Việt Nam cải thiện được một tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của MSCI

Cập nhật: 16:16 | 15/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Việt Nam đã cải thiện được một tiêu chí quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện để hoàn thành bộ 18 tiêu chí của MSCI.

Góc nhìn CTCK về tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước họp khẩn với công ty chứng khoán nhằm tháo gỡ nút thắt nâng hạng

Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI mới đây công bố báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, trong đó MSCI đánh giá tiêu chí "khả năng chuyển nhượng" (Transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ cần cải thiện "-" sang không có vấn đề lớn "+". Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.

Việt Nam cải thiện được một tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của MSCI
Nguồn: MSCI

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường có kế hoạch giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về pre-funding và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh. MSCI sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ của những cải cách này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện để hoàn thành bộ 18 tiêu chí của MSCI bao gồm: (1) giới hạn sở hữu nước ngoài, (2) "room" khối ngoại, (3) quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, (4) mức độ tự do của thị trường ngoại hối, (5) đăng ký nhà đầu tư & thiết lập tài khoản, (6) quy định thị trường, (7) luồng thông tin và thanh toán bù trừ.

Giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% đến 51%. Những giới hạn này vẫn tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài. Hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.

Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Một số thông tin doanh nghiệp vẫn không có tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán).

Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được VSD thông qua.

Các quy định về thị trường: Các quy định về thị trường chưa có đầy đủ bằng tiếng Anh.

Luồng thông tin: Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

Thanh toán và bù trừ: Không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.

Thực tế, Việt Nam chưa cần phải cải thiện ngay toàn bộ 8 tiêu chí còn thiếu để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market). Việc giải quyết trước mắt vấn đề pre-funding, tiến tới sớm vận hành hệ thống giao dịch mới, triển khai lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh… sẽ là những điểm cộng tích cực trong đánh giá của MSCI, FTSE đối với Việt Nam thời gian tới.

Trong báo cáo về vấn đề nâng hạng thị trường tháng 3/2024, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo Việt Nam sẽ có khả năng vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6/2025. Còn với lộ trình nâng hạng của FTSE, BSC dự báo khả năng xem xét nâng hạng chính thức vào tháng 9/2024 hoặc tháng 3/2025 và chính thức nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025.

So với thị trường lân cận như Thái Lan, Việt Nam còn 3 tiêu chí đang cần cần thiện để đáp ứng tiêu chí thị trường mới nổi gồm: Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, luồng thông tin, thanh toán bù trừ.

* Tính tới tháng 3/2024. Nguồn: BSC
*Tính tới tháng 3/2024. Nguồn: BSC

Tháng 9 tới đây, FTSE sẽ có kỳ đánh giá nâng hạng thị trường. Ngày 14/6, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức cuộc họp với nhóm hẹp các công ty chứng khoán liên quan đến vấn đề tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp theo tiêu chuẩn của FTSE Russell.

Trước đó, ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2024.

Theo Chứng khoán VNDirect, đối với tổ chức xếp hạng FTSE, Việt Nam cần cải thiện 2 tiêu chí gồm: (1) Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP), hiện được đánh giá là "Hạn chế" do nhà đầu tư cần có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch, khác với thông lệ là chỉ cần có đủ tiền đặt cọc khi thực hiện giao dịch; (2) Chi phí xử lý giao dịch thất bại. Hiện không được chấm điểm do nhà đầu tư cần có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh nên không xảy ra giao dịch thất bại.

Hệ thống KRX sắp chính thức vận hành, chứng khoán Việt tăng cơ hội được nâng hạng

Hệ thống KRX được đưa vào sử dụng từ 2/5 tới đây được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thanh toán một cách đáng ...

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc với World Bank và ASIFMA về vấn đề nâng hạng thị trường

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang gấp rút phối hợp với các tổ chức quốc tế để hoàn thiện quy trình ký quỹ với ...

Đức Anh