Nhịp sống số

Việt Nam sắp có một tuyến cáp quang biển tự làm, "ông lớn" viễn thông làm chủ

Nhược Vy 25/07/2025 14:00

Đây là tuyến cáp quang biển đầu tiên do Việt Nam hoàn toàn làm chủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Tuyến cáp quang biển tự chủ đầu tiên: Bước ngoặt của Viettel

Viettel đang triển khai tuyến cáp quang biển quốc tế do Việt Nam hoàn toàn làm chủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Đây được xem là một trong những bước tiến chiến lược trong việc xây dựng hạ tầng số, đồng thời củng cố vị thế Việt Nam trên bản đồ viễn thông toàn cầu.

Tuyến cáp quang
Tuyến cáp quang này sẽ đánh dấu mốc mởi cho Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tuyến cáp có tên gọi VTS, kết nối trực tiếp Việt Nam và Singapore – trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á, sẽ có dung lượng lớn nhất và độ trễ thấp nhất từ trước đến nay giữa hai quốc gia. Viettel sẽ toàn quyền lựa chọn công nghệ, tuyến đi, điểm cập bờ và cấu hình kỹ thuật. Điều này giúp đảm bảo năng lực vận hành, bảo trì độc lập và bảo vệ dữ liệu quốc gia một cách an toàn, hiệu quả.

Theo đại diện Viettel, việc sở hữu hạ tầng cáp quang biển không phụ thuộc nước ngoài là điều kiện cần thiết để bảo vệ thông tin trong các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng, tài chính, dữ liệu công dân… và là cơ sở để Việt Nam phát triển hạ tầng số một cách bền vững.

Chiến lược kết nối số đa tầng: Từ VTS đến ALC

Bên cạnh tuyến VTS, Viettel còn tham gia đầu tư vào dự án Asia Link Cable (ALC) – tuyến cáp biển kết nối Việt Nam với Hồng Kông và Singapore. Với tổng dung lượng lên tới 36 Tbps, tuyến ALC được đánh giá là một phần quan trọng trong mạng lưới kết nối quốc tế của Việt Nam, giúp tạo ra một mạng lưới cáp biển đa tầng, đa hướng, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế số.

Tính đến nay, Viettel đã đưa vào khai thác tuyến cáp ADC và đang triển khai 5 tuyến cáp biển quốc tế mới trong giai đoạn 2025–2030 theo nghị quyết của Chính phủ. Hạ tầng này không chỉ đáp ứng nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao, mà còn là điều kiện để Việt Nam thu hút các “ông lớn” công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, việc triển khai cáp biển không tránh khỏi những thách thức lớn như sự khác biệt pháp lý giữa các nước, chi phí đầu tư cao và hạn chế về nguồn lực thi công. Để ứng phó, Viettel xây dựng chiến lược đồng bộ: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, lựa chọn đối tác phù hợp và đầu tư bài bản vào nhân lực công nghệ.

Đại diện Viettel nhấn mạnh: “Văn hóa ‘làm việc khó’ giúp chúng tôi chủ động xử lý các rào cản pháp lý và kỹ thuật, đồng thời vẫn đảm bảo tiến độ thi công cũng như chất lượng dự án.”

Cáp quang biển: Nền tảng để Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu khu vực

Việc đầu tư vào cáp quang biển mang ý nghĩa lớn đối với định hướng phát triển kinh tế số của Việt Nam. Theo dự báo, đến năm 2030, lĩnh vực số sẽ đóng góp khoảng 30% GDP cả nước. Hạ tầng truyền tải dữ liệu, đặc biệt là cáp quang biển, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì tốc độ xử lý thông tin, truyền dẫn dữ liệu lớn và giảm độ trễ trong các ứng dụng số.

Một hệ thống cáp biển tự chủ, kết nối đa hướng sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các trung tâm dữ liệu lớn như Singapore, Hồng Kông, đồng thời mở đường phát triển các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud), blockchain và Internet vạn vật (IoT).

Sở hữu hạ tầng cáp biển mạnh mẽ cũng giúp Việt Nam lọt vào “tầm ngắm” của các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Amazon, Microsoft. Việc trở thành trung tâm trung chuyển dữ liệu (digital hub) của Đông Nam Á sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư hàng tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực số.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Việt Nam sắp có một tuyến cáp quang biển tự làm, "ông lớn" viễn thông làm chủ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO