VN-Index lùi sát ngưỡng 1.300 điểm, chuyên gia cảnh báo mô hình hai đỉnh
Chốt phiên cuối tháng 3, VN-Index giảm 10,6 điểm còn 1.306,86 điểm. Chuyên gia VPBankS cảnh báo mô hình hai đỉnh có thể hình thành, nhưng vẫn lạc quan nhờ kết quả kinh doanh quý I, mùa ĐHCĐ và yếu tố vĩ mô tích cực như xuất siêu, giải ngân công.
Chốt phiên giao dịch cuối tháng 3 (ngày 31/3/2025), chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận nhịp điều chỉnh mạnh khi áp lực bán lan rộng và thanh khoản gia tăng. VN-Index giảm 10,60 điểm, tương đương 0,8%, lùi về mức 1.306,86 điểm – tiệm cận vùng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Chỉ số VN30 cũng mất 10,05 điểm (-0,73%) còn 1.363,88 điểm.

Thị trường chứng kiến sự sụt giảm đồng loạt của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đi kèm khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng mạnh 18,3%, cho thấy áp lực bán đang gia tăng rõ nét. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bi quan, thể hiện qua giá trị bán ròng mạnh tay của khối ngoại lên tới 1.280,9 tỷ đồng.
Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) – nhận định, VN-Index đang có dấu hiệu hoàn thiện mô hình kỹ thuật hai đỉnh.
Cụ thể, đỉnh đầu tiên được hình thành quanh mốc 1.342 điểm và đỉnh thứ hai xuất hiện 12 phiên sau đó tại vùng 1.338 điểm, với khối lượng giao dịch giảm – một đặc điểm điển hình của mô hình hai đỉnh. Tuy nhiên, ông Dương lưu ý nhà đầu tư không nên vội kết luận về xu hướng giảm dài hạn chỉ dựa trên mô hình này, mà cần xét đến các yếu tố hỗ trợ và phản ứng của dòng tiền tại các vùng hỗ trợ quan trọng.
Theo phân tích kỹ thuật, trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index phá vỡ vùng hỗ trợ quanh mốc 1.293 điểm – tương ứng mức Fibonacci 0,382 – thì xu hướng giảm có thể mở rộng, đặc biệt nếu xuất hiện phiên bán tháo mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ giằng co quanh vùng hiện tại, chờ đợi thêm thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý I và mùa đại hội cổ đông sắp tới.
Ông Dương cho rằng giai đoạn hiện tại là thời điểm quan trọng để nhà đầu tư định hình triển vọng năm 2025, thông qua các báo cáo kết quả kinh doanh quý I, cũng như kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp công bố tại Đại hội cổ đông thường niên.
Thông tin từ các kỳ đại hội sẽ phản ánh kỳ vọng của ban lãnh đạo về triển vọng ngành, hướng đi chiến lược và kế hoạch đầu tư – yếu tố then chốt để định giá lại cổ phiếu sau nhịp điều chỉnh vừa qua. Dòng tiền có thể tái định hướng vào các cổ phiếu đầu ngành, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm nay.
Về yếu tố vĩ mô, chuyên gia của VPBankS đánh giá tích cực với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì đà phục hồi ổn định, đóng góp tích cực vào GDP. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng đầu năm 2025 là nhanh nhất trong vòng 5 năm, tạo thêm động lực cho thị trường.
Thêm vào đó, cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng, bất chấp lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu trong bối cảnh rủi ro từ một “cuộc chiến thuế quan mới” đang hình thành.
Ông Dương nhấn mạnh, điều quan trọng không chỉ là xuất siêu, mà là tổng kim ngạch thương mại đang tăng, từ đó thúc đẩy nhiều ngành như hạ tầng, logistics, đầu tư và sản xuất. Đồng thời, CPI tiếp tục ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước và tín dụng đã tăng trưởng dương – cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nền tảng ổn định.