Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với EU và các nước thành viên

Cập nhật: 16:26 | 15/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với lãnh đạo các nước và đối tác, gồm: Đức, Italy, Bồ Đào Nha, CH Czech, Ba Lan, Hy Lạp, Ủy ban châu Âu, Croatia, Lithuania, Hà Lan, Luxembourg, Hội đồng châu Âu.

Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ đạo khẩn trương chấn chỉnh, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

5 thông điệp quan trọng của Thủ tướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Đức vừa qua tới Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương; đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, tăng trưởng xanh.

Thủ tướng Olaf Scholz cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp trọng thị, chu đáo trong chuyến thăm vừa qua; khẳng định Đức mong muốn phối hợp với Việt Nam thúc đẩy khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam–Đức đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng nhất trí duy trì ủng hộ, phối hợp với nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại hai khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN- EU. Ảnh VGP
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN- EU. Ảnh VGP

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng bà Giorgia Meloni nhậm chức Thủ tướng Italy; khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Italy - một thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) và G7, và cũng là một trong những đối tác kinh tế, phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu; cảm ơn Italy đã hỗ trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tranh thủ những cơ hội hợp tác từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 7 tỷ USD trong 2-3 năm tới; đề nghị Italy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA), ủng hộ để EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện để thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Italy.

Thủ tướng Giorgia Meloni hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính; nhấn mạnh năm 2023-kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược là dịp tốt để hai bên đưa vào chiều sâu và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam–Italy trên tất cả các lĩnh vực; đề nghị hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có tổ chức thành công Đối thoại quốc phòng lần thứ 4 tại Italy vào năm 2023.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ song phương đã có những bước tiến tích cực trong những năm gần đây và nhất trí các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan bệ trong thời gian tới, nhất là trong hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); đề nghị Bồ Đào Nha tạo điều kiện để hàng hóa nông sản và thủy sản của Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường Bồ Đào Nha và EU, sớm phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA), ủng hộ EU sớm gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực du lịch, khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

Thủ tướng António Costa cam kết Bồ Đào Nha sẽ hỗ trợ tối đa để EU gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Bồ Đào Nha ủng hộ và mong muốn hiệp định EVIPA được phê chuẩn trong năm 2023, bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện để hoa quả theo mùa và thủy sản của Việt Nam có mặt nhiều hơn ở thị trường EU và Bồ Đào Nha.

Thủ tướng António Costa đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, tài chính điện tử, triển khai các dự án đầu tư xanh tại Việt Nam. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, giáo dục-đào tạo, hợp tác khoa học, quốc phòng trong thời gian tới, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bồ Đào Nha đi vào chiều sâu, thiết thực.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Czech Petr Fiala, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Czech; cảm ơn Czech đã hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19; khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các mặt hàng chủ lực của Czech như đồ thủy tinh pha lê, bia, thực phẩm, thiết bị, máy móc, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam; đề nghị Czech tạo thuận lợi cho hàng dệt may, da giày, nông sản, hải sản, hoa quả nhiệt đới của Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục với Việt Nam, trong đó có việc cấp thêm học bổng cho du học sinh Việt Nam sang Czech học tập, ủng hộ EU sớm gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảm ơn chính quyền Czech đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam trở thành một dân tộc thiểu số và ổn định cuộc sống, kinh doanh làm ăn lâu dài tại Czech.

Thủ tướng Petr Fiala ủng hộ các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh trong lịch sử quan hệ của Czech với châu Á, không có quốc gia nào Czech có quan hệ khăng khít như với Việt Nam.

Thủ tướng Czech đề nghị hai nước tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, triển khai hiệu quả EVFTA, sớm ký kết bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất ô tô trong đó có ô tô điện, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng an ninh, mong muốn sớm thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước để tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy du lịch. Thủ tướng Petr Fiala đánh giá cao những đóng góp với sở tại của cộng đồng người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại Czech.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Ba Lan đã hỗ trợ Việt Nam đối phó với dịch bệnh COVID-19, khẳng định đây là thời điểm để hai nước tăng cường hợp tác cùng nhau phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tập trung đẩy mạnh hợp tác thương mại, tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD trong 2-3 năm tới, đề nghị phía Ba Lan tạo thuận lợi cho thủy, hải sản, hoa quả nhiệt đới theo mùa của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long… xem xét sớm phê duyệt EVIPA nhằm hiện thực hóa các lợi ích mà hiệp định có thể đem lại, ủng hộ để EU sớm gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriákos Mitsotákis, hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

Hai Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại, coi đây là ưu tiên chính cho quan hệ hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tận dụng hiệu quả EVFTA; đề nghị phía Hy Lạp tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản Việt Nam trong đó có cà phê, hoa quả theo mùa (thanh long, chôm chôm, vú sữa, vải, nhãn...) tiếp cận thị trường Hy Lạp, cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nuôi trồng thủy sản, hợp tác nghiên cứu phát triển nông nghiệp bền vững và chế biến thực phẩm an toàn, để đáp ứng những yêu cầu chất lượng tại thị trường châu Âu.

Thủ tướng Kyriákos Mitsotákis khẳng định, Hy Lạp coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đã tạo động lực quan trọng để hai bên phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với EU, thể hiện qua việc Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả các khuôn khổ hợp tác với EU về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Về hợp tác kinh tế-phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn EU giữ vững và phát huy vai trò là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thực thi hiệu quả EVFTA; đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như nông, thủy sản, sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với hàng thuỷ sản Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) thúc đẩy các thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) để mở ra những cơ hội đầu tư mới cho doanh nghiệp hai bên.

Bà Ursula von der Leyen chia sẻ những ý tưởng, đề xuất của Thủ tướng; hoan nghênh việc Việt Nam và G7 đã thông qua Tuyên bố chính trị về thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), khẳng định đây là bước tiến quan trọng để mở đường cho EU tăng cường đầu tư vào các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới chuyển đổi xanh, phát triển xanh ở Việt Nam.

Về vấn đề "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam, sau khi nghe Thủ tướng thông báo về những nỗ lực triển khai và kết quả tích cực mà các cấp, các ngành, các địa phương của Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch EC ghi nhận bước tiến mà hai bên đã đạt được trong xử lý vấn đề này. Chủ tịch EC cũng khẳng định EU ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong phát triển kinh tế biển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học biển; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững và hợp tác cùng Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực và trên thế giới.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Croatia Andrej Plenković, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy những bước tiến tốt đẹp của quan hệ song phương trong thời gian qua, cùng khẳng định coi trọng và ưu tiên cao tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam–Croatia trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, phục vụ phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác; thúc đẩy triển khai các dự án trong các lĩnh vực tiềm năng, nhất là hàng hải, vận tải, công nghiệp nhẹ, năng lượng sạch.

Hai bên cũng nhất trí duy trì và tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cùng thúc đẩy quan hệ ASEAN–EU phát triển bền vững.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lithuania (1992-2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ và nhân dân Lithuania đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Lithuania; đề nghị hai bên trong thời gian tới thúc đẩy hơn nữa trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; đề nghị Lithuania tạo điều kiện cho hàng thủy sản, cà phê, hạt điều, chè, dược phẩm của Việt Nam, ủng hộ EU sớm gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam; mong muốn hai nước tăng cường hợp tác trong xây dựng Chính phủ điện tử, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Tổng thống Gitanas Nauseda đồng tình với các ý tưởng, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị hai nước sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử, an ninh mạng, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thô phục vụ chế tạo sắt thép, thực phẩm.

Tổng thống Gitanas Nauseda bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Tại các cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark RutteThủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Hà Lan và Luxembourg đã đón tiếp đoàn công tác Chính phủ Việt Nam nồng nhiệt, trọng thị và chân tình.

Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ giao các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ triển khai các cam kết và biện pháp đã được các bên thống nhất trong chuyến thăm, từ đó đưa quan hệ Việt Nam–Hà Lan và Việt Nam–Luxembourg ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hai bên hài lòng với những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam-EU nhất là sau 10 năm triển khai Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện (2012-2022). Hai bên nhất trí cùng nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam-EU vượt qua đại dịch một cách vững chắc và bước vào thập kỷ phát triển mới với những chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng "xanh" hơn-"sạch" hơn-bền vững hơn.

Hồng Giang