Đất & Người

Việt Nam có "thành phố dưới lòng đất" trải dài hơn 200km, bên trong siêu chằng chịt, báo Mỹ ca ngợi "kỳ thú nhất thế giới"

Nguyễn Trang 23/04/2025 6:00

Việt Nam có một nơi duy nhất được mệnh danh là "thành phố dưới lòng đất" được ca ngợi là một trong những nơi kì thú nhất thế giới.

Một công trình quân sự đặc biệt được xây dựng từ nhân dân

Địa đạo Củ Chi không chỉ là một công trình quân sự mà còn là minh chứng sống động cho sức sáng tạo, ý chí kiên cường và tinh thần tự lực của quân dân miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Hệ thống này bắt nguồn từ những đoạn hầm ngắn do người dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đào từ năm 1948 để ẩn nấp, che giấu vũ khí và bộ đội Việt Minh. Qua thời gian và nhu cầu chiến đấu, các đoạn hầm riêng lẻ dần được nối liền, mở rộng, hình thành nên mạng lưới địa đạo liên hoàn kéo dài hàng trăm kilômét.

địa đạo củ chi 1
Một căn phòng nhỏ bên trong Địa đạo Củ Chi

Giai đoạn 1954 – 1959, dưới sự truy quét khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm với hơn 466.000 người bị bắt, hệ thống địa đạo trở thành nơi trú ẩn an toàn, là căn cứ kháng chiến của lực lượng Giải phóng miền Nam. Đặc biệt từ năm 1961, khi Quân khu Sài Gòn – Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động trọng yếu, địa đạo Củ Chi phát huy tối đa vai trò phòng thủ – tấn công – hậu cần.

Tính đến năm 1965, quân dân Củ Chi đã đào hơn 200km đường hầm dưới lòng đất, kết hợp với 500km chiến hào trên mặt đất, tạo thành “thành phố ngầm” độc đáo với đầy đủ công năng: bệnh xá, phòng họp, nhà bếp, kho vũ khí, phòng ở... mà quân đội Mỹ với hàng ngàn tấn bom đạn và hóa chất vẫn không thể phá hủy hoàn toàn.

Ngày nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là địa danh thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá trong sự bất ngờ xen lẫn thán phục.

Năm 2023, kênh CNN của Mỹ đã đăng tải danh sách “Những đường hầm kỳ thú nhất thế giới", trong đó có sự xuất hiện của địa đạo Củ Chi của Việt Nam.

Cấu trúc địa đạo: Bền vững, kín đáo và thông minh

Điểm đặc biệt của Địa đạo Củ Chi là cấu trúc ba tầng với độ sâu khác nhau:

  • Tầng 1 sâu 3–5m, dùng để di chuyển và sinh hoạt hàng ngày;
  • Tầng 2 sâu 6–8m, là nơi đặt các kho vũ khí và khu chỉ huy;
  • Tầng 3 sâu 8–10m, phục vụ cho việc phòng thủ, ẩn náu khi bị càn quét.
địa đạo củ chi 4
Lối vào và ra rất nhỏ, chỉ vừa 1 người đi

Các lối ra vào, ống thông hơi, bẫy chống gián điệp, hệ thống phòng cháy – chữa cháy, và bếp Hoàng Cầm nấu không khói... đều được thiết kế tỉ mỉ để tránh bị phát hiện, giữ an toàn tuyệt đối cho lực lượng kháng chiến.

Hai khu địa đạo nổi bật: Bến Dược và Bến Đình

Hiện nay, hai khu vực địa đạo còn được bảo tồn và đón khách tham quan là Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng) và Bến Đình (xã Nhuận Đức).

  • Bến Dược là trung tâm di tích lớn nhất, có đền tưởng niệm liệt sĩ, bảo tàng và khu vực tái hiện vùng giải phóng.
  • Bến Đình mang tính trải nghiệm quân sự cao hơn, là căn cứ của Huyện ủy Củ Chi xưa, nơi bạn có thể chui hầm, bắn súng thể thao và thưởng thức món ăn thời chiến.

Cả hai khu đều được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và do Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM trực tiếp quản lý.

Du lịch Địa đạo Củ Chi: Trải nghiệm sống như chiến sĩ

Khám phá lòng đất – Hầm địa đạo

Du khách được chui vào các đường hầm thật dài, hẹp và tối, len lỏi qua những lối đi chỉ vừa một người cúi thấp, tái hiện chân thực cảm giác sinh tồn trong thời chiến. Các đoạn hầm được làm từ đất sét pha đá ong, có độ bền cao và không sạt lở, giúp đảm bảo an toàn cho khách tham quan.

đại đạo củ chi 3
Khi đến Địa đạo Củ Chi, bạn chắc chán phải thử trải nghiệm chui qua khe hầm nhỏ này

Khu tái hiện vùng giải phóng

Gồm ba không gian:

  • Không gian sinh hoạt: tái hiện trường học, nhà dân, xưởng in, trạm y tế của vùng giải phóng.
  • Không gian chiến tranh: mô phỏng làng mạc bị bom đạn tàn phá, xác xe tăng, máy bay địch.
  • Không gian phục hồi: thể hiện tinh thần vượt khó, vùng đất hồi sinh sau chiến tranh.

Các hoạt động giải trí và khám phá khác

  • Khu bắn súng thể thao: thử bắn súng đạn thật và đạn sơn với chi phí hợp lý.
  • Vườn trái cây Trung An: tự tay hái mận, chôm chôm, sầu riêng... thư giãn giữa thiên nhiên.
  • Trạm cứu hộ động vật hoang dã: tìm hiểu công tác bảo tồn thú quý hiếm của khu vực.

Hướng dẫn di chuyển và thông tin tham quan

Di chuyển từ TP.HCM: bằng xe buýt (tuyến 13, 94), xe máy theo Tỉnh lộ 15, hoặc tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng.

Giờ mở cửa: 7h00 – 17h00, tất cả các ngày.

Giá vé vào cổng: 35.000đ (người Việt), 70.000đ (người nước ngoài), giảm 50% cho học sinh – sinh viên, miễn phí cho người có công, trẻ em dưới 7 tuổi.

Vé khu tái hiện vùng giải phóng: 40.000đ

Dịch vụ xe điện: 5.000đ/lượt từ cổng vào khu chính (khoảng 2km)

      Nổi bật
          Mới nhất
          Việt Nam có "thành phố dưới lòng đất" trải dài hơn 200km, bên trong siêu chằng chịt, báo Mỹ ca ngợi "kỳ thú nhất thế giới"
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO