Vietcombank lãi lớn từ hoạt động dịch vụ trong quý IV, nợ xấu vẫn còn 5.229 tỷ đồng

Cập nhật: 12:01 | 21/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Báo cáo tài chính vừa công bố, lợi nhuận Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bật tăng khá mạnh trong quý IV/2020, dù ngân hàng này đã tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro.

5615-vc22
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến

Với sự tăng tốc trở lại của tín dụng và lãi đậm từ dịch vụ trong những tháng cuối năm, lợi nhuận của Vietcombank đã bật tăng khá mạnh trong quý IV/2020 dù ngân hàng này đã tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro.

Cụ thể, trong quý 4, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 10.390 tỷ đồng. Trước đó, 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lãi từ hoạt động từ dịch vụ của Vietcombank tăng đột biến 247%, đạt 3.068 tỷ đồng trong quý 4/2020. Mức lãi trong 3 tháng cuối năm gần bằng 9 tháng trước đó cộng lại.

Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 4/2020 đạt 943 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ. Thu nhập góp vốn mua cổ phần đạt 39 tỷ, tăng 292%.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, chỉ có lãi 16 tỷ trong quý 4/2020, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động khác ghi nhận lỗ 64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi tới 252 tỷ.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động quý 4/2020 của Vietcombank tăng 35% đạt 14.393 tỷ đồng thì phi phí hoạt động cũng tăng 7,7% lên 3.430 tỷ. Đáng chú ý là chi phí dự phòng tăng vọt 97% lên 3.883 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4/2020 của ngân hàng đạt 7.079 tỷ, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 23.044 tỷ đồng, giảm 78 tỷ (giảm 0,34%) so với năm 2019. Nguyên nhân lợi nhuận không tăng chủ yếu do thu nhập lãi thuần tăng yếu (chỉ tăng 4,8%), đồng thời ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cơ cấu thu nhập của ngân hàng có sự thay đổi đáng kể khi tỷ trọng đóng góp của các mảng hoạt động phi tín dụng tăng từ 24% năm 2019 lên 26% năm 2020.

Tiền gửi không kỳ hạn tăng vọt, nợ xấu được kiểm soát

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 839.788 tỷ, tăng 7% so với cuối tháng 9 và tăng 14,3% so với đầu năm.

Bên cạnh dư nợ cho vay tăng trưởng khá mạnh (cao hơn mặt bằng chung toàn ngành 12,13%), Vietcombank cũng tăng nắm giữ trái phiếu của các tổ chức tín dụng trong năm vừa qua. Số chứng khoán nợ (chủ yếu là trái phiếu) do các TCTD phát hành mà Vietcombank nắm giữ tăng khoảng 37% lên hơn 83 nghìn tỷ đồng.

Về huy động vốn, tiền gửi khách hàng của Vietcombank tăng 11,2% lên hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn ở mức 307.026 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối tháng 9 và tăng 16,8% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Vietcombank cuối năm 2020 đạt khoảng 32,7%, là một trong những nhà băng có lợi thế vốn rẻ nhất hiện nay.

Đáng chú ý, nợ xấu của Vietcombank cuối năm 2020 chỉ ở mức 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9 và giảm 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm mạnh từ 1,01% hồi cuối quý 3/2020 xuống còn 0,62% vào cuối năm 2020.

Sacombank: Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khiếm tốn, nợ xấu tiếp tục "phình ra"

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020.

BIDV chào bán thêm khoản nợ 460 tỷ của doanh nghiệp bất động sản

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ...

Sẽ 'mạnh tay' với những ngân hàng chậm lên sàn

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong quý 1/2020 bắt buộc tất cả các ...

Linh Đan (TH)