Vietnam Airlines cắt giảm mạnh nhân sự trong năm Covid thứ nhất

Cập nhật: 10:29 | 08/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Tụt dốc doanh thu rất sâu, khó khăn về dòng tiền do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thu nhập, số lượng nhân sự Vietnam Airlines bị cắt giảm mạnh.

Tổng công ty Hàng hải (VIMC) muốn thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp trên sàn

Petrolimex quyết tâm thoái vốn PG Bank và giảm sở hữu tại Pjico

1517-hvn
Số lao động Vietnam Airlines Group tính đến ngày cuối năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cho biết tổng số lao động tại công ty mẹ và các công ty con vào ngày cuối năm 2020 là 19.690 người, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm. Đây cũng là mức đáy trong vòng ít nhất 5 năm trở lại đây.

Chi phí cho nhân công giảm mạnh. Cụ thể, trong giá vốn hàng bán năm 2020, chi phí nhân công sụt 50% so với năm 2019, còn xấp xỉ 4.800 tỷ đồng. Trong chi phí bán hàng, phần chi cho nhân công cũng sụt tới 38% còn 436 tỷ đồng. Trong chi phí quản lý doanh nghiệp, chi cho nhân công giảm 58% còn gần 500 tỷ đồng.

Hồi tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở nước ta, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khi đó là ông Dương Trí Thành đã cho biết lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Về sau, tình hình ngày càng khó khăn. Trong tháng 4/2020, khoảng 80% lao động mặt đất của Vietnam Airlines (công ty mẹ) buộc phải ngừng việc.

Từ tháng 4 đến tháng 6, người lao động đi làm chỉ hưởng tiền lương chức danh, cán bộ lãnh đạo từ cấp Ban trở lên tự nguyện không hưởng lương, cán bộ cấp phòng hưởng lương tối thiểu vùng.

Đến tháng 8, Đại hội cổ đông Vietnam Airlines thông qua phương án thu nhập bình quân dự kiến của đội ngũ phi công năm 2020 là 77 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 52% so với thực hiện năm trước.

Thu nhập bình quân của tiếp viên và lao động mặt đất lần lượt là 13,8 và 14 triệu đồng/tháng, chưa bằng một nửa năm 2019.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, lương và thù lao của Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát trong năm 2020 là gần 6,5 tỷ đồng, bằng một nửa năm trước.

2629-vietnam-hvn
Một quầy giao dịch của Vietnam Airlines.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines

Công ty kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Vietnam Airlines là Deloitte Việt Nam đặc biệt chỉ ra một số điểm đáng lưu ý:

Thứ nhất, tại ngày cuối năm ngoái, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 24.456 tỷ đồng, bên cạnh đó còn khoản phải trả quá hạn 6.640 tỷ đồng. Cả năm 2020, Tổng công ty lỗ sau thuế hợp nhất 11.178 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 6.456 tỷ đồng.

Thứ hai, COVID-19 vẫn đang tiếp tục tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines.

"Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch COVID-19", Deloitte Việt Nam nhận định.

Một vấn đề đáng chú ý khác là theo công văn số 26/BTC-TCDN do Bộ Tài chính ban hành ngày 12/1/2021, công ty mẹ Vietnam Airlines đã hạch toán chi phí khấu hao dựa trên số giờ hoạt động thực tế của máy bay thay vì phương pháp đường thẳng như các năm trước đây.

Theo Chứng khoán HSC, Vietnam Airlines vẫn sẽ áp dụng phương pháp khấu hao mới trong năm 2021.

Hoàng Hà