VNDirect: Hơn 142.000 tỷ đồng TPDN được mua lại trước hạn trong 9 tháng, nhưng áp lực đáo hạn còn rất lớn

Cập nhật: 11:25 | 12/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Nhóm phân tích VNDirect nhận định, mặc dù 9 tháng đầu năm, có nhiều doanh nghiệp thực hiện mua lại TPDN trước hạn, ước tính khoảng 142.200 tỷ đồng, song thực tế áp lực đáo hạn vẫn còn rất lớn, gia tăng từ quý IV/2022.

VNDirect: Hơn 142.000 tỷ đồng TPDN được mua lại trước hạn trong 9 tháng, nhưng áp lực đáo hạn còn rất lớn
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN giảm mạnh 44% so với cùng ky xuống còn 248.603 tỷ đồng, trong đó là 240.804 tỷ đồng phát hành riêng lẻ, giảm 42%.

Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, trong quý III vừa qua, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm mạnh 51% so với quý trước và giảm tới 71% so với cùng kỳ.

Dẫn đầu vẫn là nhóm tài chính - ngân hàng, khi đóng góp tỷ trọng lớn nhất, lên đến 82,5% tổng giá trị phát hành TPDN, tương đương 48.683 tỷ đồng. Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai, với tỷ lệ 13,7%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN giảm mạnh 44% so với cùng kỳ xuống còn 248.603 tỷ đồng; trong đó là 240.804 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 42%) và 7.799 tỷ đồng phát hành ra công chúng (giảm 67%).

Nhóm phân tích của VNDirect nhận định, ngay từ thời điểm tháng 3, thị trường TPDN đã dần chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

Tổng kết 3 quý đầu năm, top 5 doanh nghiệp phát hành TPDN nhiều nhất gồm có 3 ngân hàng và 2 tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV với 19.872 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup và các công ty con với 16.569 tỷ đồng; Tập đoàn Địa ốc Nova và các công ty con với 15.157 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB với 12.300 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB với 10.450 tỷ đồng.

Theo quan sát của VNDirect, áp lực TPDN đáo hạn sẽ gia tăng từ quý IV/2022, khi tổng giá trị phát hành riêng lẻ đáo hạn đạt mức 58.840 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù gần đây, nhiều doanh nghiệp có động thái mua lại TPDN trước hạn, ước tính khoảng 142.200 tỷ đồng, song thực tế áp lực đáo hạn vẫn còn rất lớn.

Bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 34% tổng giá trị đáo hạn TPDN riêng lẻ trong quý, tương đương hơn 20.070 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.

Những cái tên có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý IV, bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Sunshine (tính cả các công ty con) với 3.000 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va với 3.000 tỷ đồng và Công ty CP Bách Hưng Vương với 2.980 tỷ đồng.

Tài chính – ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 33% tổng giá trị đáo hạn, tương đương 19.365 tỷ đồng, tăng 130%. Có thể kể tới như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (4.500 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB (3.000 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (1.950 tỷ đồng).

Ngoài ra, các ngành khác chiếm 33% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý IV, đạt 19.404 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ, tiêu biểu như Công ty CP TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast (9.010 tỷ đồng), Công ty CP Wealth Power (2.880 tỷ đồng) và Công ty CP Tập đoàn Sovico (2.100 tỷ đồng).

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Tân Mai