VN-Index kỳ vọng sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2022

Cập nhật: 15:02 | 06/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong báo cáo mới cập nhật, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, VN-Index đang duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác. Vậy triển vọng nửa cuối năm 2022 sẽ ra sao?

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo Mirae Asset, ngoài các vấn đề và rủi ro toàn cầu đang đối mặt, các cuộc điều tra vi phạm thao túng thị trường chứng khoán trong nước và Chính phủ bắt đầu siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp giúp lành mạnh hóa thị trường (bắt đầu từ từ tháng 4) đã khiến các nhà đầu tư bán tháo do tâm lý e ngại bất ổn trong ngắn hạn. Sau nhiều tháng giảm sâu liên tiếp, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sút, phản ánh tâm lý e dè của nhà đầu tư. Kết quả là, chỉ số VN-Index đã giảm 24,5% từ mức đỉnh 1.530 điểm vào đầu tháng 4 xuống mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm, trước khi đóng cửa tháng 6 ở mức 1.197,6 điểm (giảm 20% kể từ đầu năm).

Kết quả thống kê của Mirae Asset cho thấy suất sinh lời của VN-Index có mối tương quan với tăng trưởng EPS (ngoại trừ các năm 2016, 2019 và 2020). Trong khi đó, tăng trưởng EPS năm 2022 được Mirae Asset dự báo khoảng 17,5% YoY (phù hợp với mức đồng thuận của thị trường hiện tại là 18%) trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau COVID-19, VN-Index lại giảm 20% trong nửa đầu năm. Điều này có nghĩa là, định giá của VN-Index đã chiết khấu đáng kể các rủi ro liên quan đến stagflation toàn cầu, với P/E giảm từ mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn (SD) xuống mức trung bình 10 năm trừ 1SD. Trên cơ sở này, Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dữ liệu Bloomberg
Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dữ liệu Bloomberg

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh với giá trị giao dịch hàng ngày đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Kể từ tháng 11/2021, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đã liên tục giảm từ mốc hơn 30 nghìn tỷ/ngày xuống còn khoảng 13 nghìn tỷ đồng vào tháng 6/2022.

Các cá nhân trong nước (chiếm 86% tổng giá trị giao dịch), từng được xem là động lực thúc đẩy thanh khoản thị trường bứt phá và mua ròng xuyên suốt trên thị trường trong năm 2021, đã bán mạnh trong quý 2/2022 với giá trị bán ròng gần 6,5 nghìn tỷ đồng (so với mức mua ròng trong quý 1/2022 là hơn 12,5 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là 88,8 nghìn tỷ đồng).

Trái với sự bi quan của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại (~ 8% tổng giá trị giao dịch) quay trở lại mua ròng trong quý 2/2022 với giá trị 9,3 nghìn tỷ đồng, sau khi đã bán ròng khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022 và 58,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá hấp dẫn

Tại khu vực châu Á, khối ngoại tiếp tục bán ròng ở Đài Loan (34 tỷ USD), Ấn Độ (28,6 tỷ USD), Hàn Quốc (16 tỷ USD) và Philippines (775 triệu USD) trong nửa đầu năm; trong khi đó, dòng vốn ngoại đã mua ròng trở lại ở các thị trường Indonesia (4,3 tỷ USD), Thái Lan (3,4 tỷ USD), và Malaysia (1,8 tỷ USD).

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng trong 3 tháng gần đây, với giá trị mua ròng tháng 4 đạt 153 triệu USD trong tháng 4, tháng 5 là 39 triệu USD, và tháng 6 là 82 triệu USD; tính chung cả quý 2 là 274 triệu USD. Về thống kê dòng vốn ETF, các ETF cũng đã vào trong 3 tháng qua với giá trị lần lượt là 45 triệu USD, 214 triệu USD, và 73 triệu USD trong tháng 4, 5, 6. Kể từ đầu năm, các ETF đã vào ròng tổng cộng 340 triệu USD, chủ yếu đến từ Fubon FTSE Vietnam ETF (220 triệu USD) và DCVFMVN Diamond ETF (244 triệu USD).

Trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương đối cao và P/E tương đối thấp.

Hơn nữa, nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như các sáng kiến để đáp ứng các tiêu chí của thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường lên mới nổi.

Dù vậy, Việt Nam đã bỏ lỡ qua kỳ đánh giá tháng 6 của MSCI, với 9 tiêu chí sau đây cần phải cải thiện: giới hạn sở hữu nước ngoài; room ngoại còn lại; quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; đăng ký đầu tư và mở tài khoản; các quy định về thị trường; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng.

Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dữ liệu Bloomberg
Nguồn: Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dữ liệu Bloomberg

VN-Index kỳ vọng lấy lại mốc 1.530 điểm trong nửa cuối năm 2022

Sau một năm lợi nhuận tăng trưởng mạnh như năm 2021, Mirae Asset kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm tốc do một phần so sánh với mức nền cao của năm 2021. Gánh nặng lạm phát toàn cầu cũng sẽ tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cũng như chi phí vận tải gia tăng. Trước rủi ro lạm phát và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng nhanh lãi suất sẽ tạo áp lực tăng lãi suất trong nước.

Trên cơ sở trên, Mirae Asset dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5%, thấp hơn so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 18%. Dự phóng dựa trên kế hoạch tăng trưởng năm 2022 của các doanh nghiệp, với tổng lợi nhuận trước thuế của 320/402 doanh nghiệp (~92% tổng vốn hóa thị trường) dự kiến tăng 15,8% so với thực hiện năm 2021.

Tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 – 15,1x, VN-Index có thể quay lại vùng 1300 – 1530 điểm trong nửa cuối năm.

Kịch bản xấu, VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm (tại mức P/E trung bình 10 năm trừ 2SD là 10,5 lần).

Kịch bản cơ sở, VN-Index đã tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và sẽ tiếp tục tăng lại mốc 1.300 điểm (tương đương mức P/E trung bình 10 năm trừ 2SD là 12,8 lần).

Kịch bản tích cực, VN-Index sẽ lấy lại mốc 1.530 điểm, tương đương P/E trở về mức trung bình dài hạn.

Tuy nhiên, Mirae Asset cũng nhấn mạnh trong nửa cuối năm, lạm phát và chính sách lãi suất là hai rủi ro chính cần theo dõi. Thị trường chứng khoán trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng, và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Nên hay không việc cơ cấu lại danh mục cổ phiếu "bank - chứng - thép"?

Thời gian qua một số cổ phiếu trụ cột của thị trường như ngân hàng-chứng khoán-thép có những biến động tăng giảm mạnh, nhà đầu ...

Kỳ vọng gì vào thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022?

Nhận định thị trường từ nay đến cuối năm, VNDirect đánh giá những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường đến từ tăng trưởng ...

"Cắt lỗ" - Bí kíp sống còn cho nhà đầu tư chứng khoán F0

Nhà đầu tư cũng có thể áp dụng nguyên tắc cắt lỗ kinh điển. Đó là áp dụng mức cắt lỗ 7 - 10%. Vì ...

Việt Hoàng