Vị trí 3 nhà ga đường sắt quan trọng tại Hải Dương: Gần 4.000 tỷ giải phóng mặt bằng, 3.296 hộ dân trong diện tích quy hoạch
Hải Dương đang khẩn trương triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt này, với gần 190 ha đất thu hồi, 8 khu tái định cư và 3 nhà ga trên địa bàn.
Mắt xích quan trọng trong mạng lưới đường sắt liên vùng
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đang bước vào giai đoạn chuẩn bị triển khai với kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho phát triển hạ tầng giao thông Bắc Bộ. Là một trong 9 tỉnh thành có tuyến đi qua, tỉnh Hải Dương không chỉ thụ hưởng trực tiếp các lợi ích từ dự án mà còn đóng vai trò then chốt trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí tái định cư và cung ứng vật liệu phục vụ thi công.

Theo quy hoạch, đoạn tuyến qua Hải Dương dài gần 41 km, đi qua 5 huyện: Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Thanh Hà. Đây là đoạn tuyến có vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp, vùng sản xuất trọng điểm và cửa ngõ ra cảng biển Lạch Huyện.
Dự án sẽ xây dựng 3 ga đường sắt quan trọng tại Bình Giang, Gia Lộc và Tứ Kỳ, trong đó có hai ga hỗn hợp phục vụ vận chuyển khách và hàng hóa, một ga kỹ thuật phục vụ khai thác tàu.
Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư
Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Đến ngày 21/5/2025, địa phương đã xác định khối lượng GPMB với diện tích đất cần thu hồi khoảng 188 ha, ảnh hưởng tới 3.296 hộ dân. Trong số này, 407 hộ cần được bố trí tái định cư. Tổng kinh phí dự kiến cho công tác GPMB là 3.893 tỷ đồng.
Tỉnh đang triển khai 8 dự án tái định cư với tổng diện tích gần 29 ha, vốn đầu tư khoảng 465 tỷ đồng. Các khu tái định cư được quy hoạch ở vị trí thuận lợi, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân sau di dời. Dự kiến khởi công tháng 9/2025 và hoàn thành vào tháng 11/2025.
Hiện công tác đo đạc địa chính, lập hồ sơ thu hồi đất tại 19 xã, thị trấn đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương đang tiếp tục xác minh nguồn gốc đất, phấn đấu hoàn thành trong tháng 5/2025. Ngay sau khi Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao cọc mốc ngoài thực địa, các bước kiểm đếm, lập và phê duyệt phương án GPMB sẽ được triển khai đồng loạt.
Song song, Hải Dương đã hoàn tất việc rà soát 244 công trình hạ tầng bị ảnh hưởng, bao gồm hệ thống điện, nông nghiệp, giao thông các cấp. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện di dời, điều chỉnh kỹ thuật, đảm bảo thi công thuận lợi và an toàn.
Chủ động nguồn vật liệu và định vị các nhà ga chiến lược
Một trong những điểm nổi bật trong công tác chuẩn bị tại Hải Dương là sự chủ động về nguồn vật liệu san lấp. Tỉnh đã xác định 19 khu đất, đá đồi với trữ lượng khoảng 62 triệu m³, cùng các khu vực khai thác đất bãi bồi, đá vôi và tro xỉ, sẵn sàng phục vụ quá trình thi công tuyến đường sắt trọng điểm này.
Dự án sẽ xây dựng 3 nhà ga tại Hải Dương:
- Ga Bình Giang: nằm tại xã Hùng Thắng, gần khu công nghiệp Phúc Điền, có quy mô khoảng 10,5 ha với 6 đường ray, là ga hỗn hợp phục vụ cả hành khách và hàng hóa.
- Ga Hải Dương Nam (Gia Lộc): nằm gần Quốc lộ 38B, quy mô 11,5 ha với 5 đường ray, cũng là ga hỗn hợp.
- Ga Tứ Kỳ: thuộc xã Chí Minh, là ga kỹ thuật có 3 đường ray, quy mô 5,3 ha, phục vụ tác nghiệp nhường tránh tàu.
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến chính 390,9 km, tốc độ thiết kế tối đa 160 km/h, vận chuyển cả hành khách và hàng hóa. Giai đoạn I đầu tư đường đơn, giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi, tổng mức đầu tư lên tới 8,369 tỷ USD. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong chiến lược phát triển hạ tầng logistics và giao thông liên kết vùng trung du miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng và khu vực ven biển.