác.

Hiện tại, sau nhiều thăng trầm, gồng gánh, Yeah1 đã “đổi chủ” với nhiều quyết tâm và khí thế mới. Tuy nhiên, cổ phiếu YEG khó có thể quay trở lại thời kỳ hoàng kim với mức giá quanh ngưỡng 9.000 đồng/cp như hiện tại.

Nhìn chung, tình trạng tăng nhanh rồi giảm chóng mặt của những cổ phiếu trong giai đoạn đầu chào sàn là không hiếm trên thị trường chứng khoán. Điều này dấy lên một nghi vấn về chất lượng xác định giá tham chiếu và có hay không các chiêu trò để một bộ phận cổ đông nội bộ “thoát hàng” với giá cao?

“Với những cổ phiếu được định giá cao, dù thị trường có nhiều nghi ngờ nhưng giá vẫn cứ tăng lên, dòng tiền cứ chảy, “dẫn dụ” nhiều nhà đầu tư lướt sóng “lên tàu”. Kết cục là khi lưới đã đủ mẻ, chủ cuộc chơi sẽ tìm cơ hội “thoát hàng”, đẩy rủi ro cho người ở lại”, vị chuyên gia trên nhận định.

Trong diễn biến mới nhất, VNG đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022. Theo đó, HĐQT VNG trình Đại hội đồng cổ đông xem xét và thông qua phương án bán tối đa hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ VNG đang nắm giữ (chiếm 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành) và phê duyệt không phải chào mua công khai với nhà đầu tư dự kiến được mua cổ phiếu quỹ.

VNG dự kiến bán số cổ phiếu quỹ này cho Công ty CP Công nghệ BigV với giá bình quân 177.881 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 1.264 tỷ đồng. Được biết, BigV mới trở thành cổ đông lớn của VNG vào ngày 24/11, cũng là ngày mà VNG Limited, pháp nhân có trụ sở tại Cayman mua vào toàn bộ số cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài để sở hữu 49% vốn điều lệ của VNG.

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, VNG đã công bố nội dung về chuyển nhượng cổ phần của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, VNG Limited dự kiến nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Thương vụ phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.

Tuệ Minh