Thị trường

Việt Nam vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công loại cá đắt đỏ: Giá 1 triệu đồng/kg, cực tốt cho tim mạch

Hoàng Anh 13/05/2025 15:48

Các chất có trong loài cá này có vai trò đẩy lùi những nguy cơ liên quan tới các bệnh lý về tim mạch và đột quỵ như xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu,...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, dùng để chế biến sashimi, sushi và có giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg.

image(7).png

Cá cam được nuôi khá phổ biến ở các nước như Chile, Mexico, đặc biệt tại Nhật Bản, cá cam là loài cá nuôi biển chủ lực, chiếm hơn 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên biển.

Nhật Bản cũng là quốc gia nuôi cá cam lớn nhất thế giới với sản lượng 150.000 tấn mỗi năm (chiếm 90% sản lượng toàn cầu) và giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg. Đây là loài cá được sử dụng để chế biến sashimi, sushi tại các nhà hàng sang trọng. Ngoài ra, cá cam cũng được các nước Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu ưa chuộng và nhập khẩu nhiều.

Ở Việt Nam, cá cam là loài bản địa, đã tiến hành nuôi thử nghiệm lần đầu vào năm 1991 tại khu vực bãi Nam (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) bằng nguồn giống khai thác từ tự nhiên. Vì nguồn giống phụ thuộc vào tự nhiên nên ngày càng cạn kiệt, dẫn đến mô hình không ổn định.

Bước đầu nghiên cứu sản xuất giống cá cam cho thấy cá cam bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên từ ngày ương thứ 18, mở ra cơ hội lớn cho việc thành công trong sản xuất giống cá cam vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt.

“Hiện tại đàn cá cam đã được 23 ngày tuổi, và như vậy có thể nói lần đầu tiên trên thế giới, tại Việt Nam đã sản xuất thành công giống cá cam. Hiện đàn cá cam được tiếp tục ương lên cá giống để tiến tới thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm”, đại diện Viện Nghiên cứu chia sẻ.

Trên thế giới, nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào con giống tự nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo cá cam nhưng chưa thành công.

Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, cho biết theo định hướng ngành sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án khoa học công nghệ dài hạn trong nghiên cứu chọn tạo giống thủy sản tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi quy mô công nghiệp như nuôi cá biển, nuôi cá nước mặt lớn (sông, hồ chứa), nuôi trồng và chế biến rong biển. Nghiên cứu dịch tễ học về bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục triển khai đề án các sản phẩm quốc gia đối với tôm nước lợ, cá tra và đề xuất bổ sung loài nuôi biển…

Cá cam hay còn được gọi là cá cam sọc, có tên khoa học là Seriola dumerili. Đây là loài cá biển phân bố nhiều ở các vùng biển trên toàn thế giới.

Cá cam thường sinh sống trong môi trường nước mặn với thân hình thon dài và dẹt về hai bên. Loài cá này có kích thước tương đối lớn và có thể nặng tới 1.5kg khi trưởng thành. Đầu cá thuôn tròn, mắt to miệng nhỏ với bộ răng sắc nhọn mọc thành dải.

Cá cam là một trong những loại cá có chứa hàm lượng lớn omega-3 và một số chất béo không no. Các chất này có vai trò đẩy lùi những nguy cơ liên quan tới các bệnh lý về tim mạch và đột quỵ như xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, các chất béo không no này còn có khả năng kiểm soát tốt lượng cholesterol trong máu.

Một lợi ích khác không thể kể đến mà cá cam mang lại đó là hỗ trợ sức khỏe của làn da. Hàm lượng vitamin A và vitamin E có trong cá cam có thể giúp nuôi dưỡng làn da trắng hồng, giảm bớt tàn nhang, nếp nhăn và đẩy lùi lão hóa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt Nam vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công loại cá đắt đỏ: Giá 1 triệu đồng/kg, cực tốt cho tim mạch
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO