Nhịp đập thị trường

VN-Index rung lắc quanh mốc 1.500 điểm, dòng tiền vẫn giữ nhịp thị trường

Nhật Linh 21/07/2025 11:49

Thị trường chứng khoán sáng 21/7 ghi nhận dòng tiền FOMO giúp VN-Index nhiều lần vượt mốc 1.500 điểm, dù áp lực bán quanh vùng kháng cự khiến chỉ số rung lắc mạnh.

Mở đầu tuần mới với tâm lý tích cực, thị trường tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ, giúp VN-Index nhiều lần chạm mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tại vùng kháng cự mạnh khiến chỉ số rung lắc đáng kể.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 21/7 diễn biến sôi động khi dòng tiền đổ vào mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngay khi mở cửa, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.500 điểm trong tâm lý hưng phấn và hiệu ứng FOMO (lo sợ bỏ lỡ cơ hội) lan tỏa khắp bảng điện tử.

Phiên sáng 21 7
VN-Index nhiều lần chạm mốc 1.500 điểm tuy nhiên áp lực chốt lời tại vùng kháng cự khiến chỉ số rung lắc đáng kể

Tuy nhiên, mốc 1.500 điểm vẫn là vùng kháng cự mạnh về mặt kỹ thuật. Chỉ trong hơn một giờ giao dịch, VN-Index đã hai lần vượt mốc này rồi nhanh chóng thoái lui về sát tham chiếu. Mặc dù vậy, lực cầu hấp thụ vẫn khá tốt, đặc biệt từ nhóm bluechips như VIC, HPG và HVN, giúp chỉ số dần lấy lại đà tăng và vững vàng trên mốc 1.495 điểm vào cuối phiên sáng.

Tính đến 10h30, sắc xanh chiếm ưu thế với độ rộng thị trường nghiêng về bên mua. VN-Index tăng hơn 6 điểm, thanh khoản đạt mức cao, cho thấy dòng tiền vẫn chủ động bắt đáy và hỗ trợ thị trường tại vùng rung lắc. Sự phân hóa đang diễn ra rõ nét giữa các nhóm ngành khi nhà đầu tư có xu hướng luân chuyển dòng tiền để chốt lời và tìm kiếm cơ hội mới.

Bluechips nâng đỡ thị trường, nhóm chứng khoán chịu áp lực chốt lời

Trong rổ VN30, đa số cổ phiếu duy trì sắc xanh với biên độ từ 0,5–2%. Nổi bật nhất là VIC, mã này tăng tích cực và đóng vai trò dẫn dắt thị trường bên cạnh HPG và HVN – hai cổ phiếu đang thu hút dòng tiền mạnh trong bối cảnh giá thép và hoạt động hàng không có dấu hiệu tích cực trở lại.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh sau nhịp tăng nóng trong thời gian qua. Các mã lớn như SSI, VND, VCI, FTS, BSI, AGR đều giảm điểm, phần lớn do áp lực chốt lời tại vùng giá cao. Đây cũng là nhóm có dư nợ margin tăng mạnh gần đây, khiến biên độ điều chỉnh có thể sâu hơn so với mặt bằng chung nếu dòng tiền không duy trì đủ mạnh.

Cổ phiếu ngân hàng và thép tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt trong xu hướng tăng. Nhóm ngân hàng ghi nhận sự phục hồi tại nhiều mã như TCB, MBB, VIB và STB. Trong khi đó, cổ phiếu ngành thép – điển hình là HPG, NKG – cũng tăng tốt nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II và đà phục hồi nhu cầu nội địa.

Khối ngoại đảo chiều, tâm lý nhà đầu tư thận trọng tại vùng kháng cự

Tuần giao dịch vừa qua (14–18/7) ghi nhận sự chững lại về đà mua ròng của khối ngoại, thậm chí bán ròng nhẹ trong hai phiên cuối tuần sau khi mua ròng ròng hơn 13.000 tỷ đồng từ đầu tháng. Mặc dù mức bán không đáng kể, nhưng hành động chốt lời tại vùng kháng cự tâm lý cũng tạo áp lực lên tâm lý nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhóm giao dịch ngắn hạn.

Theo ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích CTCK VPS, thị trường có thể trải qua các phiên tăng giảm đan xen trong tuần này, do chỉ số đang trong vùng tích lũy và thử thách lại đỉnh cũ 1.480–1.530 điểm. Mặc dù vậy, xu hướng trung hạn vẫn tích cực khi dòng tiền nội vẫn đang vận động luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Chiến lược giao dịch: Ưu tiên cổ phiếu có nền tích lũy tốt

Trong bối cảnh thị trường đang kiểm tra lại vùng đỉnh cũ với biến động lớn, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn cần quan sát kỹ vùng kháng cự quanh mốc 1.500 điểm. Với những cổ phiếu đã tăng nóng, áp lực chốt lời có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Do đó, việc hạ tỷ trọng hoặc chốt lời từng phần là cần thiết để bảo toàn thành quả.

Ngược lại, nhà đầu tư trung – dài hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, có nền tích lũy tốt và triển vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực, đặc biệt ở các nhóm ngân hàng, thép và tiêu dùng.

      Nổi bật
          Mới nhất
          VN-Index rung lắc quanh mốc 1.500 điểm, dòng tiền vẫn giữ nhịp thị trường
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO