Xu hướng - Nhận định

VN-Index điều chỉnh kỹ thuật sau nhịp tăng nóng, MBS chỉ ra thời điểm vàng để tích lũy cổ phiếu

Khánh Vân 19/05/2025 09:03

VN-Index kết thúc tuần tăng ấn tượng, tiệm cận vùng kháng cự 1.320 điểm với thanh khoản cải thiện và dòng tiền ngoại trở lại. Nhà đầu tư cần chiến lược linh hoạt, chốt lời cổ phiếu tăng nóng, ưu tiên nhóm cơ bản tốt, và canh mua trong các nhịp điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn.

Thị trường chứng khoánViệt Nam khép lại tuần giao dịch với dấu ấn tích cực, khi chỉ số VN-Index hồi phục mạnh mẽ và gần như lấy lại toàn bộ số điểm đã mất kể từ đầu tháng 4. VN-Index chốt tuần tại 1.301,39 điểm, tăng 34,09 điểm (+2,69%) so với tuần trước, với thời điểm cao nhất trong tuần đạt 1.316,53 điểm – tương đương mức hồi phục gần 90 điểm từ đáy ngắn hạn trong vòng hai tuần. Đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin nhà đầu tư đang dần trở lại sau giai đoạn chịu ảnh hưởng từ các thông tin vĩ mô bên ngoài.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng 2,38%, trong khi nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap cũng không kém phần khởi sắc, lần lượt tăng 2,16% và 1,24%. Tâm điểm dòng tiền trong tuần qua hướng mạnh vào các nhóm ngành được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ kinh tế và kỳ vọng thương mại: bán lẻ (+4,71%), bất động sản khu công nghiệp (+4,71%), ngân hàng (+4,18%) và công nghệ (+4,16%). Trong khi đó, cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup lại điều chỉnh ngược chiều, với VHM giảm tới 6,75% và VRE mất 2%.

m1.jpg
Nguồn: FinX, MBS Research

Thanh khoản toàn thị trường bật tăng mạnh, đạt trung bình 26.412 tỷ đồng/phiên – tăng 36,6% so với tuần trước. Giá trị khớp lệnh riêng trên HOSE đạt 23.430 tỷ đồng/phiên, thể hiện sức nóng của dòng tiền quay trở lại. Dù vậy, tính từ đầu tháng 5, thanh khoản vẫn giảm nhẹ so với tháng 4, phản ánh tâm lý thận trọng cục bộ của một bộ phận nhà đầu tư trước các yếu tố vĩ mô chưa rõ ràng.

Một điểm sáng đáng kể là sự trở lại của dòng vốn ngoại. Khối ngoại mua ròng hơn 2.880 tỷ đồng trong tuần – đánh dấu tuần mua ròng thứ hai liên tiếp và đưa tổng giá trị mua ròng trong tháng 5 vượt mốc 4.180 tỷ đồng, tháng đầu tiên mua ròng kể từ tháng 1/2024. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn bán ròng gần 38.000 tỷ đồng, nhưng diễn biến gần đây phần nào cho thấy dấu hiệu đảo chiều. Những mã được mua ròng nhiều nhất gồm MBB (+1.087 tỷ), MWG (+893 tỷ), FPT (+222 tỷ), HPG, VCB – những cổ phiếu dẫn đầu ngành, có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

kn.jpg
Năm ngoái khối ngoại bán ròng kỷ lục 3,2 tỷ USD trên sàn HOSE, kể từ đầu năm nay khối ngoại chỉ còn bán ròng 1,32 tỷ USD

Về mặt định giá, chỉ số P/E trailing 12 tháng của thị trường hiện đang ở mức 13,09 lần – thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử 16,82 lần và cũng thấp hơn giai đoạn đầu tháng 4 (14,62 lần). Điều này cho thấy định giá thị trường vẫn ở vùng hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp niêm yết có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, tuần tới thị trường có thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin quốc tế. Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ Aaa xuống Aa1 vào ngày 16/5 có thể tạo ra biến động đáng kể cho thị trường tài chính toàn cầu. Điều này khiến chi phí vay của chính phủ Mỹ tăng, kéo theo lợi suất trái phiếu tăng trở lại – một yếu tố thường gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng và làm giảm khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh đó, chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ có biến động mạnh, tác động dây chuyền đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, thị trường vẫn đón nhận nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực như dòng vốn ngoại quay trở lại, thanh khoản duy trì quanh mức 1 tỷ USD/phiên, định giá hấp dẫn, cùng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, điển hình là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, những kỳ vọng xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung với mức thuế đối ứng chỉ còn 10% đang mang lại tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.

Xét về kỹ thuật, VN-Index đã phục hồi hơn 22% từ đáy và hiện đang đối mặt với vùng kháng cự mạnh 1.320–1.340 điểm. Hiệu suất của nhiều nhóm cổ phiếu trong tháng qua khá ấn tượng, cho thấy áp lực chốt lời có thể gia tăng trong tuần tới.

m2.jpg
Kịch bản cơ sở, áp lực chốt lời khiến chỉ số Vn-Index kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.265- 1.270 điểm trong khi chờ tin thuế quan, vùng kháng cự ở khu vực 1.315 điểm

Kịch bản cơ sở là thị trường điều chỉnh kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.265–1.270 điểm. Kịch bản tích cực nhất là mức thuế đối ứng được công bố nằm trong kỳ vọng, chỉ số hoàn toàn có thể vượt 1.340 điểm. Ngược lại, nếu chứng khoán toàn cầu phản ứng tiêu cực sau hạ tín nhiệm của Mỹ, VN-Index có thể lùi về vùng 1.240 điểm.

Trong bối cảnh thị trường có thể rung lắc, chiến lược giao dịch khuyến nghị là giảm tỷ trọng cổ phiếu sau nhịp tăng mạnh vừa qua, chờ đợi cơ hội mua tích lũy trong các phiên điều chỉnh. Nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện, nước, y tế, nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, và các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, dòng tiền ổn định. Giai đoạn tới có thể là bài kiểm tra tâm lý với những nhà đầu tư thiếu kỷ luật, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho những người kiên nhẫn và chiến lược rõ ràng.

      Nổi bật
          Mới nhất
          VN-Index điều chỉnh kỹ thuật sau nhịp tăng nóng, MBS chỉ ra thời điểm vàng để tích lũy cổ phiếu
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO