Vicostone (VCS) lần thứ 8 liên tiếp vào Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2022

Cập nhật: 12:00 | 09/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Tháng 8/2022, CTCP Vicostone (HNX - Mã: VCS) - thành viên của Tập đoàn Phenikaa lần thứ 8 liên tiếp được Tạp chí Forbes Việt Nam xếp hạng là một trong 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2022 và góp mặt trong Top 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức năm đầu tiên.

Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2022 do Forbes Việt Nam xếp hạng từ việc lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết trên sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) và sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Vicostone (VCS) lần thứ 8 liên tiếp vào Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2022
CTCP Vicostone (HNX - Mã: VCS)

Phần lớn các doanh nghiệp trong danh sách này đều đã xác lập vị thế dẫn đầu không chỉ trong lĩnh vực của mình mà còn trong cả nền kinh tế. Trong khi đó, Top 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững – Nhịp cầu Đầu tư hướng tới những tiêu chí tổng quan hơn: Mức độ tăng trưởng ổn định, Văn hóa doanh nghiệp bền vững, Quản trị doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường và Trách nhiệm xã hội.

Chương trình nhận được dữ liệu và tư vấn từ Hội đồng Giám khảo gồm đại diện đến từ: Ngân hàng HSBC, Deloitte Việt Nam, FTI (Singapore), Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn… theo các tiêu chí và thông lệ quốc tế.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải trải qua những khó khăn, thách thức mang lại bởi đại dịch COVID-19, Vicostone với nền tảng quản trị vững chắc cùng khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt trước những biến động thị trường, đã đạt được những kết quả khả quan.

Vicostone (VCS) lần thứ 8 liên tiếp vào Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2022
Vicostone lọt top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững và niêm yết tốt nhất Việt Nam

Cụ thể, theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young, năm 2021, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt 7.070 tỷ đồng và 2.097 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,92% và 25,75% so với năm 2020. Qua đó, hoàn thành gần 105% và 110% chỉ tiêu mà ĐHCĐ năm 2021 đã thông qua. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động của công ty.

Tổng tài sản của Vicostone tính đến hết năm 2021 đạt 6.892,91 tỷ đồng, tăng 13,83% so với năm 2020, vốn chủ sở hữu đạt 4.874,20 tỷ đồng, tăng 26,35% so với cùng kì, chỉ số ROA đạt 26%, ROE đạt 36%, duy trì ổn định ở mức cao.

Năm 2021, Vicostone ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm với doanh thu xuất khẩu tăng kỉ lục 38,4% lên gần 230 triệu Đô-la Mỹ. Tại các thị trường chính như Canada, châu Âu và châu Á, doanh số bán hàng tăng lần lượt 150%, 28% và 20% so với năm trước.

Kết quả ấn tượng trên có được nhờ sự chủ động toàn diện và khả năng quản trị rủi ro của Công ty trong mọi hoạt động, từ con người, hệ thống đến hoạt động sản xuất.

Nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn Phenikaa (công ty mẹ) với chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu, Vicostone đã tự chủ nguồn nguyên vật liệu đầu vào nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu, rủi ro về biến động tỉ giá, tối ưu về giá thành, đảm bảo nguồn cung và chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và kiểm soát hiệu quả chi phí sản xuất trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cùng ngành đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, Công ty đã mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm tại các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động R&D để tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo, độc đáo, dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh đó, để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh, Vicostone đã xây dựng các kịch bản kinh doanh và sản xuất linh hoạt, triển khai các hoạt động tiêm chủng nhằm bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần và thu nhập cho toàn thể CBCNV, qua đó duy trì ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty. Không chỉ đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, Vicostone còn khẳng định, phát huy văn hóa kinh doanh có ý thức, luôn nỗ lực vì cộng đồng và các bên liên quan.

Cùng với Tập đoàn Phenikaa, Công ty đã triển khai nhiều chương trình tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cùng các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, với mong muốn được góp phần đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, cuộc sống người dân sớm trở lại an toàn và ổn định.

Lãi quý II giảm gần 12%

Vicostone vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần 1.725 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng gần 1% lên 1.196 tỷ đồng khiến biên lãi gộp giảm từ 33,7% còn 30,7%.

Doanh thu tài chính đạt 31 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi tăng. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 70,4%; 6,8% và 91,5%.Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 396,6 tỷ đồng, giảm 11,6%. EPS giảm từ 2.516 đồng còn 2.062 đồng.

Theo lý giải từ phía doanh nghiệp kinh doanh đá thạch anh và nội thất này, vì doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như: lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga – Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021... Ngoài ra, trong quý vừa qua thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường xuất khẩu chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao khiến việc tiêu thụ sản phẩm của công ty cũng chậm lại.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần 3.337 tỷ đồng, đi ngang so với nửa đầu năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 740,7 tỷ đồng, giảm 10%. Như vậy, sau 2 quý, đơn vị này mới hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 36,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Vicostone đạt 6.890 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 18,7% lên 2.363 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 2.163 tỷ đồng, giảm 10%. Nợ vay tài chính ở mức 1.456 tỷ đồng, giảm 10,4% so với đầu năm, trong đó 91,7% là nợ ngắn hạn. Toàn bộ khoản nợ của đơn vị này đều là dư nợ ngân hàng. Vốn chủ sở hữu là 4.945 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCS bốc hơi 34% trong vòng 4 tháng qua

Trong vòng 4 tháng qua, cùng với những biến động của thị trường, cổ phiếu VCS đã “bốc hơi” gần 34% giá trị so với mức đỉnh 116.117 đồng/cp ngày 31/3 về mức 77.300 đồng/cp trong phiên sáng 9/8.

Những khó khăn của thị trường chứng khoán cũng tác động khá rõ lên mã này khi thị giá lao dốc, khối lượng giao dịch cũng giảm sút mạnh, trung bình chỉ đạt hơn 100 nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu VFG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu VCS thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Theo Vicostone, phần lớn các yếu tố khó khăn đã được công ty dự tính và đưa vào danh mục rủi ro năm 2022 khi lập kế hoạch và cũng đã được nêu ra tại Đại hội Cổ đông thường niên 2022. Tuy nhiên, biến động khó lường của thị trường vẫn tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh tại các thị trường trọng điểm ở quý II/2022.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Chênh lệch tỷ giá khiến Chứng khoán Phú Hưng kinh doanh gặp khó

CTCP Chứng khoán Phú Hưng (Mã PHS - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2022. Công ty ghi nhận lỗ hơn ...

Xây dựng 47 (C47): "Trái chiều" giao dịch cổ phiếu công ty

Tại phiên giao dịch sáng ngày 9/8, cổ phiếu C47 đứng giá tại mức 14.200 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần ...

Chứng khoán phiên sáng 9/8: Đà tăng dần thu hẹp, VN-Index xanh nhẹ trên tham chiếu

Tiếp nối xu hướng hồi phục phiên đầu tuần, VN-Index mở cửa phiên hôm nay với nhịp tăng hơn 3 điểm. Tuy nhiên, lực cung ...

Khánh Vân

Tin cũ hơn
Xem thêm